67 tuổi ra tòa ly hôn với cô vợ 8X

Pháp đình - Ngày đăng : 07:54, 23/05/2014

Có học thức, tuổi đã già, trong một lần đi công tác tại Việt Nam, ông làm quen và có tình cảm với cô gái trẻ đẹp tại quán bar. Không lâu sau, đám cưới được tổ chức và họ dọn về chung sống cùng nhau.

Tuy nhiên, tình cảm mặn nồng chưa vào đâu thì ông phát hiện giữa hai người có quá nhiều khoảng cách, mâu thuẫn. Cuối cùng, ông quyết định kéo nhau ra tòa ly dị. Tuy nhiên, điều khiến ông đắng lòng là cô vợ quyết bám víu vào số tài sản ông đã bỏ tiền ra mua.

Không tâm sự được vẫn cưới nhau

Khoảng tháng 8/2008, ông N. (SN 1952) tình cờ gặp chị Th. (SN 1989) trong một quán bar tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Sau thời gian tìm hiểu, hai người quyết định tiến tới kết hôn, đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận kết hôn. Sau khi kết hôn, vợ chồng sống tại thành phố Vũng Tàu, một năm, ông N. đi công tác nước ngoài vài tháng.

Thời gian đầu, vợ chồng ông sống chung hạnh phúc. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và cãi vã lẫn nhau, nhiều khi chị T. đã yêu cầu ông N. nộp đơn xin ly hôn mà theo ông N. nguyên nhân chính là do chị T. không tôn trọng và hay nói dối, thường xuyên đi chơi về muộn, thêm vào đó là sự chênh lệch tuổi tác quá lớn, ngôn ngữ bất đồng không thể tâm sự, văn hóa và trình độ đều khác biệt. Ngoài ra, chị T. còn thường xuyên xin tiền để chi tiêu cá nhân và giúp đỡ gia đình. Do mâu thuẫn trầm trọng, hai người đã ly thân và ông N. không còn chung sống với chị T. tại căn nhà cũ mà từ tháng 3/2013 đã chuyển sống nơi khác.

67 tuổi ra tòa ly hôn với cô vợ 8X

Trong khi ông N. không đứng vững phải tựa vào vành móng ngựa thì chị T. lại trẻ xinh

Ông N. cho biết, giữa hai người chưa có con chung nên không yêu cầu tòa giải quyết. Trong quá trình chung sống, hai người tạo dựng được một số tài sản chung là một căn nhà, hai chiếc xe máy và các vật dụng khác. Nguồn gốc toàn bộ tài sản trên do ông N. chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam để mua sắm.

Ông N. nhận thấy mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày càng trầm trọng, thực tế không còn chung sống với nhau. Vì vậy, ông yêu cầu được ly hôn với chị T., đồng thời yêu cầu được hưởng 80% giá trị tài sản là nhà đất. Đối với hai chiếc xe máy và các vật dụng khác, ông N. và chị T. tự thỏa thuận, không yêu cầu tòa án giải quyết.

Trước đây, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã mở phiên tòa sơ thẩm và chấp nhận đơn ly hôn của ông N.. Tuy nhiên, giữa ông N. và chị T. không đồng quan điểm về việc phân chia tài sản nên quyết định viết đơn kháng cáo. Mới đây, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện.

Bất đồng quan điểm

Đến phiên tòa, hai người ngồi cùng chiếc ghế nhưng không một lần nhìn nhau. Do ông N. là người nước ngoài, không thông thạo tiếng Việt nên có một phiên dịch viên tham gia quá trình tố tụng. Ông N. đã già, run run lắng nghe lời người phiên dịch rồi trả lời. Ông vẫn giữ nguyên quan điểm, ý kiến của mình và quyết định ly hôn.

Trong khi đó, chị T. xác nhận quá trình tiến tới hôn nhân, con chung, nợ chung như ông N. trình bày là đúng. Tuy nhiên, chị T. cho rằng, mâu thuẫn vợ chồng chỉ phát sinh sau khi ông N. nghỉ hưu vào khoảng tháng 7/2012. Khi đó, ông N. đòi bán nhà để mở nhà hàng, số tiền còn lại thì mua căn nhà nhỏ hơn để ở. Do chị T. không đồng ý nên vợ chồng mới phát sinh mâu thuẫn. Còn trước đó thì hai vợ chồng có cuộc sống bình thường. Việc chị T. đi chơi vào buổi tối là có thật nhưng số lần về muộn thì không đáng kể. Việc ông N. đã bỏ ra ngoài khác sạn ở từ tháng 3/2013 là đúng. Chị T. xác nhận do trình độ tiếng Anh của mình thấp nên hai vợ chồng không thể tâm sự được với nhau nhưng chị T. vẫn còn yêu thương chồng nên không đồng ý ly hôn.

Chị T. cũng cho biết, giữa hai người có chung tài sản là căn nhà, hai chiếc xe và nhiều tài sản khác. Tất cả những thứ này đều do ông N. gửi tiền từ nước ngoài về mua. Nguồn tiền mua nhà đất được ông N. chuyển USD hoặc tiền Việt Nam vào tài khoản của chị T.. Tuy nhiên, chị T. có một phần đóng góp trong việc mua nhà đất nêu trên. Cụ thể, sau khi cưới, chị T. đã đưa tiền Việt Nam cho ông N., số tiền bao nhiêu thì không thể nhớ rõ. Toàn bộ giao dịch đặt cọc, ký hợp đồng chuyển nhượng là do chị T. thực hiện với người chuyển nhượng.

Trước yêu cầu khởi kiện của ông N., chị T. không đồng ý ly hôn với ông N.. Tuy nhiên, nếu có căn cứ cho ly hôn thì chị T. đề nghị Tòa án giải quyết chia tài sản theo quy định của pháp luật. Riêng đối với tài sản chung là hai chiếc xe và các tài sản khác chị thống nhất ý kiến của ông N. để hai bên tự thỏa thuận, không yêu cầu tòa giải quyết.

Viện kiểm sát có ý kiến, do nguyên đơn có quốc tịch Hoa Kỳ nên tòa sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền. Trong quá trình tố tụng, thẩm phán đã tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục. Việc lấy lời khai, thẩm định tại chỗ, định giá, đo vẽ, hòa giải và tại phiên tòa đều có người phiên dịch theo quy định của pháp luật. Sau phiên tòa sơ thẩm, chị T. có đơn kháng cáo nên Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM tiếp nhận đơn và đưa ra xét xử. Tại phiên tòa, HĐXX và thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã chấp hành đúng trình tự, thủ tục quy định, các đương sự đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Cuộc sống chung không thể kéo dài

Xét theo yêu cầu của ông N., HĐXX nhận định, mặc dù ông N. đưa ra nguyên nhân mâu thuẫn khác nhau giữa hai vợ chồng. Nhưng, tất cả nguyên nhân đều thống nhất, thừa nhận mâu thuẫn giữa hai bên là có thật. Ông N. đã không còn chung sống với chị T. từ tháng 3/2013. Thấy rằng, việc chênh lệch tuổi tác, sự bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, sự chênh lệch về trình độ học vấn giữa ông N. và chị T. là có thật và là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa hai vợ chồng.

Điều này cũng phù hợp với trình bày của chị T. tại biên bản hòa giải, có nội dung: “Tôi xác nhận vốn tiếng Anh của tôi ít, vợ chồng không thể tâm sự được với nhau”. Tại phiên tòa, ông N. vẫn giữ nguyên yêu cầu được ly hôn với chị T..

Trong khi đó, chị T. xác định mâu thuẫn vợ chồng là có thật nhưng cũng không đưa ra biện pháp khắc phục để vợ chồng tiếp tục chung sống, đồng thời cho rằng ông N. phải có nghĩa vụ cung cấp tiền cho mình chi trả toàn bộ chi phí sinh hoạt gia đình vì chị không có công việc và thu nhập kể từ khi kết hôn với ông N.. Như vậy, cuộc sống chung của ông N. và chị T. không thể kéo dài, mục đích bổn phận không đạt được, vợ chồng đều không thật sự mong muốn xây dựng cuộc sống chung nên cần chấp nhận cho ông N. được ly hôn với chị T..

Ông N. cho rằng toàn bộ tiền mua nhà là nguồn gốc tiền riêng do ông chuyển về Việt Nam từ nước ngoài cho chị T. thực hiện giao dịch mua và bán. Trong khi đó, chị T. cũng xác nhận tiền mua căn nhà là do ông N. chuyển về Việt Nam cho chị. Nhưng, chị cũng cho rằng, sau khi kết hôn, chị đã đưa toàn bộ tiền Việt Nam có được trước khi kết hôn cho ông N.. Vì vậy, trong số tiền mua nhà có một phần tiền mà chị T. đã đưa cho ông N..

Sau khi nghị án, cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N. về việc tranh chấp yêu cầu ly hôn với chị T.. Ông N. được ly hôn với chị T.. Công nhận tài sản chung của ông N. và chị T. là căn nhà tại thành phố Vũng Tàu. Chia cho ông N. được hưởng 7/10 giá trị nhà và quyền sử dụng đất nêu trên và được nhận bằng số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Chi cho chị T. 3/10 giá trị nhà và quyền sử dụng đất nêu trên là gần 800 triệu đồng. Do ông N. là người nước ngoài, không thuộc đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam nên chị T. được nhận nhà, đất có nghĩa vụ thanh toán cho ông N. phần giá trị nhà đất chênh lệch. Nếu chị T. không có khả năng thanh toán, căn nhà sẽ được phát mãi và chia theo tỷ lệ mỗi bên được hưởng.


*Ai ngờ… nghĩa tình không vẹn toàn
Phiên tòa kết thúc, trong khi ông N. khó nhọc mới ngồi dậy được, lê từng bước nặng nề ra khỏi phòng xử thì chị T. bước qua nhanh chóng, không chút nuối tiếc mặc dù chỉ cách đó vài phút vẫn còn nói yêu thương chồng. Ông N. cho hay: “Tuổi già, cứ ngỡ cưới được cô vợ trẻ đẹp để chia sẻ ngọt bùi lúc cuối đời. Ai ngờ, tình nghĩa không trọn vẹn, phải kéo nhau ra tòa khiến mọi người cười chê”.*

Quỳnh Lâm