TAND và VKSND hai cấp tỉnh Hà Nam ký kết quy chế phối hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của mỗi cơ quan

Pháp đình - Ngày đăng : 08:16, 26/04/2014

Để tăng cường sự phối hợp công tác giữa TAND và VKSND hai cấp, ngày 23/4, TAND và VKSND tỉnh Hà Nam đã ký Quy chế phối hợp giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính...

Giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của mỗi cơ quan.

Thực hiện Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội “Về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2013”; thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban cán sự Đảng TANDTC, VKSNDTC, trong thời gian qua, TAND và VKSND tỉnh Hà Nam đã thống nhất xây dựng quy chế phối hợp trong việc giải quyết án dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Quy chế quy định nguyên tắc, phương thức, nội dung phối hợp giữa TAND và VKSND hai cấp trên địa bàn tỉnh Hà Nam; quy định quan hệ giữa các đơn vị nghiệp vụ và giữa những người tiến hành tố tụng, người có trách nhiệm trong hoạt động quản lý, điều hành (Chánh án; Phó Chánh án; Viện trưởng, Phó Viện trưởng; Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký; Chánh toà chuyên trách; Trưởng phòng nghiệp vụ VKSND, cán bộ thụ lý của TAND và VKSND cấp tỉnh, cấp huyện) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

TAND và VKSND hai cấp tỉnh Hà Nam ký kết quy chế phối hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của mỗi cơ quan

Đại diện lãnh đạo TAND và VKSND tỉnh Hà Nam ký kết Quy chế phối hợp

Quy chế cũng quy định việc quan hệ phối hợp trong thụ lý đơn khởi kiện, thông báo thụ lý vụ việc; trường hợp Toà án trả lại đơn khởi kiện, Toà án ra quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ, công nhận sự thoả thuận của các đương sự; phối hợp sau khi xét xử sơ thẩm và phúc thẩm… Trong quá trình phối hợp tuân theo đúng quy định của pháp luật, sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của TAND và VKSND cấp trên, không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Về phương thức phối hợp, TAND và VKSND trao đổi ý kiến bằng văn bản hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản; tổ chức phiên họp, phiên toà để rút kinh nghiệm; tổ chức sơ kết, tổng kết; thành lập đoàn công tác liên ngành, tổ chức họp liên ngành hoặc bằng các hình thức khác.

Về phối hợp trong công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, nếu VKSND phát hiện bản án, quyết định trong vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính của Toà án có vi phạm pháp luật đến mức cần kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì lãnh đạo VKSND xem xét, quyết định việc kháng nghị. Nếu Toà án phát hiện có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà xét thấy cần thiết thì lãnh đạo Toà án trao đổi với lãnh đạo Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Đối với việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, khi VKSND hoặc TAND nhận được đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp có liên quan đến vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính của mỗi cơ quan thì có trách nhiệm trao đổi, phối hợp với nhau để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi, Thẩm phán Trần Hữu Quân, Chánh án TAND tỉnh Hà Nam cho biết: Việc ký kết quy chế phối hợp giữa TAND và VKSND hai cấp tỉnh Hà Nam đã được hai cơ quan bàn bạc, trao đổi và nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo TANDTC, VKSNDTC, Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam. Quy chế này là cơ sở pháp lý quan trọng để TAND - VKSND hai cấp của tỉnh thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp; chắc chắn chất lượng giải quyết vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này ngày càng được nâng cao, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của TAND và VKSND cũng như của địa phương.

Trần Minh Giang