Những tình tiết bất ngờ trong phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương
Pháp đình - Ngày đăng : 19:42, 21/05/2018
Ông Đinh Tiến Công khai việc “bổ sung” này diễn ra ngay sau khi sự cố tai biến y khoa xảy ra (ngày 29/5/2017), mục đích là để hoàn thiện các thủ tục hành chính, quy trình chuyên môn.
Bên cạnh đó, ông Công cũng khẳng định thông tin sau sự cố, cả khoa chưa biết nguyên nhân do đâu nhưng cần phải hoàn thiện các thủ tục hành chính. Ông Đinh Tiến Công nói: “Trưởng khoa và Phó khoa phân công tôi làm việc này. Trực tiếp ai chỉ đạo thì tôi không nhớ nhưng phải có sự bàn bạc của Trưởng và Phó khoa. Tôi viết thêm ở mục cuối cùng của biên bản, đoạn phân công nhiệm vụ. Lúc đó chưa có chữ ký của đồng chí nào. Sau khi bổ sung vào thì mới ký sau”.
Ông Đinh Tiến Công tại phiên tòa xét xử
Một lần nữa ông Công khẳng định, sau khi sự cố xảy ra mới ghi thêm. Thực tế năm 2015 không phân công bác sỹ Hoàng Công Tình phụ trách đơn nguyên Hồi sức tích cực, bác sỹ Lương phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo vào trong biên bản mà chỉ phân công bằng miệng.
Trước đó, mỗi lần được HĐXX hỏi, ông Công đều khẳng định nội dung ghi trong biên bản cuộc họp được ông ghi ngay sau các cuộc họp.
Đối chất với lời khai này, ông Hoàng Công Khiếu, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Phó Giám đốc Bệnh viện nói, năm 2015 đã phân công các bác sỹ theo đúng như ông khai, nhưng “không nhớ phân công tại cuộc họp nào”.
Ông Hoàng Đình Khiếu nói: “Tôi không biết sổ giao ban đó ở đâu, khi được Cơ quan Cảnh sát điều tra cho xem sổ giao ban thì tôi xác nhận chữ ký của tôi. Tôi khẳng định không chỉ đạo bất cứ ai sửa chữa nội dung cuộc họp. Tôi không hiểu anh Công ghi lúc nào và làm những gì. Như tôi đã nói, khi họp xong thì tôi ký ngay, từ đó đến nay tôi chưa được ký chữ ký nào”.
Cũng trong phiên tòa chiều nay, ông Đỗ Đình Vận, Phó GĐ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã khẳng định ngay sau khi sự cố y khoa xảy ra, Bệnh viện đã hỗ trợ mỗi gia đình có nạn nhân tử vong 20 triệu đồng, mỗi nạn nhân đang cấp cứu 2 triệu đồng: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức cứu những bệnh nhân còn sống, khắc phục sự cố. Bệnh viện đã dành một phần quỹ hỗ trợ các gia đình nạn nhân, mỗi người 20 triệu đồng và 2 triệu đồng. Ngay tối hôm đó (29/5/2017), chúng tôi hỗ trợ 20 triệu đối với gia đình nạn nhân tử vong, 2 triệu đối với nạn nhân đang cấp cứu”.
Tuy nhiên, tất cả người nhà của 18 nạn nhân: Gồm 9 nạn nhân tử vong và 9 nạn nhân may mắn sống sót đều phản bác thông tin này.
Đại diện gia đình nạn nhân tử vong khẳng định họ mới chỉ nhận được 10 triệu đồng hỗ trợ từ bệnh viện, còn gia đình có bệnh nhân được cấp cứu qua khỏi cho biết đã nhận được 2 triệu đồng.
.
Ông Đỗ Đình Vận tại phiên tòa xét xử
Theo ông Vận, mặc dù khi đó chưa biết là lý do dẫn đến sự cố y khoa nhưng Bệnh viện có trách nhiệm phải hỗ trợ cho các nạn nhân trước mắt. Tuy nhiên, khi HĐXX yêu cầu xác nhận lại cho chính xác Bệnh viện đã hỗ trợ nạn nhân 10 triệu đồng hay 20 triệu đồng, ông Vận trả lời “có nghe nói là 20 triệu đồng”.
HĐXX hỏi khoản tiền đó Bệnh viện “bồi thường” hay “hỗ trợ” gia đình nạn nhân, ông Vận trả lời: “Tòa chưa phán xét nên chúng tôi chưa thể nói là bồi thường hay hỗ trợ”.
Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng chia sẻ khó khăn trong việc thương thảo với các gia đình nạn nhân: “Chúng tôi đã cùng Công ty Thiên Sơn nhiều lần thương thảo với các gia đình nạn nhân nhưng do số lượng nạn nhân đông, lại phân tán ở nhiều nơi nên chưa tìm được tiếng nói chung. Khi sự cố xảy ra, Giám đốc Trương Quý Dương bị đình chỉ và cách chức luôn nên cũng là khó khăn cho chúng tôi trong việc điều hành, giải quyết”.
Bên cạnh đó, ông Vận cũng khẳng định Bệnh viện bày tỏ sự tin tưởng HĐXX xét xử đúng người đúng tội để các tổ chức, cá nhân gây ra vụ việc phải chịu trách nhiệm: “BVĐK tỉnh Hòa Bình là cơ quan Nhà nước, hoạt động tự chủ, không dựa vào ngân sách nhà nước. Khi xảy ra vụ việc, thiệt hại to lớn đối với bệnh nhân và các gia đình, nhưng cũng là tổn thất lớn đối với bệnh viện. Thay mặt 700 cán bộ nhân viên Bệnh viện, xin các gia đình nạn nhân lượng thứ cho chúng tôi”.
Vị Phó Giám đốc này tiếp tục nói: “Chúng tôi là đơn vị y tế, không có chuyên môn sâu về thiết bị máy móc. Sự cố xảy ra là do nguồn nước chứ không phải do chuyên môn của bệnh viện, mong mọi người có cái nhìn đúng hơn về bệnh viện và chia sẻ cảm thông với chúng tôi. Chúng tôi hy vọng HĐXX cho chúng tôi một phán xét công bằng, hợp lý, đúng pháp luật. Ai, cá nhân, tổ chức nào gây nên hậu quả này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đền bù thỏa đáng cho gia đình các nạn nhân”.
Phó Giám đốc Đỗ Đình Vận cũng khẳng định yêu cầu đền bù của các gia đình nạn nhân còn phải chờ phán quyết của HĐXX. Quan điểm của Bệnh viện là Bệnh viện sai đến đâu thì sẽ có trách nhiệm đến đấy.