Về các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định (kỳ 4)
Pháp đình - Ngày đăng : 16:54, 24/05/2014
Theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử l. hành chính tại TAND, Chánh án Tòa án cấp huyện, quận có trách nhiệm phân công thẩm phán xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử l. hành chính.
Thẩm phán xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền từ chối hoặc bị thay đổi
Đối với việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, thẩm phán được phân công phải có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục và hoạt động phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Thẩm phán được phân công phải từ chối xem xét, quyết định nếu có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.Trường hợp thẩm phán được phân công không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoặc thuộc trường hợp phải từ chối xem xét, quyết định thì Chánh án tòa án phân công thẩm phán khác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Điều 10 của pháp lệnh này cũng quy định những trường hợp phải từ chối, thay đổi thẩm phán, thư ký phiên họp như là người thân thích của người bị đề nghị; đã tiến hành xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong cùng vụ việc đó; đã tiến hành việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong cùng vụ việc đó; có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính
Thẩm phán quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có một trong các căn cứ sau đây: Hết thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính; người bị đề nghị đã chết; người bị đề nghị không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 92, khoản 1 Điều 94 hoặc khoản 1 Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính; người bị đề nghị thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 92, khoản 2 Điều 94 hoặc khoản 2 Điều 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính;
Cơ quan đề nghị rút đề nghị; người bị đề nghị đã có bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với hành vi bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; người bị đề nghị đang chấp hành hình phạt tù, đang chờ chấp hành hình phạt tù hoặc hình phạt tử hình theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có một trong các căn cứ: hành vi của người bị đề nghị có dấu hiệu tội phạm và Tòa án phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự xem xét hoặc người bị đề nghị đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đó; khi phát sinh tình tiết mới về tình trạng sức khỏe, tâm thần của người bị đề nghị và cần yêu cầu cơ quan đề nghị tiến hành trưng cầu giám định; người bị đề nghị đang bị bệnh hiểm nghèo có xác nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên.
Thành phần tiến hành và tham gia phiên họp
Người tiến hành phiên họp gồm có Thẩm phán và Thư ký phiên họp; người tham gia phiên họp gồm có đại diện cơ quan đề nghị, Kiểm sát viên, người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.
Trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cầu đại diện cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện, người giám định, người phiên dịch, chuyên gia y tế, giáo dục, tâm lý, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị là người chưa thành niên học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị đề nghị cư trú hoặc những người khác tham gia phiên họp để trình bày ý kiến về các vấn đề có liên quan.
Theo Điều 18 của pháp lệnh này quy định người tham gia phiên họp có các quyền sau: Yêu cầu thay đổi người tiến hành phiên họp; được biết, đọc, ghi chép, sao chụp và xem tài liệu trong hồ sơ đề nghị; cung cấp tài liệu, chứng cứ, giải trình, tranh luận tại phiên họp; ủy quyền bằng văn bản cho luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia phiên họp đối với trường hợp là người bị đề nghị; được nhận các quyết định của Tòa án và có quyền khiếu nại theo quy định của Pháp lệnh này. Đồng thời họ có nghĩa vụ phải có mặt tại phiên họp theo yêu cầu của tòa án; tôn trọng tòa án, chấp hành nội quy phiên họp; chấp hành quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật...
Người tham gia phiên họp trình bày ý kiến về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nhân thân của người bị đề nghị; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; hình thức, biện pháp đã giáo dục; đề nghị hoặc không đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Đại diện cơ quan đề nghị, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tranh luận về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Các trường hợp tạm hoãn phiên họp
Thẩm phán phải giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia phiên họp. Trường hợp có yêu cầu thay đổi thẩm phán thì thẩm phán phải xem xét; nếu có căn cứ thì tạm dừng phiên họp và báo cáo Chánh án tòa án xem xét, quyết định. Nếu phải thay đổi thẩm phán mà không có thẩm phán khác thay thế thì phải hoãn phiên họp.
Trong trường hợp đại diện cơ quan đề nghị, Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp. Người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị vắng mặt có lý do chính đáng thì Tòa án có thể hoãn phiên họp; trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc có yêu cầu xem xét vắng mặt thì tòa án vẫn tiến hành phiên họp.
Tòa án phải thông báo về về việc hoãn phiên họp Thời hạn hoãn phiên họp không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thông báo hoãn. Tòa án phải thông báo về việc hoãn phiên họp cho những người tham gia phiên họp và nêu rõ lý do hoãn, thời gian mở lại phiên họp. Đối với người vắng mặt tại phiên họp thì tòa án phải thông báo bằng văn bản. |