HĐXX phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và các đồng phạm: Đề nghị điều tra làm rõ trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cá nhân có liên quan

Pháp đình - Ngày đăng : 21:51, 08/05/2014

Ụ nổi 83M có phải là tàu biển không; Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cá nhân liên quan trong vụ án như thế nào… là những vấn đề mà dư luận quan tâm đã được giải quyết thấu đáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án này.

Khẳng định ụ nổi 83M là tàu biển

Tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và các đồng phạm, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) và giám định viên Bộ Tài chính đều có chung quan điểm: ụ nổi 83M không phải là tàu biển. Đại diện của hai Bộ này cho rằng, do quy định của Bộ luật Hàng hải không rõ ràng về khái niệm tàu biển và chưa có hướng dẫn chuyên ngành riêng về giám định tình trạng kỹ thuật của ụ nổi cũng như thủ tục thông quan đối với ụ nổi nên kết luận giám định chỉ đề cập đến trách nhiệm của các bị cáo thuộc cán bộ Hải quan trong việc không báo cáo cơ quan cấp trên trong trường hợp này.

Chính vì vậy, tại Cơ quan điều tra, phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo nguyên là lãnh đạo của Vinalines đều thừa nhận các sai phạm trong việc thực hiện triển khai dự án mua ụ nổi 83M. Tuy nhiên, các bị cáo và các luật sư đã căn cứ vào văn bản trả lời cũng như trình bày của đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Tài chính về quan điểm ụ nổi không phải là tàu biển để từ đó cho rằng Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang và Lê Văn Dương không cố ý làm trái trong việc đầu tư, khảo sát, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M cũng như các bị cáo thuộc nhóm cán bộ Hải quan thuộc Chi cục hải quan Vân Phong như Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng không cố ý làm trái trong việc lập thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi 83M để loại trừ trách nhiệm của các bị cáo.

Tuy nhiên, trong các tài liệu, giấy tờ có trong hồ sơ vụ án đã khẳng định ụ nổi 83M là thiết bị thuộc nhóm tàu biển và khi ký hợp đồng mua ụ nổi 83M với Công ty AP, hợp đồng đã ghi rõ là tàu và ụ nổi 83M được xếp vào nhóm phương tiện tàu biển vì hoạt động của nó phải được phép đăng kiểm. Bị cáo Lê Văn Dương thừa nhận: Theo Điều 11 Luật Hàng hải Việt Nam và các giấy tờ liên quan đến ụ nổi 83M, thì ụ nổi 83M là tàu biển, việc mua bán phải thực hiện theo quy định Nghị định 49/CP của Chính phủ. Bị cáo Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa) cũng khai nhận hồ sơ xin nhập khẩu ụ nổi 83M của Vinalines có nhiều sai phạm nhưng khi đó, Vinalines đã kéo ụ về Việt Nam nên đã tạo điều kiện cho Vinalines nhập khẩu ụ. Căn cứ vào trọng tải, kích thước, dung tích và tính chất hoạt động của ụ nổi 83M, Đức khẳng định ụ nổi 83M là phương tiện tàu biển. Bị cáo Lê Ngọc Triện cũng thừa nhận: Trong mục giới thiệu tên hàng hóa mua bán của hợp đồng ngày 15/3/2008, ụ nổi 83M còn có tên gọi là con tàu. Các điều khoản trong hợp đồng cũng thể hiện ụ nổi 83M là con tàu nên việc nhập khẩu ụ phải tuân theo các quy định chung về nhập khẩu hàng hóa và phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định của Điều 23, Nghị định 49/CP ngày 18/5/2006 của Chính phủ về điều kiện nhập khẩu tàu biển. Trong hợp đồng mua bán ụ nổi 83M cùng các chứng từ ký quỹ và chỉ dẫn thanh toán L/C tại Ngân hàng của Vinalines cũng thể hiện ụ nổi 83M là tàu biển. Khi khảo sát ụ nổi 83M, bị cáo Lê Văn Dương (nguyên là Ðăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam) đã lập biên bản kiểm tra giám định ụ nổi 83M theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam và biểu mẫu B10 về giám định tàu biển…

HĐXX phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và các đồng phạm: Đề nghị điều tra làm rõ trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cá nhân có liên quan

HĐXX kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cá nhân có liên quan

Tại Điều 11 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 quy định: Tàu biển bao gồm tàu hoặc cấu trúc nổi di động khác chuyên dùng hoạt động trên biển. Trên thực tế, hồ sơ pháp lý của ụ nổi 83M cũng được Công ty Nakhodka của Nga đăng ký là tàu biển. Khi đưa về Việt Nam, ụ nổi 83M cũng được Chi cục Hàng hải Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển Việt Nam. Kết quả xác minh tại Cục Hàng hải Việt Nam cũng xác định “Ụ nổi 83M thuộc loại phương tiện tàu biển”. Trong danh mục tiêu chuẩn Việt Nam của Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam - Bộ khoa học và Công nghệ thì quy phạm ụ nổi thuộc hệ thống quy phạm tàu biển.

Cần làm rõ trách nhiệm

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận thấy Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải có chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm đối với các phương tiện, thiết bị giao thông vận tải. Trong quá trình thực hiện dự án mua ụ nổi 83M, Vinalines đã có Văn bản 1119/QLDASCTB ngày 15/8/2007 về việc giám định trạng thái kỹ thuật ụ nổi 83M để Vinalines trình Bộ Giao thông Vận tải xin cấp phép mua ụ nổi 83M đưa vào khai thác. Tuy nhiên, Văn bản số 858/ĐKVN ngày 16/8/2007 về việc thẩm định trạng thái kỹ thuật ụ nổi 83M của Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ kết luận : “Hiện tại, nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu ở mục 4 của văn bản có khả năng thỏa mãn các quy định về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của Việt Nam”. Kết luận của Cục Đăng kiểm không rõ ràng và không đúng yêu cầu của Vinalines. Đặc biệt, Cục Đăng kiểm Việt Nam xác định ụ nổi không phải là tàu biển khi trình bày tại Tòa hoặc không đề cập đến tuổi của ụ nổi 83M khi thẩm định tình trạng kỹ thuật của ụ nổi là không đúng quy định của pháp luật dẫn đến Vinalines nhập khẩu ụ nổi 83M, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Do đó, HĐXX kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trần Quang Huy