Chủ tịch PVPower trả lời về quy trình nhận và gửi công văn của PVN
Pháp đình - Ngày đăng : 17:06, 09/05/2018
Trước đó, tại phiên tòa, đại diện PV Power và PVC khẳng định đã gửi cho Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực 4 văn bản để yêu cầu bổ sung các yếu tố cần thiết cho Hợp đồng EPC số 33, nếu không hợp đồng sẽ không đủ tính pháp lý. Cụ thể, PV Power, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gửi 3 công văn số 3492, 364, và 3769; Đơn vị tổng thầu thi công dự án là PVC gửi 1 công văn số 641. Tuy nhiên ông Phùng Đình Thực khẳng định chưa từng nhận được 4 văn bản này.
Trả lời HĐXX, ông Hồ Công Kỳ, nguyên Chánh Văn phòng PVN (hiện là Chủ tịch HĐTV PVPower) cho biết, Văn phòng tập đoàn có chức năng nhiệm vụ tiếp nhận và phân phối công văn đi và đến theo quy chế quản lý văn thư lưu trữ của tập đoàn, và theo quyết định phân công của HĐQT, Ban Tổng Giám đốc tập đoàn.
Ông Hồ Công Kỳ tại phiên tòa chiều nay
Ông Hồ Công Kỳ cho biết, để thực hiện chức năng nhiệm vụ của văn phòng, ông đã phân công cấp phó của mình là Khương Văn Đạt trực tiếp phụ trách công tác văn thư lưu trữ và phân phối công văn của tập đoàn.
Vì vậy, để làm rõ nội dung này, ông Hồ Công Kỳ đã đề nghị HĐXX hỏi ông Khương Văn Đạt. Tuy nhiên, ông Kỳ cũng khẳng định: “Mặc dù ủy quyền cho cấp phó, về nguyên tắc PVN sử dụng hệ thống điện tử quản lý văn thư lưu trữ (idoc) được lưu trữ hết sức cẩn thận. Vì vậy nếu cần truy xuất thì văn phòng có thể truy xuất từng văn bản. Việc chuyển văn bản cho ai xử lý thì tùy thuộc vào sự phân công nhiệm vụ của HĐTV và Ban Tổng Giám đốc”.
Ông Khương Văn Đạt có mặt tại tòa cũng khẳng định hoàn toàn có thể truy xuất văn bản ở bất kỳ thời điểm nào, hệ thống lưu trữ có thể cho biết chính xác văn bản đó đã chuyển cho ai. “Thời điểm 2010 - 2011 tôi là Phó Chánh văn phòng, việc xử lý văn bản đến và đi đúng như ông Kỳ vừa nói.”
Ông Đạt nói thêm. “Bên cạnh đó còn có sự phân cấp, quyền giữa từng thành viên HĐTV và Ban TGĐ nên tùy theo từng văn bản sẽ chuyển đến các vị trí. Đối với trường hợp bản cứng thì phải chuyển bản copy đồng thời với bản mềm.”
Đối với 4 công văn được gửi đến ông Phùng Đình Thực nhưng bị cáo Thực nói không nhận được, ông Đạt khẳng định hoàn toàn có thể kiểm tra được các văn bản này đã được chuyển đến ai vì nó thể hiện trên máy. Ông Khương Văn Đạt hiện vẫn đang là Phó Chánh văn phòng PVN.
Phó Chánh Văn phòng PVN Khương Văn Đạt trả lời các câu hỏi của HĐXX
Trước đó, bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Giám đốc BQLDA Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng khẳng định từng nhiều lần gửi công văn đến các lãnh đạo PVN để cảnh báo việc Hợp đồng EPC số 33 ký giữa PV Power và PVC chưa đủ điều kiện pháp lý nên không thể tạm ứng 6% giá trị hợp đồng như thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, các lãnh đạo PVN đều im lặng và không ai phản hồi công văn của BQLDA Nhiệt điện Thái Bình 2 do Vũ Hồng Chương ký.
Nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh cho rằng mình chỉ là Phó TGĐ, các công văn gửi về PVN trước hết phải được chuyển đến Chủ tịch HĐTV và TGĐ, sau đó mới đến cấp dưới. Trong khi đó, Phùng Đình Thực lại khẳng định PVN mỗi ngày nhận hàng trăm công văn đến nên không phải công văn nào cũng gửi trực tiếp cho bị cáo.
Bị cáo Phùng Đình Thực khẳng định, Ban TGĐ PVN đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các Phó TGĐ, cứ công văn nào liên quan đến điện thì bộ phận văn thư của tập đoàn sẽ được chuyển đến Phó TGĐ phụ trách lĩnh vực này là Nguyễn Quốc Khánh, công văn nào liên quan đến lĩnh vực tài chính thì tự động gửi đến cho Phó TGĐ Nguyễn Xuân Sơn.
Bị cáo Phùng Đình Thực tại phiên tòa xét xử
Tuy nhiên, bị cáo Phùng Đình Thực thừa nhận đã nhận được công văn số 378 do Vũ Hồng Chương đóng dấu Mật gửi trực tiếp mình. Sở dĩ Vũ Hồng Chương phải đóng dấu Mật vì trước đó đã gửi 4 công văn lên tập đoàn nhưng không nhận được hồi âm từ lãnh đạo tập đoàn.
Theo lời bị cáo Chương, đích thân Đinh La Thăng cũng đã gặp riêng ông tại phòng làm việc để hỏi rõ vì sao lại phản đối Hợp đồng EPC số 33. Sau đó, Đinh La Thăng gọi Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Quốc Khánh lên phòng làm việc. Tại đây, Nguyễn Xuân Sơn đã yêu cầu Vũ Hồng Chương bằng mọi cách phải chuyển tiền tạm ứng 6% tổng giá trị hợp đồng cho PVC theo thỏa thuận của hợp đồng. Trước sức ép của lãnh đạo PVN, Giám đốc BQLDA Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chuyển cho PVC 1.300 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.