Xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm: Các luật sư phản bác Thông tư 02
Pháp đình - Ngày đăng : 16:15, 23/09/2017
Trong phần tranh luận với Viện KSND chiều nay, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Bích Vân, nguyên GĐ OceanBank CN TP.HCM lật lại các quy định của Thông tư 02/2011/TT - NHNN ngày 03/03/2011 (Thông tư 02) năm 2011 do Phó Thống đốc NHNN ký ban hành.
Theo bà Trang, tại hồ sơ vụ án này không có văn bản nào thể hiện việc Thống đốc NHNN ủy quyền cho Phó Thống đốc ký ban hành Thông tư 02. Tại nội dung Thông tư 02, các căn cứ để ban hành dựa vào Luật Ngân hàng, Nghị định của Chính phủ, nhưng không thấy viện dẫn là căn cứ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, NHNN được xem như cơ quan ngang Bộ và có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Thông tư. Tuy nhiên Thông tư 02 không viện dẫn điều này và không áp dụng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nên vấn đề đặt ra ở đây là Thông tư 02 là văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, được ban hành đúng trình tự, thủ tục và nội dung của Thông tư như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay là một văn bản dưới luật.
Luật sư Trang nhấn mạnh: “Tội trạng ở điều 165 BLHS quy định người nào “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của nhà nước”, như vậy phải hiểu các quy định này phải là quy định quy phạm pháp luật, chứ không phải là văn bản dưới luật. Nếu không chứng minh được Thông tư 02 này là văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước thì không có cơ sở nào để cáo buộc các bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 BLHS”.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Tiếp tục phần bào chữa của mình, luật sư Trang đề nghị HĐXX xem xét làm rõ để phán quyết công tâm, phù hợp với pháp lý. Luật sư cũng cho rằng việc Viện KSND tách Hoàng Bích Vân ra khỏi nhóm các bị cáo khác là đã căn cứ vào việc Chi nhánh TP. HCM chi lãi suất nhiều hơn các chi nhánh khác. Trong khi chính Viện KSND đề nghị đối với thành phần dân sự, chi lãi ngoài cho các cá nhân thì ngân hàng không thu lại và không bị cáo buộc trách nhiệm hình sự, mà chỉ cáo buộc đối với những chủ thể chi lãi ngoài cho các tổ chức.
“Căn cứ nào để Viện KSND tách những bị cáo này ra khỏi nhóm các bị cáo còn lại, trong khi việc chi lãi ngoài là đem lại lợi nhuận cho ngân hàng, không phải là thiệt hại. Phải chăng VKS cho rằng chi nhánh nào làm nhiều hơn, có lợi nhuận nhiều hơn thì tội nặng hơn. Đề nghị HĐXX xét Hoàng Bích Vân cùng hành vi như những bị cáo khác và được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như những bị cáo khác”, luật sư Trang nói.
Theo Luật sư Nguyễn Phương Nam, luật sư bào chữa cho 4 bị cáo Tạ Hoàng Phương, Bùi Đức Quỳnh, Hoàng Phương Nga, và Đỗ Quốc Trình, các bị cáo đã vi phạm Thông tư 02, nhưng cần lưu ý ở điểm: mức lãi suất vượt trần được quy định tại Thông tư 02 này lại trái với quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành. Do vậy vị luật sư này đề nghị HĐXX thận trọng cân nhắc, không thể chỉ dựa vào một căn cứ không vững chắc này mà kết luật hành vi “trái với quy định của nhà nước”.
Luật sư Nam tiếp tục cho rằng: Sự việc chi chăm sóc khách hàng, chi lãi ngoài này đã diễn ra trong một thời gian dài, các Ngân hàng khác đều có và đã từng bị phát hiện nhưng cũng chỉ xử lý hành chính. Nếu có xử lý hành chính thì cũng chỉ là trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức tín dụng. “Sự việc này đã được công tác thanh tra, kiểm tra biết nhưng làm “ngơ” không xử lý. Có nên hiểu chính cơ quan quản lý cũng đang thừa nhận thực trạng này là một hoạt động xúc tiến thương mại, cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động huy động vốn của Ngân hàng?”, luật sư Nam nói.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang tại phiên tòa xét xử chiều nay
Trong phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu, các luật sư đều cho rằng 2 bị cáo này đã thành khẩn khai các địa chỉ nhận tiền "chăm sóc khách hàng". Có người nhận, có người không nhận. Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án ở những nơi không nhận. Nhưng nếu buộc Sơn tội “Tham ô” và “chiếm đoạt" số tiền đó rồi tuyên tử hình thì nghiễm nhiên coi Sơn đã "ăn" số tiền đó, vậy có cần khởi tố vụ án kia? Nếu tuyên tử hình Sơn, phải chăng những đối tượng hưởng lợi từ Sơn lại ung dung ngoài vòng pháp luật?
Các luật sư cho rằng sau hai năm điều tra, Viện KSND truy tố Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm tội Cố ý làm trái với hành vi chi lãi ngoài, sáu tháng trước mới đổi tội danh thành Tham ô vì tình nghi Sơn "chiếm đoạt" số tiền này. Nay số tiền này đã được khai đi đâu và cần xác minh. Trong khi nhiều tình tiết không được làm sáng tỏ, vậy tử hình Sơn liệu có quá vội vàng?
Viện Kiểm sát buộc tội Nguyễn Xuân Sơn "tham ô" 20% tương đương phần vốn góp của cổ đông cũ PVN tại OceanBank trong phần 246 tỷ đồng chi lãi ngoài và "chiếm đoạt" 80% số còn lại của các cổ đông (cũ) khác, và Hà Văn Thắm là đồng phạm hai tội đó. Nhưng nghịch lý là "cổ đông khác" trên lại chính là các công ty của Hà Văn Thắm, đồng nghĩa với việc Hà Văn Thắm sẽ bị buộc tội "chiếm đoạt" tài sản của...chính mình và phải bồi thường cho chính mình. Tại phiên tranh luận ngày 22/09, đại diện các công ty của Hà Văn Thắm cũng đã đứng ra đòi quyền bình đẳng với cổ đông PVN.
Cũng theo các luật sư, sau hai năm điều tra, những bị cáo liên quan đến khoản tiền 69 tỷ đồng từ BSC, tội danh cho khoản tiền này bị đổi thành Lạm dụng chức vụ và quyền hạn… với khung hình phạt nặng hơn mà không có thay đổi gì trong hồ sơ điều tra, kéo theo án nặng hơn cho các bị cáo từ Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu cho đến Hoàng Thị Hồng Tứ.
Các luật sư đặt câu hỏi, phải chăng quan điểm luận tội của VKS và CSĐT sau 2 năm điều tra, nghiên cứu vụ án lại sai?