Các quan điểm chỉ đạo và định hướng sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự
Pháp đình - Ngày đăng : 09:29, 25/08/2014
Hiện nay, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đang tích cực triển khai xây dựng Dự án BLTTDS (sửa đổi) và tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan, các chuyên gia pháp luật, nhà khoa học, cán bộ, công chức TAND các cấp.
Sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc cơ bản của BLTTDS
Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 26/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020 xác định: “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp". Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” cũng nêu rõ: “Tiếp tục hoàn thiện thủ tục TTDS, nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; người dân chỉ nộp đơn đến Tòa án, Tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn. Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”… Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014, tiếp tục khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 3); “Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm” (Điều 103).
Một phiên tòa dân sự (Ảnh minh họa)
Mặt khác, theo Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội khóa XIII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII thì TANDTC được giao chủ trì soạn thảo Dự án Bộ luật Tố tụng lao động và Dự án Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong TTDS. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội thì TANDTC lại được giao chủ trì soạn thảo Dự án BLTTDS (sửa đổi). Vì vậy, TANDTC nhận thấy rằng, trong điều kiện sửa đổi toàn diện BLTTDS thì nên thu hút việc xây dựng Dự án Bộ luật Tố tụng lao động và Pháp lệnh thủ tục rút gọn trong TTDS vào Dự án BLTTDS (sửa đổi). Theo đó, cần xây dựng thủ tục rút gọn trong TTDS thành một phần riêng của BLTTDS (sửa đổi), đồng thời quy định cụ thể hơn những đặc thù của thủ tục tố tụng đối với những vụ việc lao động.
Từ những vấn đề trên, Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án BLTTDS (sửa đổi) tập trung vào sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc cơ bản của BLTTDS như: bảo đảm quyền tranh tụng trong TTDS, tham khảo bản án, quyết định giám đốc thẩm được lựa chọn của TANDTC, xét xử các vụ án theo thủ tục rút gọn; cụ thể hóa nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng trong xét xử, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của đương sự khi tham gia tố tụng dân sự, trách nhiệm cung cấp chứng cứ, quyền, nghĩa vụ của đương sự, thủ tục tại phiên tòa. Sửa đổi, bổ sung một số chế định cụ thể như: Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, quyền và nghĩa vụ của đương sự trong TTDS, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng, sự tham gia của VKSND, thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. BLTTDS (sửa đổi) hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm theo hướng chặt chẽ hơn; thời hạn giám đốc thẩm theo hướng rút ngắn và có tính đến thời hiệu yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án; mở rộng thẩm quyền của Tòa án đối với việc giải quyết các vụ việc dân sự…
BLTTDS (sửa đổi) đảm bảo tính ổn định, đồng bộ
Nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án BLTTDS (sửa đổi) đã xây dựng Sơ thảo BLTTDS (sửa đổi) gồm 36 chương được chia thành 9 phần với 418 điều. Phạm vi sửa đổi BLTTDS có tính hệ thống xuyên suốt quá trình tố tụng, đặc biệt tập trung vào những quy định nhằm phù hợp với việc cải cách cơ cấu, tổ chức hệ thống TAND, VKSND, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật TTDS; đồng thời, nghiên cứu bổ sung những thủ tục tố tụng đặc thù, phù hợp với những loại tranh chấp đặc thù. Việc xây dựng Dự án BLTTDS (sửa đổi) được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành, đánh giá các quy định của BLTTDS năm 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011, kinh nghiệm giải quyết các vụ việc dân sự từ thực tiễn xét xử của Tòa án, nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập. Bên cạnh đó, Sơ thảo BLTTDS (sửa đổi) cũng kế thừa những quy định còn phù hợp đã được thực tế kiểm nghiệm là hợp lý, hiệu quả; đồng thời, hệ thống hóa, pháp điển hóa một bước các quan hệ pháp luật có liên quan.
BLTTDS (sửa đổi) bảo đảm cụ thể hoá và không có sự xung đột giữa các quy định của BLTTDS (sửa đổi) với các quy định của các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội của đất nước, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đảm bảo phát triển theo xu thế chung của TTDS trên thế giới. Ngoài ra, việc xây dựng Dự án BLTTDS (sửa đổi) bảo đảm thủ tục TTDS chặt chẽ, nhanh chóng, đúng pháp luật; đảm bảo sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp. BLTTDS (sửa đổi) đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động TTDS; bảo đảm tính khả thi của các bản án, quyết định của Tòa án, các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành; việc giải quyết các vụ việc dân sự dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.
Bài 2: Thủ tục rút gọn trong Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)