TAND Tp. Đà Nẵng tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)
Pháp đình - Ngày đăng : 23:16, 15/04/2014
Phát biểu tại Hội nghị, ông Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 và Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 cho thấy, tổ chức và hoạt động của các TAND ở nước ta đang chứa đựng, bộc lộ những khiếm khuyết và bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển và đòi hỏi của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, chồng chéo nhau về nhiệm vụ, thẩm quyền. Chất lượng xét xử của các Tòa án chưa đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của các Tòa án còn thiếu thốn, bất cập, nhất là ở các Tòa án cấp huyện, với những lý do trên, việc ban hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) là hết sức cần thiết.
Quang cảnh hội nghị
Dự thảo Luật Tổ chức TAND lần này gồm 11 chương, 80 điều. Trong đó, đa số đại biểu ủng hộ việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực, bởi khi thành lập Tòa án này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ cấu tổ chức TAND cấp huyện hiện nay; không tạo ra nhu cầu quá lớn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và cũng không gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án. Bên cạnh đó, phần lớn các đại biểu kiến nghị sự cần thiết phải ban hành và phát triển “án lệ” vì khi công bố án lệ sẽ kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật; hơn nữa sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích của họ. Đồng thời, về phía Tòa án, việc tham khảo án lệ sẽ giúp Thẩm phán, Hội đồng xét xử rút kinh nghiệm, hạn chế việc kết án oan, sai, hạn chế việc “lách luật” do tiêu cực của những người tiến hành tố tụng, luật sư và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.
Về nhiệm kỳ của Thẩm phán, nhiều ý kiến đề nghị tăng thời gian lên thành 10 năm hoặc bổ nhiệm không kỳ hạn, trong khi đó theo quy định hiện hành 5 năm là quá ngắn, chưa phù hợp, khiến Thẩm phán không yên tâm công tác, gây tốn kém thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm. Đồng thời, không phân biệt nhiệm kỳ của Thẩm phán TANDTC hay nhiệm kỳ của Thẩm phán khác.
Về tuổi làm việc của Thẩm phán, nhiều đại biểu cho rằng muốn tăng, giảm hay giữ nguyên độ tuổi làm việc của Thẩm phán hiện nay, phải xem xét, nghiên cứu làm sao cho phù hợp với Bộ luật Lao động hiện hành để không phải chồng chéo, sửa đổi nhiều lần. Ngoài ra, các đại biểu còn quan tâm đến công tác đào tạo nguồn Thẩm phán, công tác Hội thẩm nhân dân, vấn đề tổ chức thi Thẩm phán hay tiếp tục ra quyết định bổ nhiệm Thẩm phán như hiện nay, về mức lương của Thẩm phán hoặc việc tổ chức xét xử của Hội đồng Thẩm phán TANDTC…