Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang Phạm Hồng Phong: Quyết tâm giữ vững danh hiệu “Chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”
Pháp đình - Ngày đăng : 08:40, 02/08/2014
Ông là Phạm Hồng Phong, Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang - người đã để lại ấn tượng khá sâu sắc trên nghị trường Quốc hội cũng như trong vị trí công tác của mình…
Cũng giống như hầu hết các cán bộ Tòa án, ông là người khá khiêm tốn khi nói về mình, ông cho rằng mới đảm nhiệm chức vụ Chánh án không lâu, chưa làm được gì nhiều ở cương vị mới...
Năm 2004, TAND tỉnh Hậu Giang ra đời do tách tỉnh nên gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Các cán bộ cũ được điều động sang bên Cần Thơ khá nhiều nên nhân sự thiếu trầm trọng. Lúc đó, ông với cương vị vừa là Phó Chánh án tỉnh, vừa làm công tác tổ chức cán bộ nên với kinh nghiệm của mình, ông rất chú trọng tuyển dụng cán bộ đạt trình độ cao; đặc biệt là đội ngũ thư ký Tòa án đều đạt trình độ đại học và trên đại học. Cùng với đó, ông quan tâm đến việc cử cán bộ đi học tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán. Đến nay, số cán bộ tuyển dụng của Tòa án hai cấp tỉnh Hậu Giang đã đủ biên chế mà TANDTC giao cho, chỉ còn thiếu số lượng Thẩm phán trung cấp, sẽ bổ sung trong thời gian tới.
Chánh án Phạm Hồng Phong
Hậu Giang là tỉnh nhiều dân tộc như Khơ Me, Chăm, Êđê, Mường và cả người Hoa sinh sống; giao thông đi lại bằng cả đường thủy và đường bộ nên công việc của cán bộ Tòa án vô cùng khó khăn, vất vả. Gần 20 năm làm Phó Chánh án Tòa án cấp huyện, rồi cấp tỉnh cũng là chừng ấy thời gian với rất nhiều khó khăn trong nghề mà ông đã trải qua. Cuộc sống của đồng bào dân tộc có những truyền thống riêng với tư duy còn lạc hậu, nhận thức pháp luật hạn chế và bất đồng ngôn ngữ… Vậy nên, với mỗi phiên tòa, ông luôn định hướng cho Thẩm phán phải thật cẩn thận, chu đáo, nói chậm rãi, giải thích cặn kẽ từng quy định, từng điều luật… để người dân hiểu và chấp hành.
Chánh án Phạm Hồng Phong cho biết: Công tác thi đua thực sự là đòn bẩy thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn đơn vị. Qua công tác thi đua, đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, những nhân tố này tác động mạnh mẽ đến toàn thể cán bộ, công chức trong việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Công tác thi đua là một yếu tố quan trọng trong các giải pháp để chỉ đạo thực hiện tốt việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, cá nhân. Công tác thi đua đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức trong đơn vị nâng cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Ngay từ đầu năm, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án tỉnh đã có định hướng về công tác thi đua thông qua việc xây dựng phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2014; đồng thời, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Luật Thi đua - khen thưởng, các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua - khen thưởng của Chính phủ và của TANDTC.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông cũng trăn trở nhiều, làm sao để vừa làm tốt vai trò của của một đại biểu Quốc hội, vừa làm tốt công tác chuyên môn, nhất là công tác giải quyết án dân sự hiện nay, dù đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Cũng bởi nhiều lý do, do đặc thù địa lý, nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống nên người dân hạn chế trong nhận thức pháp luật; những quy định về pháp luật dân sự vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn trong việc giải quyết án, nên đến nay, tỷ lệ chung giải quyết loại án này mới đạt trên 60%. Có lẽ, đó không phải là vấn đề riêng của hệ thống Tòa án ở Hậu Giang, mà là vấn đề khó khăn chung của nhiều địa phương trên cả nước.
Năm 2013, Chi bộ TAND tỉnh Hậu Giang đạt danh hiệu “Chi bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”, với cương vị là Bí thư Chi bộ, ông nói rằng sẽ cùng tập thể đơn vị quyết tâm duy trì danh hiệu này trong năm nay và những năm tiếp theo.