Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2: "Tâm tư" các Giám đốc vốn là bảo vệ, lái xe

Pháp đình - Ngày đăng : 14:40, 12/01/2018

Ngày 12/1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục phần xét hỏi nhiều bị cáo vốn là bảo vệ, lái xe…

Nhóm bị cáo là Giám đốc các công ty của Phạm Công Danh có 19 người, trong đó có Trần Hiệp (SN 1966, ngụ quận 5, Tp. Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Công ty Phong Hiệp). Bị cáo Hiệp phải chịu trách nhiệm liên đới với số tiền là 337 tỷ đồng. HĐXX xét hỏi Hiệp để làm rõ nhân thân và hành vi của bị cáo. Hiệp khai: "Trước khi làm cho Công ty Phong Hiệp, Hiệp chỉ là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Khi Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc) nhờ Hiệp mở Công ty Phong Hiệp, Hiệp đồng ý và đứng tên giám đốc. Địa chỉ công ty được đặt ngay tại nhà bị cáo".

Theo bị cáo Hiệp khai nhận: Mặc dù là ngồi ghế giám đốc lương cũng “bèo”, ban đầu chỉ được 4,5 triệu đồng/tháng, sau tăng lên 5 triệu. Hiệp đứng tên công ty nhưng “giấy tờ, con dấu là người khác cầm, bị cáo chỉ ký thôi”. Hiệp thừa nhận đã có hành vi ký giấy tờ vay vốn BIDV Gia Định, tuy nhiên lại “không đọc nội dung”.

HĐXX đã hỏi về việc giải ngân khoản tiền chuyển về khi nào, Hiệp thú nhận: "Bị cáo không biết việc này, bản thân bị cáo không được sử dụng. Khi Cơ quan điều tra vào làm việc thì bị cáo mới biết". HĐXX truy: "Cáo trạng truy tố rất rõ trách nhiệm của bị cáo. Bị cáo ký mà không biết chuyện gì xảy ra, gây hậu quả như thế nào. Bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Ý kiến bị cáo như thế nào?", Hiệp “tâm tư”: "Việc này bị cáo không có động cơ, mục đích và không hưởng lợi, kính mong HĐXX xem xét cho bị cáo".

Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2:

Bị cáo Phạm Công Danh

Ngoài Hiệp, nhiều giám đốc được Danh “đôn” lên từ lái xe, bảo vệ đã bị truy tố như Nguyễn An Vinh, Giám đốc Công ty Nhất Nhất Vinh; Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Công ty Quốc Thắng; Lê Đài, Giám đốc Công ty Bảo Gia; Lê Duy Lương, Giám đốc Công ty Thành Công; Nguyễn Hồng Dũng, Giám đốc Công ty Đại Long và Nguyễn  Kim Vân, Giám đốc Công ty Hương Việt.

HĐXX cũng tiến hành xét hỏi các bị cáo liên quan đến các Công ty “ma” do Danh lập ra để lập hồ sơ khống vay tiền như Nguyễn Hữu Duyên (Công ty Quang Đại), Nguyễn Quốc Phú (Công ty Phú Nguyễn), bị cáo Nguyễn Văn Cường (Công ty Cường Tín), bị cáo Lê Văn Tuấn (Công ty Thiên Trang Phạm, Tuấn Văn), bị cáo Trần Thanh Tùng (Công ty Thanh Quang), bị cáo Phạm Việt Thép (JSC An Phát), bị cáo Nguyễn An Vinh (Công ty Nhất Nhất Vinh), bị cáo Hồ Thị Đi (giám đốc Hương Việt), bị cáo Nguyễn Tấn Thành (Công ty Thành Trí), Phạm Văn Phúc (công ty Phúc Phạm), Nguyễn Ngọc Thái (Công ty Nhà Phú Thịnh), bị cáo Nguyễn Quốc Thịnh (Công ty Thịnh Quốc), bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (Công ty Hương Việt) ….

Các bị cáo đều khai nhận: Việc đứng tên làm Giám đốc, họ được Danh cho hưởng lương hàng tháng từ 5 đến 10 triệu đồng tùy theo thời điểm. Vinh khai được hưởng tổng cộng là 200 triệu đồng; Thái khai được hưởng tổng cộng là 410 triệu đồng; Đài khai được hưởng tổng cộng là 210 triệu đồng; Lương khai được hưởng tổng cộng là 260 triệu đồng; Dũng khai được hưởng tổng cộng là 150 triệu đồng; Vân khai được hưởng tổng cộng là 300 triệu đồng...

Các bị cáo đều thừa nhận việc ký tên, đóng dấu tư cách pháp nhân của công ty trong việc làm nêu trên là trái với giấy phép đăng ký doanh nghiệp, Điều lệ công ty; Luật Doanh nghiệp; Luật Các tổ chức tín dụng... đã giúp cho Phạm Công Danh rút và sử dụng hết khoản tiền mà các bị cáo ký nhận nợ vay. Các bị cáo đều xác định là không có tiền khắc phục hậu quả và chịu trách nhiệm cùng Phạm Công Danh về khoản vay của mình theo quy định của pháp luật.

Tại Tòa, các bị cáo đều có câu trả lời tương tự bị cáo Trần Hiệp (Công ty Phong Hiệp) là được “đôn” lên làm giám đốc, được yêu cầu ký vào các hồ sơ vay tiền thì ký. Thậm chí, các bị cáo không biết ký nội dung gì, tất cả đều khai không được hưởng lợi gì ngoài khoản tiền “lương giám đốc”.

Trong phần xét hỏi Phạm Công Danh, Danh nại ra thời điểm phạm tội do VNCB “gặp áp lực” bị yêu cầu phải tăng vốn. Danh khai do thanh khoản ngân hàng lúc đó yếu mà lại phải lo vốn để tăng vốn nên bối cảnh đó ép “bị cáo phải sai phạm”(?!).

An Dương