Vụ “cướp tài sản” ở Krông Năng: Nhiều tình tiết của vụ án chưa được làm rõ trong quá trình điều tra
Pháp đình - Ngày đăng : 17:41, 12/07/2016
Trước đó, Báo điện tử Công lý đã thông tin về vụ án này, sự việc bắt nguồn từ việc bà Nguyễn Thị Suốt nợ ông Mạnh thông qua chơi hụi, sau đó vì không có tiền trả bà Suốt đã thách thức “tiền bà không có trả, đồ của bà trong nhà muốn lấy gì thì lấy đi...”, nghe vậy ông Mạnh liền mang xe xuống lấy đồ.
Tại đây, ông Mạnh và những người chứng kiến vụ việc hôm đó một mực cho rằng ông không xô đẩy bà Suốt, nhưng bà Suốt lại khai ông Mạnh vừa lấy đồ, vừa xô bà ngã xuống nền nhà dẫn đến thương tích 21%.
Tại bản án sơ thẩm lần một vào năm 2014, TAND huyện Krông Năng đã tuyên phạt Nguyễn Đức Mạnh 7 năm tù vì tội “cướp tài sản”. Nhận thấy bản án cấp sơ thẩm đã tuyên không đúng với tình tiết sự việc, cũng như diễn biến của vụ án, nên ông Mạnh đã làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Nhiều tình tiết “quan trọng” chưa được làm rõ
Tại phiên Tòa phúc thẩm, HĐXX TAND tỉnh Đăk Lắk đã ra bản án số 297/2014/HSPT tuyên hủy bản án sơ thẩm số 30/2014/HSST, đồng thời TAND và VKSND tỉnh Đăk Lắk đã yêu cầu cấp sơ thẩm phải làm rõ những vấn đề như: Việc bị cáo (Nguyễn Đức Mạnh-PV), xô đẩy gây thương tích cho người bị hại (Nguyễn Thị Suốt, thường gọi Hiếu-PV) nhằm chiếm đoạt tài sản hay giữa bị cáo và người bị hại khi tranh giành tài sản thì người bị hại ngồi xuống đất, hay người bị hại tự nằm xuống đất khi bị cáo lấy tài sản thì cần phải điều tra, đối chất làm rõ để chứng minh, định tội.
Mặt khác cần tiến hành xác minh, thu thập bảng kê chi tiết cuộc gọi đi, cuộc gọi đến từ số máy của bà Hường (nhân chứng trong vụ án, đã cứu bà Suốt trong vụ tai nạn-PV), số điện thoại ông Hiếu (chồng bà Suốt-PV), số điện thoại con gái bà Suốt vào các ngày 23-24/8/2012 và ngày 15/2/2010 để chứng minh thời gian, hậu quả của vụ việc tai nạn giao thông. Bên cạnh đó cần phải lấy lời khai của con trai và con gái của bà Suốt, đồng thời làm rõ số tiền 10 triệu đồng mà anh Nguyễn Duy Đức đã nộp cho Cơ quan điều tra, để khắc phục hậu quả cho bà Suốt.
Mỗi khi được HĐXX cho nói ông Mạnh luôn một mực kêu oan (ảnh chụp phiên tòa ngày 10/3).
Ngay sau khi nhận được thông báo của VKSND tỉnh, VKSND huyện Krông Năng đã ra Quyết định số 08/KSĐT, ngày 8/9/2014 trả hồ sơ để cơ quan điều tra, điều tra lại vụ việc.
Ngày 25/4/2015, tại bản kết luận điều tra lại số 47/KLĐT của cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an huyện Krông Năng thể hiện: Cơ quan CSĐT đã triệu tập bà Suốt để đối chất với bị can Mạnh nhưng do bà Suốt đã chuyển khẩu về sống ở Hải Phòng… nên đã không tiến hành đối chất giữa bị can và bị hại được.
Về vấn đề tiến hành xác minh số điện thoại trong quá trình xảy ra vụ tai nạn, theo cơ quan điều tra việc tra cứu số điện thoại tại các công ty viễn thông mạng Viettel, Mobifone đều không thể tra cứu các cuộc gọi đi và đến trước đó 6 tháng, nên không xác định được các cuộc gọi điện thoại của các nhân chứng.
Số tiền 10 triệu đồng mà anh Lê Duy Đức (em rể của Mạnh) đã nộp tại Cơ quan điều tra là để khắc phục hậu quả (nếu như anh rể tôi gây ra cho bà Suốt, còn nếu không gây ra thì tôi xin nhận lại tiền, lời anh Đức tại phiên tòa 10/3-PV) cho Nguyễn Đức Mạnh.
Lời khai của Nguyễn Bảo Trung (con trai bà Suốt), sau khi CQĐT huyện Krông Năng ủy thác cho CSĐT Công an huyện Tiên Lãng-Hải Phòng, Trung khai, ngày 15/2/2010 Trung nhìn thấy Mạnh dùng tay xô bà Suốt ngã xuống nền nhà, cũng ngày này Trung được mẹ mình chở đi chúc tết và bị ngã xe.
Đối chiếu lời khai này, chúng ta có thể hiểu được, hai sự việc này diễn ra cùng ngày, nhưng việc ông Mạnh xuống nhà bà Suốt lấy đồ là vào ngày 23/8/2013 chứ không phải ngày như Trung đã nói ở trên. Đối với con gái bà Suốt là Nguyễn Thị Trang hiện không rõ ở đâu nên CQĐT không thể lấy lời khai.
Người dân chỉ còn biết trông chờ vào công lý nơi Tòa án
Trước đó, bà Suốt khai tại cơ quan CSĐT, bà bị ông Mạnh đẩy ngã vào ngày 23/8/2012 rồi gây ra thương tích 21%, nhưng tại bệnh án do bệnh viện (BV) huyện Krông Năng lập ngày 25/8/2012 thì bà Suốt khai: “Cách ngày nhập viện hai ngày, bị một nhóm thanh niên đánh vào đầu và xô ngã ngã xuống nền nhà (không rõ có đập đầu xuống đất hay không), nhưng thấy đau nên xin nhập viện”. Điều khó hiểu là sự việc mới diễn ra hai ngày, nhưng bị hại không biết được đầu của mình có bị đập xuống đất hay không, trong lúc thương tích 21% này lại nằm ở vùng đầu như trong kết luận của bản giám định thương tật?
Mặt khác, tại CQĐT bà còn khai bị té ngã cạnh nhà bà Hường vào ngày mùng hai Tết Âm lịch năm 2010 chứ không phải năm 2012. Nhưng bà Hường (nhân chứng đã cứu bà Suốt lại khẳng định trước tòa), bà Suốt té ngã vào khoảng 7-8 ngày trước rằm tháng 7 Âm lịch (khoảng ngày 23-24/8/2012, ngày này trùng với ngày xảy ra sự việc ông Mạnh vào nhà bà Suốt lấy đồ). Chồng bà Hường là ông Dũng đã đẩy xe của bà Suốt đi sửa tại nhà anh Khanh gần đó.
Cùng thời gian, anh Khanh khai tại cơ quan điều tra cũng như trước phiên tòa xét xử ngày 10/3: Thời gian anh chuyển về sống ở thôn Ea Ruế, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng vào khoảng tháng 4/2010 và làm nghề sửa xe tự phát sau khi chuyển đến đây ở. Lời khai này trái ngược với lời khai bà Suốt, nhưng lại phù hợp với thời gian mà bà Hường đã khai ở các cơ quan chức năng.
Việc các chứng cứ mà TAND tỉnh Đăk Lắk yêu cầu điều tra bổ sung cũng như VKSND tỉnh Đăk Lắk thông báo để rút kinh nghiệm khi hủy bản án vì cho rằng đây là những tình tiết quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc xác định tội danh của bị cáo; thương tích của bị hại do bị cáo gây ra hay do bị hại bị té xe?.v.v…đã không được cơ quan tố tụng cấp huyện làm rõ, nhưng vẫn truy tố bị can Mạnh về tội “Cướp tài sản” theo điểm đ khoản 2 Điều 133 BLHS, liệu đã đủ chứng cứ để buộc tội và đủ sức thuyết phục?
Sau đó, tại phiên tòa sơ thẩm lần hai ngày 10/3, TAND huyện đã tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra làm rõ thương tích 21% của bị hại Nguyễn Thị Suốt có từ đâu, nhưng cơ quan tố tụng vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố trong lần xét xử sắp tới ngày 14/7 như những lần trước.
Ông Nông Văn Nhâm (Kiểm sát viên, giữ quyền công tố tại phiên xét xử) một mực cho rằng truy tố của VKS là có đầy đủ căn cứ
Trước sự việc này, ông Nguyễn Đức Mạnh chỉ còn biết trông chờ vào cán cân công lý tại phiên tòa xét xử sơ thẩm sắp tới. Ông Mạnh bùi ngùi: “Vụ án đã kéo dài 5 năm nay, được xử lên xử xuống, nó đã làm đảo lộn cuộc sống của gia đình tôi, đẩy gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, con cái phải gửi về bên nội, bên ngoại ăn học vì không đủ sức để nuôi dạy. Phiên tòa đã diễn ra rất nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết. Đặc biệt là phiên tòa ngày 10/3, sau một ngày xét xử Tòa án đã trả hồ sơ để cơ quan tố tụng làm rõ thương tích 21% của bà Suốt do đâu mà có, nhưng đến nay, VKSND huyện vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố tôi với cáo trạng trước đó. Bản thân tôi thực sự bị oan, giờ chỉ biết trông chờ vào Tòa án nơi cán cân công lý được thực thi, nhằm xem xét thấu đáo các tình tiết của vụ án để trả lại công bằng cho bản thân và gia đình tôi”.
Xung quanh đến vấn đề chơi hụi dẫn đến sự việc trên, không chỉ riêng ông Mạnh, mà rất nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn xã Dliê Ya (huyện Krông Năng), đều hùn vốn góp hụi với bà Suốt, rồi họ trở thành nạn nhân trong trò chơi của bà Suốt lúc nào mà không hề hay biết.
Tất cả mọi người mà bà Suốt nợ tiền đã “đâm đơn” tố cáo lên Công an xã trước khi bà Suốt chưa bán nhà, cũng như chưa chuyển khẩu, nhưng không biết bằng cách nào mà bà Suốt vẫn ngang nhiên bán nhà, chuyển khẩu rồi mang theo tiền cùng gia đình ra Hải Phòng ở.
Rõ ràng, thương tích 21% mà bà Nguyễn Thị Suốt đang mang trong người vẫn là một dấu hỏi lớn mà cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có trách nhiệm chứng minh và làm sáng tỏ, tránh việc bỏ lọt chứng cứ dẫn đến truy tố và kết án oan cho người vô tội, bên cạnh đó cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét đơn thư của người dân xung quanh vấn đề hùn vốn chơi hụi mà bà Suốt đang bị tố cáo.