Bài học dành cho những người ham mê trò “đỏ đen”

Pháp đình - Ngày đăng : 13:15, 15/10/2014

Vụ án Phạm Quang Sở cùng đồng phạm bị VKSND TP. Hà Nội truy tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cưỡng đoạt tài sản” đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Bởi lẽ đây là hành vi điển hình của chiêu trò dụ dỗ người khác chơi cờ bạc để chiếm đoạt tài sản khá phổ biến hiện nay. Vụ án đã được TAND TP. Hà Nội ra quyết định trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố đối với chính các nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này.

Chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “cờ bạc bịp”

Theo cáo trạng, trong năm 2012, Phạm Quang Sở (SN 19820 tại Thanh Mỹ, Sơn Tây, Hà Nội) đến khu vực chợ Giời để mua bộ dụng cụ đánh bạc bịp dưới hình thức xóc đĩa gồm: Bát sứ có gắn camera giấu sau trôn bát, chiếc điện thoại được thiết kế thu tín hiệu hình ảnh từ camera gắn ở trôn bát và cục sạc điện. Sau khi có bộ dụng cụ này, Sở đã bàn bạc với 7 bị cáo khác tìm kiếm, rủ rê, lôi kéo những người ham mê cờ bạc và gia đình có điều kiện đến địa điểm mà chúng chuẩn bị từ trước để tổ chức đánh bạc bịp dưới hình thức xóc đĩa. Sau khi đánh bạc bịp, những người bị thua phải vay hoặc nợ tiền. Sau đó, Sở cùng đồng bọn dùng những giấy vay nợ này để đòi tiền, có trường hợp chúng dùng đến cả thủ đoạn uy hiếp, đe dọa để đòi tiền. Với thủ đoạn trên, chúng đã thực hiện ba vụ chơi cờ bạc bịp, chiếm đoạt của ba bị hại số tiền lần lượt là 80 triệu, 200 triệu và 100 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đánh bạc bịp thu được, Sở và đồng bọn đã chia nhau sử dụng và ăn tiêu hết.

Các bị cáo đều bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 BLHS. Hai trong số các bị cáo bị truy tố thêm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 135 BLHS do có hành vi đánh bị hại để uy hiếp tinh thần gia đình bị hại đó, buộc họ phải trả tiền.

Kết luận điều tra và cáo trạng quy kết các bị hại có hành vi tham gia đánh bạc ăn tiền dưới hình thức xóc đĩa, CQĐT đã ra quyết định xử phạt hành chính - phạt tiền mỗi người 1 triệu đồng.

Tại phiên tòa, sau khi nghe và trực tiếp xét hỏi các bị cáo và người bị hại, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Cụ thể: Điều tra, xem xét, kết luận đối với từng bị cáo trong vụ án là đồng phạm chơi cờ bạc bịp bao nhiêu lần, cưỡng đoạt bao nhiêu tiền; điều tra, kết luận rõ số tiền các bị cáo sử dụng vào các lần chơi cờ bạc bịp để có căn cứ buộc các bị cáo phải nộp sung công quỹ Nhà nước; hủy quyết định xử phạt hành chính đối với các bị hại, khởi tố điều tra tội phạm hình sự đối với ba người này về tội đánh bạc.

Cần một phán quyết thấu tình, đạt lý

Từng chứng kiến nhiều phiên tòa hình sự nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy Tòa án ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu khởi tố thêm tội danh. Vì vậy, ngay sau phiên tòa, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thẩm phán Nguyễn Quốc Thành, Phó Chánh tòa Tòa Hình sự TAND TP. Hà Nội, chủ tọa phiên tòa.

Ông Thành cho biết: Đây là vụ án có 3 phi vụ lừa đảo được thực hiện bởi nhiều bị cáo, có bị cáo tham gia cả 3 phi vụ, có bị cáo chỉ tham gia một hoặc hai phi vụ, đặc biệt, có bị cáo đã có hành vi uy hiếp để đòi tiền của bị hại, hành vi này đã chuyển hóa thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Trong vụ án này, mức độ tham gia của từng bị cáo cũng rất khác nhau nên việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng người là cực kỳ quan trọng nhưng chưa được làm rõ tại quá trình điều tra, truy tố.

Qua việc xét hỏi tại phiên tòa cho thấy, có bị cáo thực chất phạm tội lừa đảo theo khoản 3 Điều 139 BLHS, nhưng cáo trạng lại chỉ truy tố theo khoản 2 Điều 139. Bên cạnh đó, trong quá trình đánh bạc bịp, các bị cáo cũng nhiều lần bỏ tiền ra để làm cò mồi, tạo dựng lòng tin với bị hại song số vụ cụ thể cũng chưa được CQĐT, VKS làm rõ. Các vấn đề trên nếu không được làm rõ thì rất có thể sẽ dẫn đến việc áp dụng hình phạt không chính xác, khách quan, ngoài ra còn ảnh hưởng đến việc tuyên tịch thu sung công quỹ.

Bài học dành cho những người ham mê trò “đỏ đen”

 Các bị cáo tại phiên tòa

Thẩm phán Nguyễn Quốc Thành tâm sự: “Tại phiên tòa, khi nhìn thấy bị hại và gia đình họ đều là những người dân chất phác, tôi không khỏi băn khoăn, suy nghĩ: Họ là những nạn nhân của trò lừa đảo, họ đáng thương nhưng cũng đáng giận… Nếu yêu cầu khởi tố bổ sung hành vi đánh bạc của họ thì chắc chắn họ sẽ rơi vào cảnh tù tội chỉ vì phút nông nổi, hám lợi mà bị dụ dỗ vào con đường phạm pháp. Nhưng thiết nghĩ, nếu không xử lý mà bỏ qua cho họ, vô hình chung sẽ khiến cho những người dân khác nhìn vào và thấy người đánh bạc với số tiền rất lớn như vậy lại chỉ bị xử lý hành chính rất nhẹ, tâm lý bất chấp vi phạm để trục lợi từ đó mà nảy sinh trong xã hội.

Bên cạnh đó, nếu sai phạm của những người này không bị trừng trị thích đáng thì việc họ sẽ lại bị dụ dỗ trước những cám dỗ khác tương tự của cuộc sống và tái phạm với mức độ nghiêm trọng hơn là điều dễ hiểu. Khi đó, chính vợ con, gia đình họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn hơn nhiều. Chúng tôi là người được Đảng và Nhà nước giao phó trọng trách cầm cán cân công lý cần phải tôn trọng tuyệt đối nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” và bảo đảm pháp chế XHCN”.

Luật sư Nguyễn Xuân Vinh, Công ty Luật TNHH Sao Việt (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng nhận định: Đối với vụ án trên, việc không khởi tố hành vi đánh bạc với số tiền rất lớn của các bị hại là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng - cụ thể là bỏ lọt tội phạm. Việc Tòa án trả hồ sơ trong trường hợp này được pháp luật quy định là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét tới việc, những người bị hại trong vụ án này đều bị lừa, bị dụ dỗ chơi cờ bạc bịp chứ không phải họ chủ động đánh bạc...

Nhóm PV