Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự

Pháp đình - Ngày đăng : 11:26, 01/09/2014

Việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được xác định là khâu đột phá của hoạt động xét xử.

“Đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa” theo các Nghị quyết về cải cách tư pháp đến năm 2020 và thể chế hóa quy định tại khoản 5 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 về “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” đã được Ban soạn thảo, Tổ biên tập thể hiện trong Sơ thảo BLTTDS (sửa đổi) nhằm đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng...

Việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được xác định là khâu đột phá của hoạt động xét xử.

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước tại các Nghị quyết về cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có việc“đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa” và thể chế hóa quy định tại khoản 5 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 về “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, Ban soạn thảo, Tổ biên tập BLTTDS (sửa đổi) thấy rằng: Việc xác định nội hàm của nguyên tắc tranh tụng với nội hàm nguyên tắc tranh luận quy định tại Điều 23a BLTTDS và thể hiện nội dung nguyên tắc này trong thủ tục TTDS ở mức độ nào hiện đang có các quan điểm khác nhau.

Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự

Một phiên tòa dân sự (Ảnh minh họa)

Quan điểm thứ nhất cho rằng, nguyên tắc tranh tụng nhằm quán triệt các Thẩm phán khi tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện để đương sự thực hiện quyền tranh tụng. Về cơ bản, nguyên tắc này vẫn giữ nguyên như trước đây, chỉ sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể, thể hiện tập trung về thủ tục tố tụng tại phiên tòa, như tách riêng phần trình bày chứng cứ của các đương sự mà không quy định trong thủ tục hỏi như BLTTDS hiện hành; quy định việc công bố lời khai của đương sự khi tranh luận tại phiên tòa mà vắng mặt bị đơn, người có quyền nghĩa vụ liên quan…

Quan điểm thứ hai cho rằng, đây là nguyên tắc quan trọng cần được thể hiện xuyên suốt trong quá trình tố tụng, từ giai đoạn thụ lý đến giai đoạn thu thập chứng cứ và xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm. Theo hướng này, phạm vi sửa đổi, bổ sung là toàn diện, cụ thể là quy định chặt chẽ về quyền, nghĩa vụ, thủ tục cung cấp chứng cứ, chứng minh của đương sự; trách nhiệm thu thập chứng cứ là nội dung trọng tâm. Thời hạn giao nộp chứng cứ của đương sự do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng phải trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử ở cấp sơ thẩm, trừ trường hợp có trở ngại khách quan mà không thể giao nộp chứng cứ đúng thời hạn. Chứng cứ do đương sự giao nộp phải được đương sự chụp, sao và gửi cho đương sự khác, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Khi nhận được chứng cứ từ đương sự, Tòa án chuyển bản sao, bản chụp các chứng cứ cho phía bên kia, kèm theo yêu cầu đương sự đưa ra ý kiến về việc chấp nhận hay không chấp nhận chứng cứ đó và gửi bản sao tài liệu này đến Viện kiểm sát cùng cấp đối với những trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa hoặc có yêu cầu. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, đương sự phải có văn bản trả lời. Trường hợp đương sự không có ý kiến thì được xem như đã chấp nhận chứng cứ do phía bên kia cung cấp. Trong trường hợp cần phải thẩm tra lại chứng cứ mà đương sự cung cấp thì Tòa án có thể hoãn phiên toà nhưng tổng số lần hoãn về vấn đề này đối với một vụ án không được quá hai lần.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng Dự án BLTTDS (sửa đổi) cũng có ý kiến đề nghị, nên bỏ trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án, Tòa án chỉ thẩm tra chứng cứ đương sự giao nộp. Theo hướng này, nghiên cứu bỏ trách nhiệm thành lập hội đồng định giá trong TTDS. Đối với tài sản cần định giá, nguyên đơn có trách nhiệm tự yêu cầu tổ chức thẩm định giá tài sản tranh chấp. Trường hợp việc định giá tài sản là cần thiết cho việc giải quyết vụ án mà đương sự không tự định giá thì Tòa án yêu cầu tổ chức thẩm định giá tiến hành định giá tài sản và người thua kiện phải chịu chi phí này.

Vấn đề quy định bổ sung phiên họp xem xét chứng cứ để đảm bảo việc thụ lý vụ việc được công khai, minh bạch, đúng pháp luật thì các bên được trình bày, được biết chứng cứ của nhau cũng như đảm bảo tính có căn cứ, sự tồn tại của quyền, lợi ích cần được bảo vệ. Phiên họp để công khai công bố các chứng cứ và xem xét các chứng cứ các bên đưa ra, cung cấp cho Tòa án thì tại phiên họp đương sự phải có nghĩa vụ cam đoan đã cung cấp đầy đủ chứng cứ mà mình có đến thời điểm mở phiên họp để bảo vệ yêu cầu của mình. Đương sự có quyền cung cấp bổ sung chứng cứ trong quá trình xét xử sơ thẩm. Mỗi bên đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập) chỉ được quyền yêu cầu hoãn phiên tòa một lần để nghiên cứu chứng cứ mới mà bên kia đưa ra.

Về việc nâng cao trách nhiệm của người người tham gia tố tụng, đối với đương sự thì cần phân định rõ các quyền, nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo hướng tách thành các điều luật riêng biệt và cụ thể. Quyền là nội dung mà đương sự được lựa chọn có thể làm hoặc không làm; nghĩa vụ là nội dung đương sự phải làm, trường hợp không thực hiện đương sự phải chịu hậu quả về việc không thực hiện của đương sự. Sơ thảo BLTTDS (sửa đổi) cũng tăng cường trách nhiệm của nguyên đơn trong việc chứng minh sự tồn tại của lợi ích cần được bảo vệ phải lớn hơn chi phí để thực hiện việc bảo vệ, cũng như tính khả thi của thực thi nghĩa vụ của bị đơn. Quy định rõ việc ủy quyền tham gia tố tụng của đương sự mang tính đặc thù mà không theo quy định chung về ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự. Đối với người làm chứng thì trong phần thủ tục khi khai mạc phiên tòa, Tòa án yêu cầu người làm chứng (nếu có) cam kết những gì khai trước Tòa là sự thật và chịu trách nhiệm về lời khai của mình…

Hiện tại, việc đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong TTDS đang được Ban soạn thảo và Tổ biên tập Sơ thảo BLTTDS (sửa đổi) thể hiện theo quan điểm thứ hai (tại các điều 84, 92, 94, 213, 231, 233...) nhằm đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình . 

Bài cuối: Thẩm quyền của Tòa án và Viện kiểm sát trong giải quyết các vụ việc dân sự

Quang Huy