Diễn biến ngày thứ 4 xét xử Nguyễn Đức Kiên: Nóng phiên thẩm vấn về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"
Pháp đình - Ngày đăng : 11:32, 03/12/2014
Tháng 4/2012, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát, và ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, đề nghị bán lại 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát (tương ứng 264 tỉ đồng) nhằm tăng sở hữu vốn của tập đoàn này tại các công ty thành viên.
Tiếp đó, ACBI đề nghị cho giải chấp 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát đang thế chấp tại ACB song không được đồng ý. Dù vậy, Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo nhân viên soạn quyết định của HĐQT để mình ký, thể hiện việc đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát. Sau đó, ACBI ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và nhận 264 tỉ đồng. Sau đó, do chưa nhận được cổ phần nên Công ty TNHH MTV Thép Hoà Phát đã có đơn kiến nghị làm rõ lên cơ quan Cánh sát điều tra.
Nguyễn Đức Kiên trong phiên tòa sáng nay
Trình bày trước HĐXX, Nguyễn Đức Kiên phân trần: “Giữa Tôi, anh Long, anh Dương là bạn bè nhiều năm. Giữa chúng tôi không thể ai lừa ai. Chúng tôi không bao giờ có ý thức lừa nhau.
Trong suốt quá trình điều tra, bản cung tại tòa sơ thẩm, tôi không tin Hòa Phát tố cáo tôi hay tôi tố cáo Hòa Phát.
Tôi đề nghị anh Long, Dương bình tĩnh nghe tôi trình bày đơn. Trong mọi trường hợp tôi hoàn toàn tin tưởng vào Hòa Phát và Hòa Phát tin tưởng tôi”.
Ngày 21/5/2012, sau khi ký kết xong hợp đồng, Hòa Phát sở hữu thành công 20 triệu cổ phiếu của ACBI. Bút toán ghi sổ của anh Dương. Với thẩm quyền của mình, anh Dương, Hà đã thực hiện việc sang tên số cổ phiếu này cho Công ty cổ phần thép Hòa Phát. Công ty Cổ phần thép Hòa Phát đã có công văn gửi Sở KHĐT Hải Dương giảm số lượng sở hữu. Trong báo cáo tài chính vào 6 tháng đầu năm của Thép Hòa Phát đã ghi nhận sự tăng vốn này. Do đó, không có chuyện Thép Hòa Phát chưa nhận được số cổ phiếu.
Như vậy là thời điểm, Thép Hòa Phát đã sở hữu thành công 20 triệu CP và không có chuyện chưa nhận được cổ như công văn của Thép Hòa Phát gửi cơ quan điều tra.
Tòa sơ thẩm căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng về Trách nhiệm của bên bán là cam kết số cổ phiếu này không thế chấp, không thực hiện bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán nào.
“Tôi khẳng định Công ty ACBI không thế chấp, không có hợp đồng thế chấp, không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm nào. Công ty ACBI chỉ ký hợp đồng quản lý tài sản và chỉ thực hiện bảo đảm và có điều kiện, tức là chỉ khi nào công ty không trả được nợ mới thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.
Khi ký hợp đồng chuyển nhượng vào tháng 5/2012, số cổ phiếu này chưa thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, Công ty chứng khoán ACBS cũng không yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.
Sau khi tôi bị bắt có thể có nhiều sức ép, cổ đông nước ngoài gây áp lực nên Thép Hòa Phát yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ chứ không phải tố cáo tôi.
Tôi rất buồn. Trước khi bị khởi tố, tôi đã xin cơ quan điều tra cho làm việc với anh Long chỉ 5 phút thôi để làm rõ. Nhưng không được. Đây là hợp đồng dân sự nếu cần hai bê ncó thể làm việc, thỏa thuận không cần thiết phải hình sự hóa. Đây là vấn đề đơn giản, do sai sót chứ không phải lừa đảo.
Trong hồ sơ vụ án, có 2 bản cung của tôi xác nhận có sai sót, sai phạm trong việc chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng thành công khi chưa được ACBS đồng ý là có sai sót nhưng đây không phải là nhận tội. Tôi không ghi rõ ai sai, sai ở đâu vì lo lắng cho bạn bè.
Tại tòa sơ thẩm, luật sư đã yêu cầu tôi cho khai thác nội dung này để làm vũ khí bảo vệ tôi, nhưng tôi đều yêu cầu anh Ngọc (Luật sư Ngô Huy Ngọc – PV) không dùng nội dung này vì nó có thể nguy hiểm cho anh Long, anh Dương và vì xã hội có thể hiểu là khi ra tòa ông Kiên sẵn sàng đẩy bạn bè vào nguy hiểm.
Trong tất các đơn tôi gửi, trong các bản cung tôi khẳng định Công ty MTV Thép Hòa phát không hề thiệt hại, nếu có thiệt hại thì ACBI mới bị thiệt hại trong vụ chuyển nhượng.
Sau khi thỏa thuận hoán đổi, tôi hoàn toàn tin tưởng anh Long sau khi mua rồi trả tiền rồi anh Long tiếp tục quản lý phần vốn của tôi tương đương 600 tỷ đồng”.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc tài sản đang thế chấp dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác?
Nguyễn Đức Kiên khẳng định không có thế chấp, đến 21/5 là chưa thực hiện đảm bảo. Thực hiện đảm bảo khi có điều kiện xảy ra chứ không thể vô điều kiện.
“Tôi đề nghị chị Yến không được sử dụng 53 tỷ để tôi làm việc với Á Châu để thay thế đảm bảo, cho Hòa Phát không dính pháp lý. Tôi biết Hòa Phát có sai sót, nên tôi hành động quyết liệt để không xảy ra chuyện gì”.
ACBS và ACBI chưa thực hiện chuyển nhượng và người chuyển nhượng là Hòa Phát”, bị cáo Kiên nói.
Tại phiên xét xư, bị án Nguyễn Thị Hải Yến khai đã báo cáo với bị cáo Kiên về việc ngày 14 và 23/5, ACBS trả lời email là số tài sản đảm bảo này không đủ nên Eximbank không đồng ý giải chấp. Bị án Yến cũng đưa ra quan điểm tại thời điểm soạn biên bản họp HĐQT. Tại thời điểm đó, tôi nghĩ rằng, tài sản đang làm nghĩa vụ đảm bảo vẫn là tài sản sở hữu của công ty và có quyền bán. Nhưng là thủ tục hành chính thì phải làm để được bán.
Bí án Nguyễn Thị Hải Yến
Ông Trần Tuấn Dương - TGĐ Hòa Phát, cho rằng, không hề hay biết số cổ phần do bị cáo Nguyễn Đức Kiên đang là tài sản thế chấp. Chỉ đến khi cơ quan CSĐT thông báo mới hay. Ngay sau đó, Hòa Phát có công văn yêu cầu Công ty ACBS trả lời về tình trạng số cổ phần của Thép Hòa Phát. Sau đó, Công ty ACBS đã có công văn phúc đáp trả lời gay gắt. ACBS khẳng định, số cổ phần đang là tài sản thế chấp, nếu mua bán, chuyển nhượng là sai phạm.
Lời nói của ông Trần Tuấn Dương đã được ông Trần Đình Long xác nhận là đúng. "Tôi thấy sự việc rắc rối nên chỉ đạo tạm dừng đăng ký quyền sở hữu và có đơn gửi cơ quan CSĐT đề nghị làm rõ".
Trả lời câu hỏi của VKS về việc có biết tình trạng 20 triệu cổ phần này như thế nào?. “Bầu” Kiên khẳng định biết rất rõ: “Tôi đề nghị ACBS cho phép thay thế tài sản đảm bảo bằng 7,4 triệu cổ phiếu của Eximbank. Cho đến thời điểm tôi bị bắt chưa có văn bản trả lời của ACBS. Thư trả lời của chị Ngọc – một nhân viên thẩm định, không có giá trị gì cả”, bị cáo Kiên nói.
Đại diện VKS thẩm vấn bị án Yến về ngày 21/5, Trần Ngọc Thanh đại diện cho ACBI ký Hợp đồng bán 20 triệu cổ phiếu cho Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát, sau khi bị cáo Kiên đi nước ngoài đã báo cáo về tình hình Hòa Phát đã chuyển tiền, tài sản này chưa được giải tỏa.
Bị cáo Kiên cũng khẳng định Yến đã báo cáo cho Kiên 2 lần: “Lần thứ nhất, tôi nói với Yến là tiếp tục làm việc với ACB để giải chấp. Yến cũng thông báo với tôi là ACBS chưa có thông báo đồng ý thay thế tài sản thế chấp. Lần thứ 2 Yến báo cáo đã nhận tiền và sử dụng còn 53 tỷ đồng”, Kiên trình bày.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Kiên vẫn tiếp tục khẳng định không có phong tỏa số cổ phần của Hòa Phát. Công ty Thép Hòa Phát phong tỏa tại chính Cty này. Còn không có hợp đồng phong tỏa, cầm cố, thế chấp… giữa ACBI và ACB về số cổ phần này.