Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Việc bổ nhiệm và tuổi công tác của Thẩm phán có nhiều thay đổi
Pháp đình - Ngày đăng : 07:32, 05/04/2014
Nhiệm kỳ và tuổi làm việc của Thẩm phán cũng sẽ thay đổi theo Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Sẽ kết hợp thi tuyển với tuyển chọn Thẩm phán
Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định cơ chế kết hợp thi tuyển với tuyển chọn người để bổ nhiệm Thẩm phán, mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán (Điều 56 và Điều 57). Theo đó, người trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán quốc gia sẽ được Chánh án TANDTC bổ nhiệm làm Trợ lý Thẩm phán (người dự tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán quốc gia có thể là công chức, viên chức Tòa án hoặc đang tham gia công tác pháp luật ngoài Tòa án như: Luật sư, Luật gia hoặc những người có trình độ cử nhân Luật, đang công tác, học tập ở các cơ quan, tổ chức khác). Sau thời gian làm Trợ lý Thẩm phán, tùy thuộc vào phẩm chất đạo đức cũng như kinh nghiệm công tác dưới sự kèm cặp của các Thẩm phán, Trợ lý Thẩm phán sẽ được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán chính thức. Bên cạnh nguồn Trợ lý Thẩm phán, người đã có thời gian thực tiễn làm công tác Tòa án, chưa được bổ nhiệm làm Trợ lý Thẩm phán nhưng trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán quốc gia thì cũng được xem xét, đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán.
TANDTC cho rằng, việc kết hợp thi tuyển với tuyển chọn Thẩm phán sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, mở rộng nguồn để xem xét, đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán theo định hướng đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW, bảo đảm lựa chọn được những người thực sự có đức, có tài, có năng lực tham gia làm công tác xét xử. Bên cạnh đó, việc thi tuyển chỉ đặt ra đối với những người chưa là Thẩm phán mà không đặt ra đối với những người đã giữ chức danh Thẩm phán hiện nay nên sẽ không làm phát sinh một số lượng lớn những người phải tham gia thi tuyển để tuyển chọn Thẩm phán và không phải là một công việc quá sức đối với TANDTC, đồng thời quy định cơ chế này cũng không làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu Thẩm phán.
Chất lượng của đội ngũ Thẩm phán phụ thuộc nhiều vào chất lượng hoạt động của Hội đồng tuyển chọn và từng thành viên của Hội đồng tuyển chọn. Theo quy định của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 thì hiện nay, có Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương, 63 hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, sơ cấp và các hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án quân sự. Chất lượng hoạt động của các hội đồng có sự khác nhau, cách thức, quy trình làm việc của các hội đồng có sự khác nhau, trình độ, năng lực của thành viên các hội đồng cũng khác nhau; do đó, công tác tuyển chọn nhân sự để bổ nhiệm Thẩm phán, đặc biệt là Thẩm phán TAND các địa phương chưa bảo đảm chất lượng đồng đều, ảnh hưởng đến yêu cầu luân chuyển, điều động Thẩm phán giữa các địa phương.
Việc kết hợp thi tuyển với tuyển chọn Thẩm phán sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán (Ảnh: Kỳ Thư)
Mục đích của phương án lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán; bảo đảm các Thẩm phán được tuyển chọn, bổ nhiệm có trình độ đồng đều, đáp ứng yêu cầu luân chuyển, điều động, biệt phái Thẩm phán công tác tại các Tòa án. Điều 58 và Điều 59 của dự thảo Luật thiết kế theo hướng chỉ thành lập một Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán do Chánh án TANDTC làm Chủ tịch Hội đồng để bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các ứng viên được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, đáp ứng yêu cầu luân chuyển, điều động, biệt phái Thẩm phán giữa các địa phương, khu vực trong cả nước. Quy định theo hướng này cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp mới về việc Thẩm phán TAND do Chủ tịch nước bổ nhiệm.
Nhiệm kỳ và tuổi làm việc của Thẩm phán sẽ thay đổi
Theo quy định hiện hành thì nhiệm kỳ của Thẩm phán (5 năm) là ngắn và chưa phù hợp, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm làm việc của Thẩm phán, thậm chí có nhiều trường hợp còn có tâm lý e ngại trước những tác động của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm; nhất là khi đến gần thời điểm tiến hành bổ nhiệm lại. Đây là một trong những nguyên nhân làm nguyên tắc độc lập của Thẩm phán khi xét xử bị ảnh hưởng.
Do đó, trong dự thảo Luật quy định theo hướng kéo dài nhiệm kỳ của Thẩm phán (hoặc quy định Thẩm phán được bổ nhiệm và giữ chức danh Thẩm phán cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác; hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Thẩm phán lên 10 năm). Quy định theo hướng này sẽ tạo điều kiện cho Thẩm phán yên tâm làm nhiệm vụ, thực hiện tốt nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử, bảo đảm cho các phán quyết mà Thẩm phán đưa ra khách quan, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, quy định kéo dài nhiệm kỳ của Thẩm phán cũng sẽ tiết kiệm được những chi phí về thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm.
Thực tiễn cho thấy, tuổi làm việc của Thẩm phán cũng là một vấn đề, bởi việc đánh giá các tình tiết, chứng cứ, phân tích, giải thích quy phạm pháp luật phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm của từng Thẩm phán. Mặt khác, xét xử là việc áp dụng pháp luật để xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, nhận xét về tính đúng/sai, hợp pháp/không hợp pháp của các hành vi hoặc giá trị pháp lý của các sự kiện có liên quan trong vụ việc, trong khi đó pháp luật luôn thay đổi, được bổ sung để thích ứng với cuộc sống xã hội, nên Thẩm phán càng có thời gian công tác lâu năm càng tích lũy được nhiều vốn sống, kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn có ích cho công tác xét xử. Bởi vậy, cần có quy định về tuổi làm việc của Thẩm phán dài hơn so với quy định đối với các lao động thông thường.
Điều 64 của dự thảo Luật quy định: Thẩm phán TANDTC được làm việc đến 70 tuổi không phân biệt nam, nữ; Thẩm phán khác được làm việc đến 65 tuổi không phân biệt nam, nữ. Quy định về độ tuổi của Thẩm phán theo hướng nêu trên sẽ khắc phục được tình trạng lãng phí những Thẩm phán có trình độ, kinh nghiệm cao, vẫn còn khả năng đảm đương tốt nhiệm vụ Thẩm phán nhưng phải nghỉ hưu theo quy định áp dụng chung đối với các cán bộ, công chức Nhà nước. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian làm việc đối với Thẩm phán sẽ làm giảm nhu cầu phải đào tạo, bổ nhiệm Thẩm phán mới, khắc phục tình trạng thiếu Thẩm phán. Hơn nữa, cho dù có được đào tạo, bổ nhiệm mới thì các Thẩm phán mới cũng cần có thời gian để tích lũy được kinh nghiệm mới có thể làm tốt nhiệm vụ xét xử.
Sự vô tư, khách quan, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán là có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công tác xét xử, là điều kiện để bảo đảm các Thẩm phán thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý. Bởi vậy, bên cạnh hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử đối với công tác Tòa án, cần có cơ chế giám sát để kịp thời phát hiện những Thẩm phán thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức, không làm đúng trách nhiệm của Thẩm phán, kiến nghị xem xét miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán.
Do đó, Điều 72 và Điều 73 của dự thảo Luật quy định về Hội đồng giám sát Thẩm phán có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, tư cách đạo đức, lối sống của Thẩm phán. Quy định này sẽ góp phần bảo đảm chất lượng của đội ngũ Thẩm phán, tư cách đạo đức của các Thẩm phán, kịp thời phát hiện những Thẩm phán thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức, không làm đúng trách nhiệm của Thẩm phán để kiến nghị xem xét miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán. Quy định này sẽ phát huy hiệu quả cao hơn khi các đề xuất về kéo dài nhiệm kỳ Thẩm phán được chấp nhận. Mặt khác, việc lập Hội đồng giám sát hoạt động của Thẩm phán bên cạnh TANDTC, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý các Tòa án về tổ chức, trong đó có việc quản lý nhân sự Thẩm phán, là một trong những phương thức hạn chế những yếu tố phát sinh trong quá trình quản lý nhân sự có thể làm ảnh hưởng đến độc lập xét xử của Thẩm phán; đồng thời, đây cũng là một trong những cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài đối với hoạt động của Thẩm phán và cũng là cách thức để ràng buộc trách nhiệm của Thẩm phán trong công tác cũng như trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống của mình khi được giao thực hiện quyền tư pháp.