Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2: 4.500 tỷ đồng hiện đang ở đâu?
Pháp đình - Ngày đăng : 15:19, 15/01/2018
Luật sư Phạm Thế Vũ và Nguyễn Xuân Anh bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng xây dựng (VNCB) tham gia xét hỏi về việc Phạm Công Danh sang BIDV vay khoản tiền 4.700 tỷ đồng. Luật sư Vũ hỏi Danh khi vay vốn, bị cáo đứng trên tư cách nào, là đại diện cho VNCB, Thiên Thanh, 12 công ty hay cá nhân? Bị cáo Danh cho biết do sự việc xảy ra lâu rồi nên bị cáo không nhớ. Danh thoái thác: "Tại cơ quan điều tra, bị cáo đã trình bày rõ nên xin phép không trả lời".
Các luật sư đặt thêm một số câu hỏi liên quan đến việc VNCB có thông báo cho cổ đông góp vốn về thông tin Ngân hàng Nhà nước không đồng ý cho tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng, và các cổ đông có yêu cầu gì với VNCB hay không? Bị cáo Danh cho rằng việc xảy ra lâu rồi không nhớ.
Về câu hỏi khi cổ đông của VNCB biết Ngân hàng Nhà nước không cho tăng vốn, cổ đông có yêu cầu gì về khoản tiền 4.500 tỷ không? Danh trả lời do suốt thời gian gần 4 năm không được tiếp xúc với bên ngoài nhiều nhưng bị cáo nghĩ rằng các cổ đông đều hiểu tiền của cổ đông bỏ vào và xin phép không nói thêm.
Áp giải các bị cáo
Liên quan đến khoản tiền 4.700 tỷ đồng trên, luật sư Chu Văn Hưng bào chữa cho bị cáo Phạm Việt Thép hỏi đại diện Ngân hàng CB về khoản 4.500 tỷ đồng hiện ở đâu khi thực tế chưa trả cổ đông cũng không được phép tăng vốn điều lệ?. Đại diện CB cho rằng CB không sử dụng đồng nào mà các bị cáo đã dùng hết. Cho đến khi Ngân hàng Nhà nước công bố mua 0 đồng thì không còn số tiền nào nữa.
Luật sư tham gia xét hỏi bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB về thông tin bên BIDV cho rằng, quan hệ giữa VNCB và BIDV là quan hệ cầm cố và gửi tiền, bị cáo thấy có đúng không? Mai thừa nhận là đúng. Về khoản tiền 4.700 tỷ đồng đi đâu, bị cáo Mai cho rằng, số tiền đó được Mai dùng để gửi trên liên ngân hàng tức thị trường 2 lấy lãi. Tiền dùng chung là hòa chung để tính chi phí của ngân hàng, và chủ yếu là tiền huy động từ thị trường 1.
Liên quan đến khoản tiền 4.700 tỷ đồng, luật sư hỏi Mai Hữu Khương, nguyên giám đốc tài chính của VNCB về việc hạch toán số tiền trên như thế nào? Khương cho rằng đã được hạch toán vào nợ phải trả cổ đông. Còn về khoản tiền tăng vốn hòa chung vào tiền ngân hàng có được hạch toán, Khương đáp VNCB đã hạch toán trước khi bị mua lại 0 đồng.
Theo cáo trạng, giữa năm 2013, để có tiền tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu VNCB, ông Danh đặt vấn đề với lãnh đạo BIDV gồm ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang (hai phó Tổng giám đốc phụ trách Ban khách hàng doanh nghiệp và phụ trách ban quản lý rủi ro) vay 4.700 tỷ đồng. Vì được ông Danh cam kết đảm bảo các khoản vay bằng tiền của VNCB gửi tại BIDV nên lãnh đạo ngân hàng duyệt cho vay.
Cáo trạng xác định nhiều lãnh đạo, nhân viên của BIDV sai phạm trong việc cho các công ty của ông Danh vay, chỉ kiểm tra, thẩm định đánh giá tính hiệu quả của phương án kinh doanh dựa trên hồ sơ khống. Sai phạm này không gây thiệt hại cho nhà băng, song gián tiếp giúp ông Danh rút tiền của VNCB và gây thiệt hại hơn 2.550 tỷ đồng.
Liên quan vụ việc, ông Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (là lãnh đạo và cán bộ BIDV Chi nhánh Gia Định) bị cho là đã cố ý làm trái quy định, giúp sức cho ông Danh trong việc giải ngân khoản vay 430 tỷ đồng.