Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 1)

Pháp đình - Ngày đăng : 08:39, 16/05/2014

Ngày 14/4 vừa qua, vụ án Thẩm mỹ viện (TMV) Cát Tường đã được đưa ra xét xử. Thế nhưng, phiên tòa đã bị hoãn lại vì HĐXX cho rằng, có nhiều vấn đề liên quan đến chuyên môn cần được làm rõ nên quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho CQĐT làm rõ.

Vậy những điểm cần làm rõ khiến vụ án này bị “tắc nghẽn” là gì?

Kỳ 1: Vì sao TMV Cát Tường là vụ án chưa từng có trong lịch sử tố tụng?

Vụ án gây phẫn nộ dư luận

Như đã biết, vụ án TMV Cát Tường vứt xác phi tang đã gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận suốt một thời gian dài. Theo đó, vụ việc được phát hiện vào khoảng 23h ngày 19/10/2013, tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên, TP. Hà Nội), khi anh Vũ Văn Tuân (một người đi đường) phát hiện trên vỉa hè có chiếc xe Lead màu đen. Trên xe có một túi xách nhỏ. Trong túi có một CMND mang tên Lê Thị Thanh Huyền.

Anh Tuân kiểm tra điện thoại thấy có nhiều cuộc gọi nhỡ nên đã gọi ngược lại. Anh Tuân đã gặp người nhà của chị Huyền và thông báo sự việc. Sau đó, anh Nguyễn Hữu Huy (ngụ quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) đã đến hiện trường và nhận đó là vật dụng của vợ mình. Anh Huy cho biết, chị Huyền đã đi khỏi nhà từ sáng không thấy về. Sau đó, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) công an TP. Hà Nội đã vào cuộc điều tra. Sau khi rà soát, CQĐT xác định, chị Huyền đã đến TMV Cát Tường do bác sĩ (BS) Nguyễn Mạnh Tường (40 tuổi, Bác sĩ khoa Ngoại - Bệnh viện Bạch Mai) làm giám đốc để phẫu thuật. Qua điều tra, đối tượng Tường đã khai nhận sau khi “hút mỡ, bơm ngực”, chị Huyền có biểu hiện co giật, sùi bọt mép, BS Tường chỉ đạo các nhân viên dùng nhiều biện pháp cấp cứu: hướng dẫn truyền dịch, cho thở oxy, đặt ống thở, tiêm thuốc trợ tim.

Tuy nhiên, chị Huyền đã tử vong. BS Tường đã cho một số nhân viên giải tán ra về, chỉ đạo một số người mang giấy tờ, hồ sơ đi cất giấu. Sau đó, Tường lái ô tô của mình cùng bảo vệ là Đào Quang Khánh, mang thi thể chị Huyền và xe máy của chị lên cầu Vĩnh Tuy, sang địa phận phường Thạch Bàn. Hai người này để xe máy cùng đồ đạc của chị Huyền lại đây, rồi đi lên cầu Thanh Trì, vứt xác chị Huyền xuống sông.

Ngay lập tức, Tường và Khánh đã bị CQĐT bắt giữ để tiến hành điều tra. Đến ngày 14/4 vừa qua, việc làm vô nhân tính này của đối tượng Tường đã được đưa ra xét xử. Nhưng do còn nhiều điểm chưa được làm rõ nên cơ quan tố tụng quyết định trả hồ sơ để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 1)

Bị cáo Tường và Khánh tại tòa

Khó trong việc xác định tội danh?

Cần phải nhắc thêm rằng, cho đến thời điểm hiện tại, sau nhiều tháng trời nỗ lực tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy xác nạn nhân. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xét xử vụ án. Thế nhưng, với quan điểm điều tra “trọng chứng hơn trọng cung” thì trong vụ việc này rất khó xác định được “hậu quả cụ thể” để quy đối tượng Tường tội danh “Giết người”. Vì theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), chỉ khởi tố tội “Giết người” (Điều 93 BLHS) khi đối tượng này đã thực hiện hành vi và phải có người chết. Cụ thể là phải có xác nạn nhân.

Thế nhưng, một số luật sư cho rằng, về mặt khoa học pháp lý, hành vi giết người còn được thực hiện cả dưới dạng: “Không hành động”. Ví dụ: Một cô y tá được giao nhiệm vụ cho bệnh nhân uống thuốc, nếu không được uống thuốc đúng giờ, đúng liều bệnh nhân có thể chết. Cô ý tá biết vậy, nhưng vẫn cố ý không cho bệnh nhân uống thuốc dẫn đến bệnh nhân chết. Trong trường hợp này, cô y tá có thể sẽ bị truy tố về tội “Giết người” với hành vi phạm tội thuộc dạng “không hành động” tức là không cho bệnh nhân uống thuốc đúng quy định.

Cụ thể, trong vụ án này, để xác định đúng tội danh của Tường thì không chỉ xem xét việc bị can đã tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền như thế nào, vi phạm về quy định cấp giấy phép ra sao mà cần tập trung xem xét hành vi, ý thức của bị can kể từ thời điểm anh ta nhận được điện thoại thông báo của nhân viên về tình trạng của nạn nhân, trở về TMV khi tình trạng của chị Huyền đã rất nguy kịch cho đến khi bị can xác định chị Huyền đã chết.

Nếu xem xét, và liên kết toàn bộ các yếu tố liên quan, chúng ta sẽ nhận thấy một bức tranh toàn cảnh là: Bị can đã vi phạm quy định về khám chữa bệnh, tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ trái quy định của pháp luật. Khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chính bị can là người đã đẩy nạn nhân vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng vì sợ hành vi vi phạm của mình bị phát hiện, bị can đã cố tình “không hành động” đưa nạn nhân vào Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu mặc dù, xét về khoảng cách địa lý, thời gian, cũng như trách nhiệm của người đã gây ra tình trạng nguy hiểm cho nạn nhân, bị can hoàn toàn có đủ điều kiện và nghĩa vụ phải làm điều này.

Hành vi “không hành động” của bị can đã dẫn đến hậu quả là nạn nhân chết, mặc dù bị can không mong muốn điều đó. Vậy theo quy định của pháp luật, có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự của Tường về tội giết người theo khoản 2, Điều 93 BLHS với lỗi cố ý gián tiếp, theo nguyên tắc: “Hậu quả đến đâu người phạm tội phải chịu trách nhiệm đến đó”.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được cơ quan tố tụng xem xét một cách thỏa đáng trong việc quy định tội danh đối với Tường. Vì hành động phi tang của Tường được thực hiện trong lúc “luống cuống” hay là một tính toán tinh vi, kỹ lưỡng nhằm thủ tiêu tang chứng, che giấu tội ác vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ để xác định tội danh cho đối tượng Tường trong vụ việc này. Việc xét xử đối tượng Tường đang bị tạm hoãn để điều tra lại. Và liệu rằng, cơ quan chức năng sẽ xét xử vụ việc hy hữu này như thế nào?

Những bí ẩn khó lý giải?

Cho đến tận bây giờ, vẫn còn rất nhiều bí ẩn khó lý giải trong vụ việc. Thứ nhất, qua xác minh, CQĐT đã có đủ căn cứ xác định BS Tường là người trực tiếp gây ra cái chết cho chị Huyền. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, thi thể của chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy. Thậm chí, chính bản thân BS Tường cũng bất ngờ và không thể lý giải được nguyên nhân, mặc dù gia đình nạn nhân và cơ quan chức năng đã dốc sức tìm kiếm.
Thứ hai, vào thời điểm nạn nhân bị vứt xác xuống sông, câu hỏi đặt ra là nạn nhân đã chết hay chưa. Về vấn đề này luật sư Nguyễn Hồng Bách, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho biết, lúc bị ném xuống sông, liệu đã có thể kết luận một cách khoa học rằng chị Huyền đã chết hay chưa? Tất cả chỉ theo lời khai của bảo vệ Khánh và BS Tường. Nếu có tình huống chị Huyền đã chết thì cái chết đó có phải do bác sĩ Tường gây ra hay không. Vì không tìm thấy thi thể nên chưa có kết luận giám định pháp y về nguyên nhân gây ra cái chết.

“Nếu trước đó, chị Huyền đã sử dụng hoặc ăn phải thứ gì đó, hoặc bị một chất kích thích tác động mà nguyên nhân chết không phải do việc hành nghề của Tường thì sao? Nếu chị Huyền chết do bị đau tim hoặc trong lúc xúc động, hoảng loạn quá thì sao?”, luật sư này phản bác.

Thứ ba, năm túi ny lông trong vụ TMV Cát Tường vẫn còn bí ẩn. Theo đó, để phi tang tội ác, BS Tường đã chỉ đạo nhân viên gom chăn ra, quần áo bệnh nhân có chữ bệnh viện Bạch Mai cho vào năm túi nilon màu đen thuê xe ô tô taxi chở đến chân cầu Vĩnh Tuy vứt tại đó. Bên cạnh đó, cùng trong thời gian này, Tường bảo các nhân viên tháo năm ổ cứng máy vi tính cùng đầu thu camera mang đi vứt xuống sông. Những ổ cứng, đầu thu camera này có vai trò gì trong vụ Tường phẫu thuật cho chị Huyền?

Thứ tư, trong cáo trạng cũng nêu rõ, quần áo của bệnh nhân bị Tường chỉ đạo mang đi thủ tiêu có chữ bệnh viện Bạch Mai. Vậy, Tường đã lấy quần áo đó ở đâu? Phải chăng Tường đã lấy đồ chung của bệnh viện về TMV dùng làm đồ riêng của mình hay Tường đã “mua thanh lý” lại, thậm chí chưa nói đến là “ăn trộm” số quần áo đó?

Có hay không loại thuốc tiêu hủy thi thể

Trong vụ việc này dư luận đang đặt câu hỏi là có hay không loại thuốc tiêu hủy thi thể. Bởi khi chưa tìm thấy thi thể nạn nhân, trong dư luận đã xuất hiện nghi vấn Tường đa dùng loại thuốc mà những người phu bốc mộ dùng để phân hủy thi thể nhanh chóng để phi tang xác nạn nhân?

 

Trung Hoàng