Bảo vệ công lý, quyền con người và quyền công dân là nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án
Pháp đình - Ngày đăng : 21:17, 03/06/2014
Đó là những nguyên tắc chung cho toàn bộ hệ thống chính trị, tạo thành những nguyên tắc nền tảng cho hệ thống tư pháp và xây dựng Luật Tổ chức TAND.
Thể chế đúng với tinh thần Hiến pháp mới
Điều 102 Hiến pháp quy định, TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Suy ra, trong toàn bộ hệ thống chính trị, chỉ có Tòa án có chức năng xét xử và thực hiện quyền tư pháp và quyền tư pháp đồng nhất với chức năng xét xử. Điều này phù hợp với nhiều nước trên thế giới. Nhưng còn hoạt động điều tra, công tố thì sao? Tôi cho rằng hoạt động điều tra hình sự thuộc về hành pháp. Nhưng còn Viện Kiểm sát? Có thể nói, khi Viện Kiểm sát thực hiện quyền công tố là thực hiện chức năng của hành pháp, còn khi thực hiện kiểm sát tư pháp là làm chức năng giám sát của Quốc hội, vì chỉ có Quốc hội mới có quyền giám sát cả hành pháp lẫn tư pháp?
Nhiều nước trên thế giới, quyền tư pháp vươn ra cả giai đoạn điều tra và truy tố. Ví dụ: Phê duyệt hay bác bỏ việc tạm giam; phê chuẩn hay bác bỏ biện pháp trinh sát, biện pháp nghiệp vụ, điều tra, thu thập chứng cứ khi nó xâm phạm các quyền con người, quyền công dân hay có dấu hiệu trái luật.
LS. Trương Trọng Nghĩa
Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án. Tòa án có chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Để thấy rõ nhiệm vụ của TAND trong Hiến pháp mới, ta cũng nên so sánh giữa Hiến pháp cũ và mới. Hiến pháp cũ đồng nhất nhiệm vụ của TAND và VKSND, hơn nữa quy định nhiệm vụ “bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân” sau cùng. Hiện nay, chức năng của Tòa án được xác định lại là: Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, nhiệm vụ của Tòa án và VKS đã tách biệt, có phần trùng nhau nhưng có phần khác nhau. Nhiệm vụ của Tòa án được quy định tại khoản 3 Điều 102 là “Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”. Bảo vệ công lý, quyền con người và quyền công dân đã được đưa lên thành nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án. Điều này cũng phù hợp với tinh thần Hiến pháp sửa đổi, coi con người là trọng tâm và mục đích quyền lực Nhà nước.
Quyền hạn và tính độc lập của Thẩm phán được tăng lên
Hiến pháp 2013 quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật…”, đây là nguyên tắc phổ quát trên thế giới, phù hợp với các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và đã quy định trong Hiến pháp 1992. Điểm mới trong Hiến pháp 2013 là “… nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Nghiêm cấm nghĩa là những bản án ban hành mà có sự can thiệp là vi hiến và vô hiệu. Thay đổi này rất quan trọng trong việc thiết kế vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Như vậy, quyền hạn và tính độc lập của Thẩm phán được tăng lên, đòi hỏi phải có thiết kế tương ứng trong luật. Tuy nhiên, cũng phải có những chế định đảm bảo năng lực phẩm chất và việc xử lý trách nhiệm của Thẩm phán một cách tương ứng. Ví dụ, muốn chống lại sự can thiệp, vừa phải có dũng khí, vừa có tinh thần yêu công lý, còn phải có trình độ và bản lĩnh. Vậy, làm sao để khuyến khích những Thẩm phán như vậy và đào thải những người không làm được? Phải chăng cần tính đến, Thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời và làm thế nào để đảm bảo được điều đó? Đây là vấn đề cần quy định về Thẩm phán trong Luật Tổ chức TAND.
Ngoài ra, cần thiết kế luật sao cho đảm bảo nguyên tắc “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” trong các quan hệ giữa Thẩm phán xét xử với lãnh đạo Tòa án; Tòa cấp dưới với Tòa cấp trên; Tòa án, VKS với Cơ quan điều tra; Tòa án với chính quyền…
Việc bảo đảm nguyên tắc tranh tụng và quyền bào chữa là hai nguyên tắc sẽ được thiết kế chủ yếu trong BLTTHS và BLTTDS đang được sửa đổi. Trong khuôn khổ Luật Tổ chức TAND, vấn đề là thiết kế các cấp Tòa án, các chế định phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi của Thẩm phán một cách tương thích. Ví dụ, nguyên tắc bảo đảm tranh tụng và ra phán quyết dựa trên kết quả tranh tụng đòi hỏi tay nghề và kỹ năng vững chắc của Thẩm phán, đồng thời có thể làm tăng thời gian xét xử, tăng số lượng án dang dở, tồn đọng trên từng Thẩm phán.
Hiện có sự phân định và khác biệt giữa các cấp Tòa và Thẩm phán các Tòa. Tôi ủng hộ sự phân biệt này. Theo Điều 88 Hiến pháp, việc Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC từ nay phải căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, nghĩa là bổ nhiệm khó hơn và cách chức cũng khó hơn. Điều đó có nghĩa là, vai trò của TANDTC và Thẩm phán TANDTC được tăng lên.
Song, cũng cần làm rõ nội hàm của nguyên tắc “TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam”, từ đó xây dựng những quy định tương ứng để TANDTC làm được chức năng này. Chẳng hạn, có nên giao cho TANDTC xét xử những hành vi vi hiến hay trái với Hiến pháp, hay xét xử những công chức, cán bộ ở cấp rất cao hoặc giải quyết tranh chấp giữa các Bộ, ngành với nhau, giữa Bộ, ngành với chính quyền cấp tỉnh?
TANDTC nên có chức năng xây dựng và phát triển án lệ
Về những vấn đề cụ thể trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND đang trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp này, tôi rất đồng tình với nhiều nội dung như: Việc tổ chức TAND theo bốn cấp và tạo điều kiện cho nhân dân vùng sâu, vùng xa trong việc đi lại, đề nghị cân nhắc khái niệm “chi nhánh Tòa sơ thẩm”. Có thể gọi là trụ sở 1, trụ sở 2, không gọi là chi nhánh. Thẩm quyền thành lập Tòa án, có thể giao cho Chánh án TANDTC thành lập Tòa sơ thẩm khu vực và Tòa án tỉnh, thành phố. Còn việc thành lập Tòa cấp cao và Tòa quân sự nên giao cho Quốc hội thành lập bằng nghị quyết theo đề nghị của Chánh án TANDTC. Tôi cũng nhất trí với Dự thảo Luật Tổ chức TAND về tổ chức của TANDTC, đồng thời tán thành quan điểm TANDTC có chức năng xây dựng và phát triển án lệ, triển khai nhiệm vụ quy định tại khoản 3, Điều 104 của Hiến pháp.
Để thu hút nhân tài cho Tòa án, tôi đồng ý với quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo Luật và cũng cần quan tâm tuyển chọn Thẩm phán từ những luật sư, luật gia đã qua thử thách trong quá trình hành nghề. Tuy nhiên, có nhất thiết phải qua giai đoạn “trợ lý Thẩm phán” hay không là điều nên xem xét kỹ. Bởi một luật sư giỏi có thâm niên 10-15 năm hành nghề tố tụng, hoàn toàn có khả năng trở thành Thẩm phán giỏi sau một thời gian tập sự. Về danh xưng, nên gọi “Thẩm phán tập sự” hay “Thẩm phán dự bị” thì có sức động viên hơn là “Trợ lý Thẩm phán”. “Thẩm phán dự bị” có thể được giao xét xử nhưng không là chủ tọa, còn “Trợ lý Thẩm phán” thì chỉ giúp việc cho Thẩm phán mà thôi.
Nhiệm kỳ Thẩm phán, về nguyên tắc đó là sự cần thiết của việc bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán bằng cách áp dụng nguyên tắc “bổ nhiệm suốt đời”. Tuy nhiên, trong điều kiện đặc thù hiện nay của Việt Nam thì có thể cho phép kéo dài nhiệm kỳ (10 năm chẳng hạn) hoặc làm việc đến 70 tuổi đối với Thẩm phán TANDTC, để tăng tính độc lập và liêm khiết của Thẩm phán. Hoặc có thể có chế độ đãi ngộ xứng đáng hơn dưới nhiều hình thức, nhất là sự tôn vinh của xã hội, của Nhà nước đối với nghề Thẩm phán, đồng thời có biện pháp bảo vệ những Thẩm phán trung thực, dũng cảm, liêm khiết để họ đứng vững trong xã hội, tận tâm hơn với công việc vốn đặc thù nhiều áp lực.
LS. Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam)