Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 7)
Pháp đình - Ngày đăng : 20:59, 01/06/2014
Nhân dân một số tỉnh miền núi thường có tập tục chăn nuôi dê theo hình thức thả rông. Ban ngày, đàn dê được lùa lên núi tự kiếm thức ăn, đêm dê tự về chuồng. Chuồng ở đây có thể được dựng tạm hoặc dùng ngay hang đá tự nhiên. Để đàn dê tự tìm được đúng chuồng, người nuôi ban đầu phải rất mất công dùng thủ thuật xát muối vào miệng dê, hoặc pha muối vào nước để cho dê uống vào giờ nhất định khi về chuồng, từ đó hình thành thói quen đến giờ sẽ tự về chuồng để được ăn muối. Thế nhưng có những lúc dê “quên” đường về, nổi hứng sang “định cư” một chuồng khác, phát sinh tranh cãi kịch liệt giữa những ông chủ. Vụ án tranh chấp đàn dê xảy ra tại huyện Hà Giang, tỉnh Cao Bằng là một ví dụ như vậy.
Một đàn dê, hai người cùng kêu mất
Một đàn dê, hai người cùng kêu bị mất
Ông Nông Công Sự (48 tuổi, ngụ bản Nà Giảo, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, Cao Bằng), là nguyên đơn trong vụ án. Ông cho biết bắt đầu nuôi dê từ năm 2001. Địa điểm nuôi đàn dê của ông là tại hang Ngườm Poóng Lũng Mu, phương thức nuôi thả rông, cho dê tự tìm ăn cỏ, vài ngày ông chủ mới mang nước và muối lên một lần cho dê ăn, uống. Đàn dê “tự trông nhau”, ngủ tại hang đá. Cuối tháng 12/2006, tổng cộng đàn dê của ông đã có 10 con lớn nhỏ.
Ngày 6/1/2007, ông Sự mang nước lên cho dê như thường lệ, tới hang đã không thấy đàn dê đâu. Mất cả cơ nghiệp, ông huy động cả nhà lùng sục tìm kiếm khắp rừng sâu núi thẳm mà vẫn mất hút.
Mười ngày sau đó, vợ con ông khi đang lang thang khắp nơi ngó nghiêng, bất ngờ phát hiện thấy đàn dê ở khu vực Lũng Lầu cách đó vài ký lô mét. Đàn dê đã bị cắt chuông đeo, chỉ còn chín con, mất con đực to nhất trong đàn. Mừng mừng tủi tủi, mọi người định lùa dê về thì bị ông Trương Văn Tiến (41 tuổi, ngụ thôn Luống Nọi cùng xã) ngăn lại. Ông Tiến nhất quyết cho rằng đó là đàn dê của mình, cấm ai được “nhận vơ”.
Ông Tiến khẳng định đàn dê này là của mình, đã từng bị mất trong hai lần lẻ tẻ trước đó, do đàn dê “vô kỷ luật” đi kiếm ăn xa. Ông Tiến cho hay trước đó ông hai lần mất 5 con dê, bao gồm 3 con dê cái đốm trắng, 2 con dê cái màu vàng nâu. Trong số này, con dê cái lớn nhất và con dê cái lớn thứ hai là những con dê ông mua về, còn lại đều là những con dê thế hệ F2. Lý giải việc mất 5 con, nay đàn dê có đến 9 con, và hai đàn dê bị mất tại hai thời điểm khác nhau, lại tìm về cùng một lúc, ông Tiến tỉnh bơ: “Chúng sinh sôi nảy nở, dê mẹ đẻ dê con, rồi tình cờ cùng một lúc tìm về”.
Theo ông Tiến, ngày 12/1/2007, chị gái ông đi lấy củi về, thấy đàn dê quanh quẩn ở gần chuồng ngày trước em trai nuôi dê, nên về báo lại. Khi ông Tiến đến xem thì thấy cả đàn đã vào nằm nghỉ trong chuồng, “châu về hợp phố”. Cũng theo ông Tiến, năm 2006, khi đàn dê 5 con của ông bị mất, cả nhà ông cũng từng lùng sục đi tìm. Vợ ông Tiến khi đó đã đến tìm dê tại chuồng của nhà ông Sự ở đằng sau nhà, lúc đó không thấy những con dê của mình bị mất.
Bị đơn “phá rối” “phiên xử” theo tập quán
Hai bên tranh cãi nhau không dứt. Ông Sự quyết định làm đơn đưa vụ việc nhờ cơ quan chức năng phân xử. Trước khi vụ việc đưa lên tòa án, UBND xã Phù Ngọc đã áp dụng tập quán để phân xử. Theo đó, cả nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất, hôm sau đó sẽ đưa đàn dê lên thả trên đèo, dê về chuồng nhà nào thì thuộc quyền sở hữu của nhà ấy.
Phải trải qua hai cấp đau đầu xét xử, Tòa mới phân định được sự việc
Đây được đánh giá là cách phân xử rất hay, đúng với đặc điểm sinh học của loài dê nói riêng, các gia súc được chăn thả rông nói chung. Dân làng cho rằng dê là loài vật rất khôn ngoan, rất mến người chăm sóc chúng, có khả năng nhớ được nơi ở của mình, thậm chí nhớ được cả... tên của nó khi ông chủ đặt cho. Dê cũng có tính tập đoàn, mỗi con trong đàn đều có vị trí xã hội nhất định, trong đàn thường có con đầu đàn dẫn đầu cả đàn di chuyển.
Tuy nhiên, đúng hẹn có mặt tại đỉnh đèo, bị đơn bất ngờ đổi quan niệm, không nhất trí thả dê. Bị đơn giải thích rằng ông không thả dê theo thỏa thuận một ngày trước đó tại UBND xã vì “tôi có nghe được thông tin cho rằng nhà ông Sự đã phân công người phục sẵn trong núi, “dắt mũi” đoàn dê về, như thế thì mất công cho tôi”. Tuy nhiên đây cũng là chuyện “nghe phong thanh”, chứ bị đơn không có chứng cứ gì đưa ra. Hòa giải bất thành tại chính quyền xã, vụ việc được chuyển lên tòa án. Đàn dê tranh chấp được giao cho anh Đoàn Văn Khu (31 tuổi, ngụ thôn Luống Nọi) là người thứ 3 chăn nuôi.
Tại phiên tòa sơ thẩm được mở ít ngày sau đó, đàn dê tranh chấp bị “hao hụt” đi 1/3. Người được giao chăm sóc cho biết, 3 con dê nhỏ bị bệnh nấm nên đã chết, tuy nhiên lại có một con dê mẹ đẻ thêm dê con, tổng cộng đàn còn 7 con. Hai bên nguyên đơn và bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu xác nhận quyền sở hữu đàn dê này. Ngoài ra, nguyên đơn còn thêm ý kiến yêu cầu bị đơn bồi thường 3 con dê nhỏ bị chết do bệnh nấm. “Nếu bị đơn không tranh giành dê, thì nhà tôi chăm sóc đã tốt hơn, chúng sẽ không chết bệnh”, nguyên đơn trình bày.
Không nhớ được đặc điểm đàn dê thì không thể là ông chủ
Trong các biên bản được lập trước đó, một lần nữa nhắc lại tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn đã miêu tả đúng đặc điểm màu lông, số lượng dê cái, dê đực, dê nhỏ, dê lớn đỏ ở sừng, một số con đeo chuông.
Xem xét lời khai của bị đơn, thấy người này không miêu tả được chính xác màu sắc và các đặc điểm khác của đàn dê, bị đơn chỉ áng chừng số dê bị mất tại hai thời điểm khác nhau, lại tình cờ gặp lại nhau nhập đàn, rồi quay về chuồng cũ cùng một lúc. Từ những căn cứ lập cập trên, tòa sơ thẩm tuyên đàn dê là của nguyên đơn Sự.
Phiên sơ thẩm, còn bất ngờ “lòi” ra một vấn đề khác. Người được công an xã Phù Ngọc tạm giao chăn dắt dê kể từ ngày 16/1/2007 cho đến khi cơ quan thẩm quyền giải quyết xong vụ việc, nay bất ngờ có yêu cầu. Anh cho rằng khi được giao trông nom đàn dê, chưa ai có thỏa thuận với anh về công chăn dắt. Quá trình chăn dắt tại chỗ, mỗi ngày phải mất một buổi để đi cắt cỏ cho dê ăn, đem nước dê uống, đã “ngốn” của anh khá nhiều thời gian công sức. Nay anh yêu cầu bên nào thua kiện trong vụ án phải trả công chăn dắt dê cho anh mỗi ngày một buổi là 15.000 đồng. Mức giá này tính theo giá ngày công trung bình tại địa phương, đến khi nào tòa án giải quyết xong vụ kiện.
Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu được quyền sở hữu bảy con dê của nguyên đơn Sự, buộc bị đơn Tiến phải giao đàn dê và bồi thường 3 con dê bị chết cho nguyên đơn với giá trị:19kg x 14.000 đ = 266.000 đồng. Chấp nhận một phần yêu cầu đòi tiền công chăn dắt cho anh Khu là 255 buổi x 8.000 đ = 1.800.000 đồng.
Lên cấp phúc thẩm cũng thua Ông Tiến làm đơn đưa vụ án lên cấp phúc thẩm. Ít ngày sau, phiên phúc thẩm được mở, nhận định phiên sơ thẩm đã xử đúng luật, bị đơn không đưa ra được chứng nào mới, nên tuyên y án. Bản án có hiệu lực thi hành. |