Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 10)
Pháp đình - Ngày đăng : 09:14, 17/06/2014
KỲ 10: TỘI DANH NÀO LÀ PHÙ HỢP VỚI HÀNH VI CỦA ĐỐI TƯỢNG TRONG “KỲ ÁN ĐÁM CƯỚI”
Án mạng trong đám cưới
Còn nhớ vào ngày 09/01/2006, tại nhà ông V. ở huyện Krông Búk có tổ chức đám cưới cho con trai. Hôm đó, có rất nhiều thanh niên trong xóm đến dự đám cưới ở nhà ông V.. Một trong số đó có Đặng Đình Th., Hoàng Văn D. và Lâm Quốc Kh.. Trước khi đến dự lễ cưới thì Hoàng Văn D. đã có uống rượu ngà ngà say ở nhà. Khi sang nhà ông V. D. có gặp một số “chiến hữu” nên tiếp tục uống rượu say. Khoảng chừng 30 phút sau cuộc nhậu kết thúc, D. ra về.
Khi vừa ra đến ngõ nhà ông V., D. gặp anh Th. và chủ động buông lời chọc ghẹo anh này. Thấy D. khật khà khật khưỡng, đoán biết D. đã uống rượu say nên anh Th. “gác bỏ ngoài tai” những lời chọc ghẹo của D.. Thấy anh Th. Không nói gì, D. nghĩ là anh Th. khinh mình nên xông vào dùng tay chân đấm, đá túi bụi vào người anh Th.. Được mọi người can ngăn, D. bỏ đi. Sau đó, D. cùng với Lâm Quốc Kh. và một số người bạn khác ra một quán gần đấy ngồi uống nước. D. đã kể lại nỗi uất ức của mình với các “chiến hữu” và rủ Kh. cùng mình tiếp tục xuống nhà ông V. để tìm anh Th. đánh cho hả giận. Nghe lời “tâm sự” của D., Kh. đồng ý, y rút từ trong người ra một con dao đã giấu sẵn nói với D.: “Lên đập cho nó chết đi, đừng cho nó ăn vạ, tù tội tao chịu cho”.
Cơn bực tức trong lòng chưa nguôi lại được sự cổ súy của Kh. nên D. lập tức đồng ý. Ngay sau đó, cả D. và Kh. đã chạy thẳng đến nhà ông V. tìm anh Th. Đến nơi, thấy anh Th. đang ngồi trong nhà, không nói một lời, D. liền lao vào dùng tay đấm rồi túm cổ áo và tóc anh Th.. Cùng thời điểm đó, Kh. nhanh như chớp lao vào áp sát, dùng con dao mang theo đâm một nhát thẳng vào ngực trái của anh Th.. Rút dao ra khỏi lồng ngực anh Th., thấy mũi dao bị cong, Kh. đã bẻ thẳng lại rồi tiếp tục đâm nhát thứ hai trúng vào bả vai trái của nạn nhân. Kh. tiếp tục rút dao ra định đâm tiếp lần nữa thì cán dao bị gãy, lưỡi dao còn mắc lại trên người anh Th.. Thấy vậy, D. bỏ anh Th. ra, anh Th. vùng chạy được mấy bước thì ngã gục xuống, trên người máu chảy ra lênh láng, được mọi người đưa đi cấp cứu và cấp báo sự việc lên cơ quan chức năng.
Ngay sau đó, cơ quan CSĐT đã tiến hành bắt giữ D. và Kh., đồng thời tiến hành khám nghiệm hiện trường, giám định thương tật cho anh Th. (do chưa chết). Kết quả giám định theo bản giám định pháp y số 276 ngày 18/01/2006 của cơ quan giám định pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận: “Anh Th. bị vết thương do dao nhọn đâm vào ngực trái, lưng trái, đứt sụn sườn số 6 và cơ ngực trái, tràn dịch màng phổi trái. Tỷ lệ thương tật 20%”. Cũng ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố bị can, khởi tố vụ án.
Hiện trường xảy ra vụ án
Nhiều ý kiến trái chiều về tội danh của hung thủ
Tuy nhiên, điều đặt ra trong vụ án tưởng chừng khá đơn giản này là: Bị can sẽ bị truy tố với tội danh gì? Một quan điểm cho rằng D. và Kh. chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích”; Quan điểm khác lại cho rằng D. và Kh. đã phạm tội “Giết người” (cả hai quan điểm đều thống nhất cho rằng D. chỉ đóng vai trò là đồng phạm, thủ phạm chính là Kh.).
Theo quan điểm D. và Kh. phạm tội “Cố ý gây thương tích” thì, vì các bị can đã không có ý định tước đi sinh mạng của người bị hại, mà cụ thể là khi đâm anh Th. mặc dù không có trở ngại khách quan nào (không có ai can ngăn), nhưng các bị cáo vẫn không thực hiện hết những hành vi cần thiết để hậu quả có thể xảy ra (không tước đi sinh mạng của anh Th.). Vì vậy, hậu quả đến đâu xử lý đến đó chứ không thể “ép” các hung thủ vào một tội danh “lớn hơn” hậu quả mà họ gây ra. (?!)
Còn quan điểm cho rằng bị cáo D. và Kh. phạm tội “Giết người”, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt được mục đích thì, trong vụ án này, các can phạm đã không thực hiện được hành vi đến cùng để tước đi sinh mạng của người khác là do hoàn cảnh khách quan chứ không phải là do ý định chủ quan của các đối tượng. Cụ thể, đối tượng Kh. đã cố tình đâm nạn nhân 2 nhát vào 2 vị trí khác nhau. Sau nhát dao đầu tiên, mũi dao bị cong vênh, hung thủ đã nắn lại cho thẳng rồi tiếp tục đâm anh Th.. Điều đó chứng tỏ các bị can đã có chủ ý tước đi sinh mạng của người khác.
Sau khi đâm nhát thứ 2 thì các bị can không thể tiếp tục thực hiện hành vi tước đoạt mạng sống của người khác được nữa là do cán dao bị gãy chứ không phải là chủ ý dừng lại của các đối tượng. Vì vậy, không thể nói là các đối tượng không có chủ ý tước đoạt mạng sống của người khác. Và cũng không thể căn cứ vào tỷ lệ thương tật của Th. mà cho rằng Kh. và D. phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
“Hung thủ phạm tội giết người chưa đạt”
Các phân tích cho rằng, trong vụ án này hậu quả chết người chưa xảy ra. Do đó việc đánh giá hành vi của các can phạm tội “Cố ý gây thương tích” cho người khác hay tội “Giết người” (chưa đạt) cần phải căn cứ vào tình tiết khác của vụ án. Cụ thể ở vụ án này, cần phải căn cứ vào tính chất của hành vi khách quan, gồm tính chất của phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội; căn cứ vào lỗi của các bị can cũng như vị trí bị đâm trên cơ thể nạn nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc định tội danh.
Các chuyên gia cũng phân tích rằng, xét về công cụ phạm tội thì can phạm Kh. đã dùng là con dao– một loại công cụ nguy hiểm (theo tiểu mục 2.2 phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP) để đâm anh Th.. Về vị trí đâm: Bị cáo Kh. dùng dao đâm nhiều lần vào vị trí rất nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cao – đó là đâm vào ngực trái nạn nhân. Không chỉ đâm một lần, mà sau khi đâm lần thứ nhất, Kh. còn rút dao ra và thấy mũi dao bị cong, Kh. còn bình tĩnh bẻ lại mũi dao và đâm tiếp nhát thứ hai trúng vào bả vai trái của anh nạn nhân. Kh. lại tiếp tục rút dao, nhưng cán dao bị gẫy nên can phạm không thể tiếp tục đâm nạn nhân được nữa.
Thấy vậy, D. đã bỏ nạn nhân ra và anh Th. vùng chạy được một đoạn thì ngã gục. Lúc này, D. và Kh. mới bỏ đi. Rõ ràng, ở đây Kh. đã có hành vi cố y tước đoạt sinh mạng của nạn nhân. Hơn nữa, trước khi thực hiện hành vi phạm tội thì đối tượng Kh. đã có ý định tước đoạt sinh mạng của người khác. (Kh. Rút dao có sẵn ở trong người ra và tuyên bố với D. “lên đập cho nó chết đi, đừng để cho nó ăn vạ, tù tội tao chịu cho”).
Theo những phân tích trên thì lỗi của bị can Kh. là lỗi cố ý trực tiếp. Không thể căn cứ vào hậu quả gây ra là anh Th. chưa bị chết, tỷ lệ thương tật 20% mà xác định bị can phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Mặc dù nạn nhân chưa bị chết, nhưng các bị can có ý định tước đoạt sinh mạng anh Th. nên việc xác định bị can phạm tội giết người (chưa đạt) mới thực sự là thỏa đáng.