Xét xử phúc thẩm đại án 9.000 tỷ: Đường đi "lạ" của 5.190 tỷ đồng
Pháp đình - Ngày đăng : 14:06, 03/01/2017
Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Đình Quyết, nguyên Phó Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn khai về các khoản vay 5.190 tỷ đồng của 16 khách hàng, trong đó có ông Trần Quý Thanh (Công ty Tân Hiệp Phát), các cá nhân trên không trực tiếp đến ngân hàng, chỉ có người đại diện là ông Vũ Anh Tuấn.
Theo Quyết, sở dĩ như vậy là do ngày đầu, bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Trần Quý Thanh) nói với Quyết do khách ở xa, người của bà Bích là ông Tuấn, Trưởng phòng của Tân Hiệp Phát sẽ thay mặt đại diện. Quyết nhớ lại: “Nghe xong, bị cáo vẫn tin tưởng dù ông Tuấn không có giấy tờ ủy quyền gì”.
Đại diện Viện kiểm sát (VKS) xét hỏi: “Việc vay số tiền đặc biệt lớn, khách hàng không có mặt, chỉ giao cho ông Tuấn đại diện, bị cáo thấy như thế nào?”. Quyết trả lời: “Tiền là của ông Thanh, bà Bích là con gái ông Thanh, nên khi bà Bích giới thiệu ông Bùi Anh Tuấn nên bị cáo tin tưởng. Nhân viên của bị cáo có thể làm chứng cho bị cáo, có chị Phượng, Liên…”. Bị cáo Quyết ký trước rồi đưa cho ông Tuấn với mục đích “để đảm bảo cho khách hàng biết ngân hàng giải ngân kịp thời”.
Áp giải bị cáo Hoàng Đình Quyết
Đại diện VKS truy: “Sao không chờ khách hàng ký rồi mới đến đại diện ngân hàng ký?” Quyết trả lời: “Bị cáo chịu trách nhiệm. Việc này theo đề xuất của bà Bích thông qua Tuấn”.
Quyết giải thích thêm: Do Phạm Công Danh là lãnh đạo cấp cao của bị cáo chỉ đạo “phục vụ tốt khách hàng”. Tuy Danh không chỉ đạo bị cáo ký trước nhưng bị cáo vẫn thực hiện “do tin tưởng và mong phục vụ tốt nhất khách hàng”. Về tài sản thế chấp cho khoản vay 5.190 tỷ đồng, Quyết khai đó là các sổ tiết kiệm với số tiền lên đến 5.600 tỷ đồng.
Đại diện VKS tiến hành xét hỏi bà Trần Ngọc Bích về ý kiến trình bày của bị cáo Quyết, bà Bích đáp: “Tôi không nhận định về lời khai của người khác”. VKS truy: “Quyết khai đúng không?” Bà Bích nói: “Tôi là khách hàng, làm đúng quy định của ngân hàng…Khi vay, tôi thông báo cho ngân hàng để họ chuẩn bị hồ sơ. Các hồ sơ theo đúng mẫu ngân hàng, họ hướng dẫn cho chúng tôi ký kết”. VKS hỏi: “Bà có lên ngân hàng ký giấy đề nghị vay vốn không?”. Bà Bích khẳng định: “Chắc chắn tôi có trực tiếp lên ngân hàng ký”. Theo bà Bích, bà không ủy quyền cho Vũ Anh Tuấn, chỉ nhờ Tuấn ghé ngân hàng lấy hồ sơ; cha bà cũng có đến ngân hàng.
Theo đại diện VKS, do ông Trần Quý Thanh “đang nằm viện” nên xét hỏi người đại diện của ông Thanh, vị này khẳng định ông Thanh có đến Ngân hàng VNCB thực hiện “đúng quy định ngân hàng”. Ngay sau đó, bị cáo Quyết đứng dậy khẳng định: “Lời khai đó không đúng. Họ không lên ngân hàng. Có nhân viên là bị cáo Nguyễn Quốc Sơn có thể làm chứng”.
VKS gọi bị cáo Sơn, theo Sơn, lúc đó đang làm phòng ngân quỹ, không thấy ông Thanh trực tiếp lên giao dịch. Bị cáo Quyết yêu cầu: "Ngân hàng gắn camera có hình ảnh, đề nghị HĐXX xem xét lại camera”.
Về việc này, VKS đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá. Ngoài ra, VKS nhận định ông Vũ Anh Tuấn, ông Nguyễn Tấn Lộc tham gia tư cách phiên tòa với tư cách là người làm chứng, đề nghị tòa triệu tập trực tiếp đến để làm rõ vào chiều 3/1, “nếu vắng mặt, đề nghị cảnh sát tư pháp thực hiện dẫn giải”.
VKS xét hỏi về mối quan hệ giữa Phạm Công Danh và ông Trần Quý Thanh, Danh khẳng định hai người “có quan hệ vay tiền”. Về việc cho vay, lãi suất, thời gian… ông Thanh là người quyết định, bà Bích chỉ là người thừa hành. “Giữa bị cáo và ông Thanh có quan hệ vay tiền rất nhiều lần, cụ thể bao nhiêu tôi không nhớ hết".
VKS thống kê giữa bị cáo và ông Thanh có16 lần vay tiền. Về nguồn tiền ông Thanh có từ đâu, bị cáo trả lời không được biết. “Ông Thanh có thông qua bà Trang “phố núi” cho tôi vay trực tiếp”. Lý giải về việc vì sao ông Thanh phải gửi vào ngân hàng rồi vay lại đưa cho bị cáo? Danh khai: “Ông Thanh đảm bảo tôi phải trả lãi”.
Về quy trình vay như vậy có đúng không? Danh đáp “Bị cáo đã ủy quyền hết cho Phan Thành Mai”. Về tiền lãi, thực hiện theo thỏa thuận vay tiền giữa bị cáo và ông Thanh, ngoài các khoản lãi theo quy định, bị cáo phải trả thêm lãi suất cho ông Thanh từ 3 đến 4% tháng. VKS hỏi tiếp “Bị cáo lấy tiền ở đâu để trả?” Danh đáp: Một số tài sản dùng để tái cơ cấu được đem ra để trả lãi cho ông Thanh.
Về các khoản vay, bà Trần Ngọc Bích khai: “Chúng tôi gửi tiền ngân hàng Đại Tín từ giữa 2012, trước khi Danh là cổ đông. Lúc đó, chúng tôi có tiền nhàn rỗi, lãi suất tốt”. VKS hỏi: “Vì sao tiền gửi vào Ngân hàng rồi vay lại?”. Theo bà Bích, “gửi dài hạn rồi vay ngắn hạn là bình thường”. Việc vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm bắt đầu từ đầu 2013. Trong những lần vay tiền, mục đích ghi trong giấy đề nghị vay vốn ghi là “làm kinh tế gia đình”. VKS hỏi tiếp việc cho vay rồi vay lại sử dụng có đúng mục đích không? Bà Bích trả lời: “Tôi hiểu là làm những gì pháp luật không cấm".
Đại diện VKS tiếp tục xét hỏi bà Bích về những cá nhân đứng ra gửi tiền rồi sau đó vay tiền quan hệ gì với bà? Theo bà Bích, đó là cộng sự thân tín. “Họ chuyển tiền vào tài khoản của tôi do có mối quan hệ kinh doanh làm ăn, họ tin nên giao cho tôi quản lý. Nguồn gốc tiền từ đâu mà có thì của các cá nhân có trình bày vay từ ông Thanh. Tôi xin làm rõ khái niệm của ai và nguồn tiền từ đâu. Tiền của cá nhân họ, họ gửi tiết kiệm, còn tiền họ vay của ông Thanh thì đó là hai khái niệm độc lập”. VKS truy: "Vì sao tiền lãi chuyển về tài khoản ông Thanh?". Bà Bích cho biết bà có cử hai người đại diện khác sẽ trình bày cho rõ vấn đề này.
Bà Bích khai thêm giữa bà và Tập đoàn Thiên Thanh không có quan hệ mua bán. Đại diện VKS chất vấn về hai khoản tiền 429 tỷ đồng bà Bích yêu cầu ông Lộc đi nhận của Thiên Thanh và khoản 405 tỷ mà bà Bích ký nhận. Theo bà Bích, do việc xảy ra lâu quá nên bà “xin coi lại hồ sơ”. Đại diện VKS nhận định: “Đó là số tiền cực lớn, không thể nói là không biết”.