Lật lại hồ sơ "đại án Canh Thân" chấn động Quảng Ngãi - Bình Định 34 năm trước
Pháp đình - Ngày đăng : 08:40, 30/04/2014
Người vợ chết, người chồng phải giành giật mạng sống với tử thần từng giây một, trong khi tài sản không hề mất mát bất cứ một thứ gì. Cả hai vợ chồng đều hiền lành không gây thù chuốc oán với ai... Vậy hung thủ là ai? Ám sát vợ chồng vị trưởng ngân hàng với mục đích gì?
Kỳ 1: Vụ trọng án ngay trong tâm bão
Năm tháng qua đi, tủ hồ sơ của công an tỉnh Quảng Ngãi ngày một dày thêm nhưng với các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm ở đây thì “đại án năm Canh Thân” vẫn là một phần kí ức đặc biệt, một vụ án mà họ khắc sâu đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Theo sự chỉ dẫn của các đồng chí công an Quảng Ngãi, PV đến thăm gia đình ông Lê Quý Cát (xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), nạn nhân và cũng là nhân chứng của vụ trọng án gần 34 năm về trước.
Cầu cây Gáo - hiện trường vụ án năm xưa
Án mạng kinh hoàng
Sau hơn 1/4 thế kỷ, căn cứ cách mạng Phổ Ninh năm xưa đã thay da đổi thịt, những nóc nhà ba gian mới toanh chạy dọc theo bờ ruộng thẳng tắp. Tiếp PV trong căn nhà ngói đã phủ màu rêu, ông Lê Quý Cát bồi hồi xúc động, nước mắt chảy trên khuôn mặt nhăn nheo của một cụ ông chuẩn bị bước sang tuổi 90.
Ông Cát trải lòng: “Năm 1975, nước nhà đã hoàn toàn giải phóng, tôi rời quân ngũ về nhận nhiệm vụ mới Trưởng ngân hàng (tương đương giám đốc ngân hàng bây giờ) huyện Đức Phổ. Ngày 6/11/1980 (năm Canh Thân), đúng thời điểm Quảng Ngãi bị lũ lụt lớn, nhiều nơi bị cô lập chia cắt. Mọi người đều đã đi lánh nạn chỉ còn vợ chồng tui cố bám trụ lại chờ nước rút. Lúc bấy giờ, vợ tôi (bà Đỗ Thì Lần, SN 1937) đang cùng tui kê cái tủ hồ sơ giấy tờ lên gác xép, thì bỗng một thanh niên trùm áo mưa kín mặt đột ngột chạy vào sân nhà hỏi vợ tôi có mua gạo không? Người này giới thiệu là công nhân của Công ty Nông trường 24/3 cần bán gạo. Nghe vậy, vợ chồng tui đồng ý mua ngay”.
Cuộc trò chuyện cứ đứt quãng bởi những giọt nước mắt rỉ ra từ khóe mắt chằng chịt những vết nhăn của ông lão. Người ta nói người già không còn nước mắt để khóc thế nhưng, PV không khỏi xót xa khi nhìn thấy người lính kiên trung hai lần gặp Bác, không đủ sức để ngăn lại những giọt nước mắt trào ra tự nhiên nhất vì những nỗi đau mất đi người vợ thân yêu chưa bao giờ nguôi ngoai theo năm tháng.
Rít một hơi thuốc, ông Cát chầm chậm kể tiếp câu chuyện: “Trời sẩm tối, nghe người thanh niên kia bảo do nước lụt nên xe thồ phải dừng trên đoạn cầu Cây Gáo. Tôi bảo vợ ở nhà, để tôi đi theo anh kia lên cầu đẩy xe thồ gạo. Khi vừa đến cầu, tôi không thấy xe gạo đâu hết, với kinh nghiệm tham gia hai cuộc chiến nên tui cảnh giác, liếc thấy đối tượng rút khẩu súng ngắn trong người ra. Ngay lập tức, tui liền gieo mình xuống sông, chạy trốn. Tuy nhiên, hắn như một tay sát thủ nhà nghề liền chạy theo đến thành cầu ngắm vào vùng có bọt khí sủi lên bắn liên tiếp ba phát đạn. Trong ba phát đạn đó, chỉ một phát trật còn hai phát trúng người tui. Một viên sượt qua cánh tay, còn một viên xuyên từ bàn chân lên đến tận đùi của tui”.
Ngón tay ông Cát bị cụt vì trúng đạn của hung thủ Huệ
Dù bị thương nặng, mất máu trầm trọng nhưng ông Cát vẫn cố gắng hết sức nín một hơi thật sâu, lặn chui qua cầu và bơi về hướng bắc. Rất chuyên nghiệp, tên sát thủ không hề chủ quan bỏ đi ngay mà vẫn cầm súng đi dọc cầu Cây Gáo, căng mắt xuống dòng nước xiết cố tìm xem có vết máu hoặc nếu nạn nhân chưa chết, hết hơi ngoi lên thì hạ sát cho bằng được. “Lặn hết hơi, vừa ngoi lên thì bắt gặp ánh mắt của tên sát thủ, tôi liền nhanh trí lấy một mớ bèo, đội lên đầu, cũng nhờ lúc đó trời mưa to, nước lũ đỏ ngầu nên máu chảy ra từ vết thương hòa với nước lũ tên sát nhân mới không phát hiện ra chứ ngày bình thường thì tui chết chắc. Khoảng 10 phút sau, nghĩ tôi đã chết hắn mới bỏ đi”, ông Cát nhớ lại.
Dừng lại một hồi, mọi cảm xúc dồn nén bấy lâu như lắng đọng, ông đưa tay quẹt vội dòng nước mắt vừa trào ra, nghẹn ngào: “Nghe tiếng súng nổ, vợ tôi biết có điềm chẳng lành nên chạy lên cầu Cây Gáo tìm tôi. Vừa gặp đối tượng, vợ tôi hỏi: “Mày dẫn chồng tao lên đây lấy gạo, rứa chồng tao đâu?” Vợ tôi vừa nói dứt câu, đã bị tên sát nhân lạnh lùng gí súng vào đầu bắn một phát chết tại chỗ.
Cuộc truy sát trong bệnh viện
Hung thủ nghĩ đã hạ sát được hai vợ chồng vị trưởng ngân hàng lập tức trở về nhà ông Cát, lục lọi tìm kiếm vàng, tiền. “Nhưng nhà tôi làm gì có tiền vàng như thiên hạ đồn, tôi xuống núi trở về làng chỉ có mớ huân, huy chương với giấy khen, một đồng lận lưng còn không có chứ đừng nói là tiền trăm, tiền triệu. Vợ tôi cũng quanh quẩn với ruộng vườn, thời bao cấp buôn bán khó khăn nên tiền bạc đâu có. Cũng chính vì không có tài sản gì nên tôi mới chủ quan dẫn đến cái chết của vợ”, ông Cát chua chát. Lục lọi không có, hung thủ nhanh chóng rời khỏi làng như không có chuyện gì xảy ra.
Ông Lê Thanh Dương, người đầu tiên phát hiện ra ông Cát, cho biết: “Lúc đó, tui đang dọn nhà cho thằng con trai, nghe tiếng súng nổ nhưng tui không nghĩ là có một vụ án mạng diễn ra vì dù sao lúc đó cũng là mùa lụt lớn. Trên đường đi về nhà, thấy có ai đó nằm bên mép nước nên chạy lại xem, lúc này tui nghe anh Cát thều thào: “Bọn ác ôn nó giết tui”, nói được câu đó anh Cát ngất lịm, tui tri hô cho dân làng biết, còn mình cõng anh Cát băng lũ đi cấp cứu”. Biết được ông Cát còn sống, hung thủ trà trộn theo đoàn người xuống bệnh viện Đa khoa Đức Phổ quyết hạ sát ông nhằm bịt đầu mối. Nhưng lúc đó quá đông người nên hung thủ không có cơ hội ra tay. Hung thủ chen vào đám đông những người trong làng đến thăm ông Cát để tiếp cận. “Hắn cứ nhìn vết thương, rồi nhìn trạng thái hôn mê lúc đó của ông Cát, bản thân tôi cũng thấy lạ vì sao những người đến thăm ông Cát tại bệnh viện Đức Phổ đều bàng hoàng, còn hắn cứ dửng dưng đi qua đi lại lúc đứng xa, lúc lại gần, rồi ra phía cửa sổ nhìn vào”, đại tá Trần Hoàng Triệu chỉ huy vụ trọng án năm 1980 kể.
Đến lúc những người trong làng đã về hết, hung thủ vẫn cứ lãng vãng trước cổng bệnh viện, các trinh sát lúc bấy giờ cứ nghĩ đó là người thân của ông Cát hay là người thân của một bệnh nhân nào đó đang nằm trong bệnh viện. Lúc này, đại tá Triệu huy động lực lượng túc trực bảo vệ ông Cát tuyệt đối để các bác sĩ yên tâm làm việc. Khi ông Cát tụt huyết áp, nhịp tim rối loạn, cả đội ngũ y bác sĩ và lực lượng an ninh đều lo lắng vì ông Cát là đầu mối duy nhất để có thể tìm ra thủ phạm, thì đối tượng lại xuất hiện. “Hắn tìm mọi cách để biết được tình hình sức khỏe của ông Cát, kể cả hỏi bác sĩ và y tá”, ông Triệu kể.
Khi các bác sĩ thông báo ông Cát phải được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để chạy chữa vì mất máu quá nhiều và vết thương rất phức tạp, một cuộc chuyển viện nhanh chóng được diễn ra dưới sự chỉ huy của đại tá Triệu. Không ai ngờ, hung thủ cũng đã âm thầm đi theo đoàn ngay sau đó.
Vị Trưởng ngân hàng Đức Phổ nhanh chóng được chuyển ra bệnh viện Quảng Ngãi. Lúc này, hung thủ cũng lặng lẽ lên xe đò ra Quảng Ngãi để tiếp tục tìm cơ hội truy sát. “May cho tôi là thời gian đó các đồng chí công an và đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện túc trực 24/24 nên hắn không tiếp cận được tôi. Nhiều lần tôi thấy hắn đứng ngoài cửa sổ bệnh viện nhìn vào nhưng tôi đâu có nghĩ hung thủ lại bạo gan truy sát ra đến tận nơi có đông người và lực lượng an ninh đến như thế. Sau này, khi hung thủ bị bắt, tôi mới biết”, ông Cát nhớ lại.
(Chưa hạ sát được ông Cát, kẻ sát nhân vẫn âm thầm theo dõi mọi động tĩnh tại bệnh viện chờ cơ hội để ra tay. Hung thủ đã ra tay như thế nào. Mời độc giả đón đọc số tiếp theo)
Đại án chấn động lúc bấy giờ Đại tá Trần Hoàng Triệu, nguyên Chánh thanh tra công an tỉnh Quảng Ngãi, tâm sự: “Có những trang hồ sơ khi gấp lại rồi sẽ dần rơi vào quên lãng, nhưng cũng có trang án dẫu có đốt ngàn lần vẫn mãi in dấu trong tâm khảm các điều tra viên. Có những nỗi đau sẽ nhanh chóng qua đi nhưng cũng có nỗi đau mãi hằn sâu trong trái tim những người trong cuộc. Đại án mùa lụt năm Canh Thân là một trong số ít những vụ án như thế cho dù nó đã xảy ra cách đây gần 34 năm”. |