“Thẩm phán tiêu biểu” Trần Thị Ngọc Dung: Làm tốt công tác hòa giải góp phần giải quyết án nhanh chóng, đạt hiệu quả cao
Pháp đình - Ngày đăng : 12:51, 13/09/2014
Thẩm phán Trần Thị Ngọc Dung đã có thành tích giải quyết án trung bình 14 vụ/tháng, việc giải quyết các loại án đạt chất lượng cao.
Hằng năm, TAND huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long thụ lý, giải quyết hơn 800 vụ án các loại, phần lớn là án phức tạp liên quan đến tranh chấp đất đai, nhà cửa nên để giải quyết nhanh, có chất lượng các loại án này đòi hỏi cán bộ, Thẩm phán phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và cả sự nỗ lực. Thẩm phán Trần Thị Ngọc Dung chia sẻ: Để giải quyết án đạt hiệu quả, chị luôn chú trọng công tác hòa giải, bản thân luôn xem trọng nguyên tắc: “Một vụ việc chỉ được giải quyết dứt điểm và có hiểu quả cao thông qua hòa giải”. Vụ án hòa giải thành sẽ tạo ra hậu quả pháp lý tốt vì các bên đã tự nguyện thỏa thuận hòa giải thì họ sẽ tôn trọng và thực hiện, từ đó góp phần tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Do vậy, kiên trì hòa giải là một biện pháp quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc dân sự và chỉ khi nào không còn khả năng hòa giải, chị mới phải đưa vụ án ra xét xử. Những loại án chị hòa giải thành nhiều nhất, đó là vụ án hoà giải về ly hôn. “Là phụ nữ đã có gia đình nên tôi hiểu rõ tình cảm của chị em phụ nữ, rất thương chồng nhưng do ghen tuông nên đến Toà án xin ly hôn, đôi khi trong giải quyết vụ việc, tôi đã đem những kinh nghiệm về cuộc sống gia đình của mình để động viên các chị em, kiên trì giải thích, sau đó họ hiểu và tự nguyện xin rút đơn, trở về đoàn tụ với gia đình”, chị Dung tâm sự.
Thẩm phán tiêu biểu Trần Thị Ngọc Dung
Theo Thẩm phán Trần Thị Ngọc Dung, để chuẩn bị cho việc xét xử tại phiên tòa thì cần thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ cho phù hợp với từng vụ việc cụ thể. Điều đó đòi hỏi người Thẩm phán phải có cái nhìn tổng thể về vụ án, phải xem trọng từng chứng cứ, lắng nghe ý kiến và dành thời gian cho đương sự, nói rõ quan điểm của họ, xem xét từng lời khai của đương sự để đánh giá đúng chứng cứ. Việc nghiên cứu hồ sơ là một hoạt động rất quan trọng, giúp Thẩm phán nắm được diễn biến nội dung, các tình tiết, chứng cứ để dự kiến được đường lối giải quyết vụ án và chuẩn bị cho việc xét xử tại phiên tòa. Trong quá trình điều khiển phiên tòa, bản thân Thẩm phán phải luôn chú trọng phần khai mạc phiên tòa, vì nó có tác động rất lớn đến tâm lý của đương sự và những người tham dự phiên tòa. Muốn tạo cho đương sự và những người tham dự phiên tòa có niềm tin vào việc xét xử, vào công lý thì ngay từ giây phút đầu tiên, cần tiến hành một cách cẩn trọng. Bên cạnh đó, ngay từ khi bước vào phòng xét xử, tư thế của Thẩm phán và cả Hội đồng xét xử phải đàng hoàng, chững chạc, từ trang phục đến cách ăn nói, cử chỉ đi đứng. Trong điều khiển phiên tòa, Thẩm phán luôn dành nhiều thời gian cho các bên đương sự trình bày ý kiến, luôn chịu khó lắng nghe ý kiến của họ, đặt vấn đề cho các bên suy nghĩ, tìm ra những điểm chung. Đến phần tranh luận, không nên hạn chế thời gian tranh luận mà luôn tạo điều kiện cho các đương sự được trình bày ý kiến của họ.
Nhờ làm tốt công tác hòa giải, thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ và kỹ năng điều khiển phiên tòa nên trong 3 năm (từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2013), Thẩm phán Trần Thị Ngọc Dung đã giải quyết liên tục 502 vụ án các loại, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Có những tháng, Thẩm phán Trần Thị Ngọc Dung phải giải quyết trên 30 vụ, nhưng phần lớn án được hòa giải thành, chỉ đưa ra xét xử trung bình 10 vụ/tháng. Các bản án có kháng cáo hầu hết được cấp phúc thẩm y án, không có vụ nào bị cải sửa nặng và bị hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán.
Để đạt được thành tích không có án quá hạn luật định và bị hủy vì lý do chủ quan, theo Thẩm phán Trần Thị Ngọc Dung, bản thân Thẩm phán phải luôn theo dõi từng vụ án, vụ án nào khó khăn, phức tạp thì chịu khó nghiên cứu các văn bản pháp luật hướng dẫn để tìm phương án giải quyết. Ngoài ra, bản thân Thẩm phán luôn tìm hiểu và đọc các bản án phúc thẩm của Tòa án cấp trên, các Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để tìm hiểu nguyên nhân hủy án do thiếu người tham gia tố tụng; do thu thập chứng cứ không đầy đủ, hay do đánh giá chứng cứ không khách quan, từ đó rút được kinh nghiệm cho bản thân, tránh được việc giải quyết án bị hủy án do lỗi chủ quan.
Chia sẻ về “bí quyết” giải quyết được 30 vụ/tháng mà chất lượng án vẫn đảm bảo, Thẩm phán Trần Thị Ngọc Dung cho biết: Bản thân chị luôn cố gắng, nỗ lực, say mê với công việc, xem vụ việc của người dân là công việc của chính bản thân mình, luôn chịu khó giải thích cho người dân biết và hiểu đúng về pháp luật. Khi tiếp nhận hồ sơ vụ án từ lãnh đạo phân công, chị lên kế hoạch mời đương sự đến làm việc, bằng những kiến thức pháp luật để giải thích cho người dân hiểu và biết pháp luật, từ đó người dân có cái nhìn tin tưởng vào pháp luật, tự họ thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự, góp phần tuyên truyền pháp luật sâu, rộng trong nhân dân. Thời gian làm việc không hạn chế, kể cả làm việc ngày thứ Bảy và Chủ nhật, trong hai ngày này, chị chủ yếu là nghiên cứu hồ sơ và lập kế hoạch xét hỏi tại phiên toà.
Thẩm phán Trần Thị Ngọc Dung chia sẻ, để trở thành Thẩm phán tiêu biểu, chị luôn luôn học hỏi kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, chị thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước, của TANDTC về chuyên môn nghiệp vụ, có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nhiệm vụ của người Thẩm phán. Chị áp dụng tiêu chí của hệ thống TAND để đặt ra cho bản thân là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân.