Vụ "buôn lậu" gỗ trắc “khủng” ở Quảng Trị: Toà yêu cầu điều tra bổ sung 11 nội dung

Pháp đình - Ngày đăng : 09:00, 09/07/2016

Sau phiên tòa sơ thẩm lần hai xử vụ án “buôn lậu gỗ trắc” tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thẩm phán Nguyễn Thị Cảnh-Chủ tọa phiên tòa, thay mặt HĐXX, đã ký văn bản quyết định, nêu 11 nội dung yêu cầu điều tra làm rõ.

Phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai diễn ra ngày 5 và 6/5/2016 (lần thứ nhất cũng trả hồ sơ, diễn ra trong hai ngày 30 và 31/10/2014), xét xử theo cáo trạng của VKSNDTC.

Cũng như lần đầu, lần thứ hai cả 5 bị cáo có mặt, gồm: vợ chồng chủ công ty TNHH một thành viên Ngọc Hưng (Cty Ngọc Hưng) là ông Trương Huy Liệu và bà Trần Thị Dung bị truy tố tội buôn lậu; ba công chức hải quan (ông Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành ở Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị và Đỗ Danh Thắng ở Cục Hải quan Đà Nẵng) bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan là Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, thành phố Đà Nẵng.

Theo cáo trạng, ngày 17/12/2011, Cty Ngọc Hưng nhận lô gỗ tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), chở trong 13 xe từ Lào, khai báo hải quan và nộp thuế. Hai ngày sau, lô gỗ được đóng vào 22 container, xuất sang Hồng Kông, trên đường chở xuống tàu ở cảng Đà Nẵng thì bị bắt giữ và ngày 6/4/2012 khởi tố vụ án “buôn lậu”.

Cáo trạng cho rằng “ông Trương Huy Liệu chỉ đạo nhân viên Cty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ, tài liệu, sau đó sử dụng bộ hồ sơ này để nhập khẩu, xuất khẩu 614,672 m3 gỗ không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật, trị giá 63.619.706.500 đồng”. Bà Dung “có hành vi góp sức cho ông Trương Huy Liệu”. Còn ông Nhi và ông Thành được giao nhiệm vụ kiểm hoá lô hàng xuất khẩu “đã không làm đầy đủ trách nhiệm được giao”. Ông Thắng cũng “không làm hết trách nhiệm”.

Nội dung cần làm rõ

Trong 11 nội dung yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ, có 3 nội dung liên quan doanh nghiệp ở Lào đã bán lô gỗ cho Cty Ngọc Hưng. Đó là Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào, có ông Khamfong Vorabout đã ký các hợp đồng bán gỗ. Theo kết luận điều tra thì ông Khamfong Vorabout là Phó giám đốc nên trong hợp đồng bán gỗ cho Cty Ngọc Hưng ký với tư cách giám đốc là hồ sơ giả mạo, nhằm che giấu hành vi buôn lậu của Cty Ngọc Hưng.

Thế nhưng, cùng thời gian, Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào còn bán gỗ cho hai doanh nghiệp khác của Việt Nam, đều do ông Khamfong Vorabout ký với chức danh giám đốc; lại được khẳng định là thật, không có hành vi buôn lậu. Hơn nữa, cũng theo điều tra, xác minh của Đoàn công tác liên ngành Trung ương tại Lào “xác định ông Khamfong Vorabout là giám đốc”. Hội đồng xét xử yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ các nội dung còn mâu thuẫn ấy và “để đảm bảo tính khách quan của vụ án cần trưng cầu hội đồng giám định khác hoặc cơ quan giám định khác (chẳng hạn Cơ quan giám định của Bộ Quốc phòng) tiến hành việc giám định”.

Vụ

Các bị cáo tại tòa ngày 6/5/2016

Có 3 nội dung yêu cầu làm rõ liên quan việc giám định lô gỗ. Theo kết luận điều tra, Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật đã được Cơ quan điều tra trưng cầu giám định nhưng Hội đồng xét xử thấy rằng Viện “về tư cách pháp lý của họ là chưa đảm bảo để tham gia giám định lô hàng”. Bởi, để có đủ tư cách pháp lý “họ phải được Bộ Tư pháp lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc”, nhưng ở vụ án này họ chưa được phép của Bộ Tư pháp.

Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra chỉ trưng cầu Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật giám định lô hàng, nhưng viện này lại “rủ” thêm cán bộ kiểm lâm Vùng 2 tham gia “là chưa đúng quy định tại Pháp lệnh giám định về tư pháp”. Giám định còn đưa ra hai con số khác nhau của lô gỗ, lần đầu là 453,104 m3, lần hai là 614,672 m3, “vì vậy phải tiếp tục điều tra làm rõ, cần thiết phải giám định lại”, Hội đồng xét xử yêu cầu.

Về phương pháp giám định, phải “làm rõ cơ sở nào cơ quan giám định dùng phương pháp cân trọng lượng, sau đó quy đổi ra mét khối với loại gỗ xẻ thanh, gỗ xẻ đẽo hộp?”. Bởi vì, theo quy định của Bộ NN&PTNT, “với gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp thì phải dùng phương pháp đo để tính khối lượng”.

Có 2 nội dung liên quan việc bán lô gỗ được yêu cầu làm rõ. Đó là “làm rõ việc Quyết định xử lý vật chứng bán đấu giá lô hàng có đúng quy định pháp luật Tố tụng hình sự hay không?”. Sau khi bán xong, Cơ quan điều tra đã chi hơn 3 tỷ đồng là dựa vào cơ sở nào, vì “vụ án vẫn đang trong quá trình giải quyết”?

Thêm 2 nội dung liên quan việc áp dụng quy định pháp luật, nội dung cuối được yêu cầu làm rõ với nhiều câu hỏi: “Làm rõ việc gia đình của Trần Đình Quang có nộp các tờ di thư kèm theo tờ giấy có ghi nội dung Quang bị ép cung cho Công an huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hay không? Chữ viết trong các tờ giấy đó có phải của Trần Đình Quang hay không? Trên cơ sở đó làm rõ việc Trần Đình Quang có bị ép cung hay không? Ngày 20/5/2013, Cơ quan điều tra (C44, Bộ Công an) có lấy lời khai của Quang hay không? Nếu có thì vì sao không có biên bản ghi lời khai trong hồ sơ vụ án?”.

Những uẩn ức

Tại phiên tòa lần thứ hai trả hồ sơ để điều tra bổ sung, những thông tin liên quan đến anh Trần Đình Quang (nhân viên Cty Ngọc Hưng) chiếm khá nhiều thời gian. Bởi những lời khai của anh Quang dẫn đến kết luận vợ chồng ông chủ Cty Ngọc Hưng là ông Liệu và bà Dung buôn lậu lô gỗ trắc.

Khi ông Liệu và bà Dung bác bỏ cáo buộc hành vi làm hồ sơ giả, Chủ tọa phiên tòa đọc lời khai của anh Quang với C44 là được ông Liệu chỉ đạo làm giả hồ sơ nhập khẩu. Ông Liệu khẳng định không đúng sự thật và khai thêm, anh Quang là cháu ruột của ông, bị C44 triệu tập ra Hà Nội làm việc vào ngày 20/5/2013, sau đó về nhà viết đơn kêu cứu và tiếp tục nhận được giấy triệu tập nên sợ hãi, đã treo cổ tự tử sáng 22/5/2013, để lại di thư viết rằng bị ép cung. Ông cung cấp di thư cho Hội đồng xét xử.

Vụ

Nơi anh Quang tự tử sáng 22/5/2013

Di thư được một luật sư đọc tại tòa, mở đầu: “Mình (Quang-PV) đến Bộ Công an theo giấy triệu tập mà tâm trạng nặng trĩu, vừa ám ảnh từ lần ép cung trước, vừa sợ bị trả thù, vì đã gửi đơn kêu cứu. Mình lo vì mình đã tố cáo hành vi của Trần Đức Dũng thuộc P4- C44 và bây giờ P4- C44 lại triệu tập mình đến để làm rõ vấn đề đơn cầu cứu”.

Bà Dung khai, trước khi treo cổ tự tử, anh Quang để lại 3 di thư, ngoài di thư trên, còn lại di thư cho người yêu và người thân. Theo bà Dung, lúc đó Công an huyện Hướng Hóa có mặt và muốn thu giữ những di thư nhưng gia đình anh Quang và nhiều người dân có mặt phản đối. Sau hồi giằng co, bản chính được Công an huyện Hướng Hóa giữ nhưng gia đình đã photo lại các di thư với dòng chữ “giấy này được photo từ bản gốc ra, có gia đình và cơ quan cảnh sát huyện Hướng Hóa chứng nhận”, kèm chữ ký của đại diện gia đình và Công an huyện Hướng Hóa.

Ông Liệu nghẹn ngào: “Tôi mang tiền để mua cho mẹ cái giường chữa bệnh thì bị bắt tạm giam và quy tiền đó là tang vật vụ án”. Tòa hỏi, ông trình bày chi tiết: ngày 19/12/2012, điều tra triệu tập ông ra Hà Nội, không có tội nên ông mang theo 60 triệu đồng để tính mua chiếc giường chữa bệnh cho mẹ; ngờ đâu bị bắt và thu giữ tiền.

Trong quá trình điều tra, C44 cho bán lô gỗ ngày 10/1/2014 và Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản của Sở Tư pháp Hà Nội bán được hơn 63 tỷ đồng, theo ông Liệu là rẻ so với thời giá khoảng 250 tỷ đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai, Chủ tọa hỏi đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, việc bán vật chứng là sai, vậy số tiền hơn 3 tỷ đồng trích cho ngành Hải quan (hơn 2 tỷ cho Hải quan Đà Nẵng, gần 1 tỷ cho Cục Điều tra) hiện ở đâu? Đại diện Cục Điều tra trả lời: đang giữ ở tài khoản của Cục Điều tra. Còn đại diện Hải quan Đà Năng khai: Đã quyết toán. 

Sáu Nghệ