Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự (kỳ 2)

Pháp đình - Ngày đăng : 08:34, 10/07/2014

Các tình tiết của vụ án có mối liên hệ với nhau, chúng phát sinh, phát triển, diễn biến theo một trình tự nhất định. Do đó, việc nghiên cứu hồ sơ theo trình tự lôgic sẽ giúp cho việc xem xét, ghi nhớ, phân tích, đánh giá các tài liệu, chứng cứ thuận lợi.

Bài 2: Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án

Khi hồ sơ có nhiều bút lục, các đương sự, nhân chứng có nhiều lời khai, các lời khai bổ sung cho nhau hoặc có lời khai trái ngược, mâu thuẫn nhau; số lượng tài sản tranh chấp, yêu cầu Tòa án giải quyết nhiều v.v. thì việc nghiên cứu theo trình tự lôgic sẽ rất có ích cho việc ghi nhớ, sử dụng chúng trong quá trình phân tích, đánh giá và xét xử.

Việc nghiên cứu nên bắt đầu từ đơn khởi kiện, lời khai của nguyên đơn, bị đơn, nhân chứng… các biên bản đối chất và nghiên cứu theo thứ tự thời gian. Nghiên cứu hết lời khai của nguyên đơn này, mới chuyển sang nghiên cứu lời khai của nguyên đơn khác, khi nghiên cứu hết lời khai của nguyên đơn mới chuyển sang nghiên cứu lời khai của bị đơn, nhân chứng. Khi nghiên cứu cần có bản ghi tóm tắt nội dung từng bút lục. Những hồ sơ dày cả trăm trang đến nghìn trang tài liệu, việc ghi tóm tắt sẽ rất có ích trong việc tổng hợp, đánh giá, đối chiếu khi phát hiện có sự mâu thuẫn và thuận lợi khi cần sử dụng tài liệu tại phiên tòa.

Việc nghiên cứu phải toàn diện, khách quan

Việc nghiên cứu hồ sơ một cách khách quan, toàn diện là tiền đề, là điều kiện để Thẩm phán giải quyết đúng đắn vụ án dân sự. Có nghiên cứu khách quan, toàn diện hồ sơ mới có thể nắm bắt được các sự kiện, các tình tiết diễn biến của vụ án đã được phản ánh trong hồ sơ. Về nguyên tắc Thẩm phán phải nghiên cứu, xem xét tất cả các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, không được bỏ qua bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào.

Về phương pháp xem xét, nghiên cứu phải bắt đầu từ việc nghiên cứu riêng biệt từng tài liệu, chứng cứ cụ thể, nhưng đồng thời phải xem xét chúng, đặt chúng trong mối liên hệ với từng tài liệu, chứng cứ khác. Trước, trong khi nghiên cứu cấm kỵ việc có định kiến trước về bất kỳ tài liệu, nguồn chứng cứ nào và cũng không được mặc định trước về hướng xử lý của vụ án. Khi đã có định kiến sẽ làm cho Thẩm phán không xem xét, nghiên cứu kỹ và toàn diện các tài liệu, chứng cứ; do đó sẽ không nhận thức đúng bản chất của tình tiết, sự kiện được thể hiện trong hồ sơ, dẫn đến các quyết định không phù hợp với chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự (kỳ 2)

Xét xử một vụ án dân sự (Ảnh minh họa)

Kỹ năng chung khi nghiên cứu hồ sơ vụ án

 Nghiên cứu đơn khởi kiện: Đối với bất kỳ hồ sơ vụ án dân sự nào (vụ án dân sự, hôn nhân gia đình…) tài liệu mà Thẩm phán phải nghiên cứu đầu tiên là đơn khởi kiện của nguyên đơn, đơn khởi kiện của cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của người khác.

Dù trước khi thụ lý, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hoặc người có thẩm quyền khác (có thể là Thẩm phán, có thể là Chánh án) đã xem xét, xử lý đơn theo yêu cầu của Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung sau khi đơn đã đáp ứng đúng quy định của Điều 164 và nguyên đơn đã xuất trình biên lai nộp tạm ứng án phí (đối với trường hợp phải nộp tạm ứng án phí, không được miễn) thì Tòa án mới thụ lý. Dù vậy, qua công tác giám đốc thẩm cho thấy không phải đơn khởi kiện của tất cả các vụ án dân sự đều đã được xử lý tốt. Có vụ đơn khởi kiện không thể hiện đầy đủ, rõ ràng yêu cầu của đương sự, hoặc đơn khởi kiện không thuộc thẩm quyền v.v. vẫn được thụ lý. Do đó, khi nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán phải đọc kỹ đơn khởi kiện để biết được yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trong trường hợp Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ thấy yêu cầu của nguyên đơn chưa được thể hiện rõ trong đơn khởi kiện thì phải ghi chép lại để kiểm tra quá trình tố tụng tiếp theo (bản tự khai, biên bản ghi lời khai của nguyên đơn) đã được khắc phục chưa? Nếu chưa được khắc phục thì Thẩm phán cần yêu cầu đương sự trình bày lại cho rõ ràng, đầy đủ yêu cầu của người khởi kiện; kiểm tra vụ án có thuộc thẩm quyền của Tòa án hay thuộc thẩm quyền cơ quan khác, của Tòa án khác không? Nếu vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án vẫn phải kiểm tra đã có đủ điều kiện để khởi kiện chưa? Thời hiệu khởi kiện còn hay hết? Vụ án có thuộc trường hợp đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không? (trừ trường hợp được quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật). Người khởi kiện có quyền khởi kiện không? Có đủ năng lực hành vi dân sự không? v.v..

Nếu qua nghiên cứu đơn khởi kiện, kiểm tra các tài liệu thấy có đủ cơ sở xác định vụ án không thuộc thẩm quyền Tòa án, đã hết thời hiệu khởi kiện, người khởi kiện không có quyền khởi kiện, chưa đủ điều kiện khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự… thì Thẩm phán phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự, không cần nghiên cứu tiếp hồ sơ.

Khi đã xác định vụ án thuộc thẩm quyền Tòa án, việc khởi kiện là hợp pháp thì sau khi ghi tóm tắt nội dung khởi kiện vào bản cứu, Thẩm phán tiếp tục nghiên cứu các tài liệu khác.

Nghiên cứu lời khai của đương sự:  Nghiên cứu lời khai của nguyên đơn: Tại khoản 1 Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi có quy định: “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự, nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.”

Theo quy định tại Điều 176, 177 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi thì bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Từ các quy định nói trên có thể kết luận đến trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử nguyên đơn cũng có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện. Do đó, việc nghiên cứu xác định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không chỉ căn cứ vào đơn khởi kiện, mà phải căn cứ vào yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Bộ luật tố tụng dân sự không có quy định về thủ tục, yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán không đề cập vấn đề này. Tòa án Việt Nam là Tòa án nhân dân, theo nguyên tắc Tòa án không gây khó cho người dân thì phải hoạt động theo hướng pháp luật không quy định thì các Tòa án khi thụ lý, giải quyết vụ án không được tự đưa ra thêm các yêu cầu về thủ tục đối với người dân. Vì vậy, nguyên đơn có quyền làm đơn khởi kiện để bổ sung, sửa đổi yêu cầu khởi kiện, hoặc trình bày trực tiếp với Tòa án và Thẩm phán phải lập biên bản ghi lại yêu cầu này. Biên bản ghi lời khai này phải được công nhận đó là yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung khởi kiện hợp lệ của nguyên đơn, Tòa án phải xem xét, giải quyết. Do đó, trong quá trình nghiên cứu lời khai, tài liệu mà nguyên đơn đã giao nộp cho Tòa án, Thẩm phán phải chú ý xem nguyên đơn có sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện không và nguyên đơn đã xuất trình các tài liệu, chứng cứ chứng minh chưa? Nếu nguyên đơn chưa xuất trình, hoặc xuất trình chưa đầy đủ thì Thẩm phán phải hướng dẫn và yêu cầu nguyên đơn giao nộp chứng cứ bổ sung.

Việc nghiên cứu lời khai của nguyên đơn nên tiến hành theo thứ tự thời gian, những bản tự khai, biên bản lấy lời khai trước cần nghiên cứu trước, và cần chú ý ghi chép tóm tắt các nội dung của từng bản tự khai, biên bản lấy lời khai, các yêu cầu của từng nguyên đơn (đối với vụ án có nhiều nguyên đơn) được thể hiện trong các bản tự khai, biên bản lấy lời khai, đặc biệt chú ý ghi tóm tắt các nội dung mới trong mỗi tài liệu. Nếu qua nghiên cứu hồ sơ thấy nguyên đơn có lời khai mâu thuẫn nhau phải tìm hiểu nguyên nhân, yêu cầu nguyên đơn lý giải việc khai mâu thuẫn đó. Nếu vụ án có nhiều nguyên đơn thì nên nghiên cứu hết lời khai nguyên đơn này mới chuyển nghiên cứu lời khai của nguyên đơn khác.

Trong mỗi trường hợp, sau khi nghiên cứu lời khai của nguyên đơn phải rút ra được một trong các kết luận sau:

- Lời khai của các nguyên đơn đã đủ, rõ chưa? Có điểm gì nguyên đơn khai chưa rõ, còn mâu thuẫn…?

- Có cần yêu cầu nguyên đơn hay một trong số các nguyên đơn phải trình bày thêm, lấy lời khai thêm vấn đề gì? Có cần đối chất giữa các nguyên đơn với nhau hoặc với các đương sự khác không? Vấn đề cần đối chất?

- Có cần yêu cầu nguyên đơn thực hiện việc cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ hay không? Và cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gì?

- Nếu nguyên đơn trình bày cơ bản đã rõ và đủ, thì tại phiên tòa cần tập trung vào vấn đề gì và cần ghi rõ yêu cầu đó vào trong bản cứu.

Sau khi nghiên cứu hết lời khai nguyên đơn, Thẩm phán tiến hành nghiên cứu lời khai của các đương sự khác.

(Còn nữa)

Thu Hương