Các vi phạm khi ký kết - thực hiện hợp đồng bảo đảm và sai sót trong quá trình xét xử (kỳ 5)
Pháp đình - Ngày đăng : 14:17, 27/05/2014
Ví như vụ Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp Bình Dương (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) kiện Công ty TNHH Ngọc Quảng.
Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp Bình Dương đã ký với Công ty Ngọc Quảng tổng cộng 13 hợp đồng tín dụng với tổng số tiền gốc cho vay là 12.264.300.000 đồng và 9 hợp đồng cầm cố, thế chấp. Do Công ty Ngọc Quảng vi phạm nghĩa vụ thanh toán, nên Ngân hàng đã xử lý, bán các tài sản của Công ty Ngọc Quảng gồm: nhà xưởng, máy móc thiết bị với giá là 10.050.000.000 đồng, đã thanh toán cho các hợp đồng tín dụng, còn 5 hợp đồng tín dụng chưa thanh toán hết, nay Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty Ngọc Quảng thanh toán tiếp tiền nợ gốc và lãi của 05 hợp đồng tín dụng còn lại.
Tổng số tiền còn nợ (gốc và lãi) của 5 hợp đồng tín dụng là 5.273.000.000 đồng (trong đó nợ gốc 1.555.000.000 đồng, tiền lãi 3.723.000.000 đồng) và tiền lãi phát sinh từ ngày 22/9/2009 theo lãi suất nợ quá hạn được quy định trong hợp đồng. Trường hợp Công ty Ngọc Quảng không thanh toán được nợ thì yêu cầu xử lý các tài sản thế chấp.
Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 20/2009/KDTM-ST ngày 30/9/2009 của TAND tỉnh BD đã xử:
“ 1- Không chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương về việc yêu cầu Công ty TNHH Ngọc Quảng thanh toán số tiền nợ 5.273.000.000 đồng trên cơ sở đã khấu trừ giá trị tài sản của Công ty Ngọc Quảng bị xử lý. 2- Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty TNHH Ngọc Quảng:
Tuyên bố các hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với quyền sử dựng đất thuê ngày 08/12/2007, có số công chứng 638 của Phòng công chứng số 02 tỉnh BD ngày 10/12/2007 và hợp đồng mua bán tài sản ngày 08/12/2007, có số công chứng số 639 của Phòng công chứng số 02 tỉnh BD ngày 10/12/2007 được ký kết giữa Ngân hàng TMCP CT Việt Nam và Công ty cổ phần cơ khí Đông Lực là vô hiệu.
Buộc Ngân hàng TMCP CT Việt Nam và Công ty cổ phần cơ khí Đông Lực phải hoàn trả cho Công ty TNHH Ngọc Quảng các tài sản: 03 nhà xưởng, 01 nhà máy, hệ thống thoát nước, tường rào, đường nội bộ gắn liền quyền sử dụng 6.012 m2 đất thuê tại Khu công nghiệp Đồng An, huyện ThA, tỉnh BD; 03 dây chuyền sản xuất bột mì Trung Quốc sản xuất (chi tiết tài sản được thể hiện cụ thể tại các hợp đồng mua bán tài sản và hợp đồng thế chấp).
Việc tính toán các thiệt hại do việc hoàn trả các tài sản giao dịch trong các hợp đồng bị tuyên vô hiệu do các bên tự giải quyết hoặc có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền trong trường hợp có tranh chấp.
Các bên phải thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các giao dịch bảo đảm chưa đăng ký.
Ngân hàng TMCP CT Việt Nam phải thực hiện lại thủ tục thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
3- Không chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Chu Ngọc Nghĩa, ông Phạm Hoàng Khánh, ông Phạm Hoàng Thọ, bà Phạm Thị Hoàng Oanh, bà Phạm Thị Hoàng Yến và ông Phạm Hoàng về thời hiệu khởi kiện đối với Hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản để vay vốn ngân hàng số 04.00189/HĐBL, ngày 25/11/2004. Các bên phải thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với hợp đồng bảo lãnh này”
Ngày 13/10/2009, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Hoàng đồng thời là người đại diện cho các ông, bà: bà Chu Ngọc Nghĩa, ông Phạm Hoàng Khánh, ông Phạm Hoàng Thọ, bà phạm Thị Hoàng Oanh, bà Phạm Thị Hoàng Yến kháng cáo mục 3 phần Quyết định của bản án sơ thẩm.
Ngày 14/10/2009, Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp Bình Dương kháng cáo mục 1, 2 phần Quyết định của bản án sơ thẩm.
Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 89/2010/KDTM-PT ngày 10/6/2010 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh xử: Chấp nhận việc rút kháng cáo và đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của ông Phạm Hoàng và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác.
Không chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng TMCP CT Việt Nam; giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 20/2009/KDTM-ST ngày 30/9/2009 của TAND tỉnh BD.
Ngày 29/9/2011, Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp Bình Dương có đơn đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Theo tác giả, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã phạm những sai lầm nghiêm trọng sau:
Ngân hàng TMCP CT Việt Nam khởi kiện yêu cầu Công ty Ngọc Quảng thanh toán nợ của 05 hợp đồng tín dụng, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh Khu công nghiệp Bình Dương về việc yêu cầu Công ty TNHH Ngọc Quảng thanh toán số tiền nợ 5.273.000.000 đồng trên cơ sở đã khấu trừ giá trị tài sản của Công ty Ngọc Quảng bị xử lý” và buộc Ngân hàng TMCP CT Việt Nam phải chịu án phí là không đúng, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP CT Việt Nam. Quyết định nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm làm mất quyền khởi kiện lại của Ngân hàng TMCP CT Việt Nam vì sự việc đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực của Tòa án.
Từ các quy định của pháp luật thì thấy: Tài sản bảo đảm thuộc quyền sử dụng và sở hữu hợp pháp của Công ty Ngọc Quảng; hợp đồng được ký kết trên cơ sở tự nguyện; người ký hợp đồng đúng thẩm quyền; hợp đồng đã được Công chứng viên Phòng công chứng số 1 tỉnh Bình Dương chứng nhận. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng 6.012 m2 đất tại khu công nghiệp Đồng An đã được thế chấp hợp pháp cho Ngân hàng TMCP CT Việt Nam theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 02.00034/HĐTC ngày 21/02/2002; Trong Hợp đồng thế chấp này các bên đã xác định rõ: “Tài sản gắn liền với đất đem thế chấp: Toàn bộ tài sản trên lô đất thế chấp (Có hợp đồng thế chấp, cầm cố riêng”). Sau đó, các bên đã ký Hợp đồng thế chấp tài sản số 03.00148/HĐTC ngày 27/5/2003 (tài sản thế chấp gồm: nhà xưởng, kho, văn phòng, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, nhà nghỉ, nhà máy, hệ thống thoát nước, tường rào, đường nội bộ). Như vậy, tài sản bảo đảm theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 03.00148/HĐTC ngày 27/5/2003 đồng thời cũng là tài sản bảo đảm theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 02.00034/HĐTC ngày 21/02/2002, như vậy hợp đồng thế chấp này là hợp pháp có giá trị pháp lý. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng hợp đồng không phát sinh hiệu lực là không đúng. Do đó, nếu Công ty Ngọc Quảng không thanh toán được nợ, thì Ngân hàng TMCP CT Việt Nam có quyền xử lý tài sản thế chấp theo thỏa thuận của các bên trong các hợp đồng thế chấp (Điều 5 của Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 02.00034/HĐTC ngày 21/02/2002 và Hợp đồng thế chấp tài sản số 03.00148/HĐTC ngày 27/5/2003) và quy định của pháp luật.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm nhận định việc Ngân hàng TMCP CT Việt Nam xử lý tài sản đảm bảo không tuân theo trình tự, thủ tục được quy định tại Nghị định số 163/2006/CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ nhưng không đưa ra được căn cứ việc mua bán đó có khuất tất, bán không đúng với giá trị thực của tài sản hay không? có khôi phục được tình trạng ban đầu của tài sản hay không? mà vẫn tuyên hủy hợp đồng mua tài sản của Công ty Đông Lực; buộc Ngân hàng TMCP CT Việt Nam và Công ty Đông Lực hoàn trả lại cho Công ty Ngọc Quảng những tài sản đã được ký kết tại các hợp đồng cầm cố, thế chấp và hợp đồng mua bán tài sản là không đúng và không có tính khả thi; bởi vì: theo trình bày của Công ty Đông Lực (là đơn vị mua tài sản của Công ty Ngọc Quảng) thì số tài sản là máy móc, dây chuyền sản xuất xuất đã quá lạc hậu và bị hỏng nên Công ty phải tháo dỡ bán sắt vụn… Mặt khác, khi tuyên bố hợp đồng vô hiệu buộc các bên trả lại tài sản cho nhau, nhưng không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là không đúng.
Ngoài ra, việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định nguyên đơn là Ngân hàng TMCP CT Việt Nam - Chi nhánh khu công nghiệp BD là không chính xác; nguyên đơn trong vụ án này phải là Ngân hàng TMCP CT Việt Nam.
Trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp cho vay, tranh chấp hợp đồng tín dụng trong vụ án dân sự, kinh doanh thương mại có liên quan đến tài sản bảo đảm, tác giả nhận thấy có trường hợp người dùng tài sản của mình đi thế chấp, bảo lãnh cho các hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng nhưng lại không hiểu được hậu quả pháp lý khi tham gia giao dịch bảo đảm nên đã đồng ý ủy quyền cho người khác đem tài sản của mình đi thế chấp, bảo lãnh cho các khoản vay của người khác để được nhận tỷ lệ lãi suất theo giá trị tài sản đem thế chấp, bảo lãnh. Khi người vay không có khả năng, không trả được nợ, tài sản bảo đảm đã bị xử lý để thanh toán các khoản nợ, hoặc người được ủy quyền thế chấp bảo lãnh đã sử dụng tài sản này làm vật bảo đảm để vay tiền của cá nhân hoặc các tổ chức tín dụng. Sau khi lấy được tiền đã bỏ trốn, tài sản bảo đảm bị xử lý, người có tài sản đến lúc này mới thấy mình dại, chỉ vì muốn hưởng một ít lãi từ tài sản của mình, để rồi mất cả khối tài sản. Vì vậy, những người có tài sản tự mình hoặc ủy quyền cho người khác khi dùng tài sản của mình để thế chấp, bảo lãnh cho người khác vay tiền, cần phải cân nhắc kỹ để tránh bị lợi dụng, mất tài sản.
Đối với hoạt động tín dụng, có những thời điểm có Ngân hàng chạy theo tăng trưởng tín dụng, không thẩm tra kỹ khi cho vay; không có tài sản bảo đảm, hoặc nếu có cũng không thực hiện đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật, thiếu những kỹ năng hoặc do thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện việc ký kết các giao dịch bảo đảm dẫn đến có nhiều khoản vay, khi người vay không có khả năng thanh toán nợ, Ngân hàng muốn xử lý tài sản bảo đảm thì không xử lý được, do giao dịch bảo đảm bị vô hiệu, không có giá trị pháp lý.
Dù là khách hàng quen, cán bộ Ngân hàng cũng không được bỏ qua các quy định, các nguyên tắc khi ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm hoặc bảo lãnh cho các khoản vay, bảo lãnh thanh toán… Vừa qua một số trường hợp khi ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm cán bộ Ngân hàng đã có vi phạm nghiêm trọng đến mức một loạt cán bộ Ngân hàng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đó là điều rất đáng tiếc.