Giải quyết các vụ án về xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em (kỳ 2)
Pháp đình - Ngày đăng : 15:07, 02/04/2014
Xuất phát từ việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự, đòi hỏi phải được bổ sung, hoàn thiện. Trong bài viết này chúng tôi xin nêu một số ý kiến, kiến nghị của Vụ Thống kê - Tổng hợp TANDTC về vấn đề nói trên.
Vướng mắc
Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS, theo quy định tại khoản 1 Điều 12 BLHS thì “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm”. Tuy nhiên, khi xem xét các quy định của Phần Các tội phạm cụ thể quy định về xâm hại tình dục, về độ tuổi đã nêu tại Phần Chung và Phần Các tội phạm chưa thống nhất, hoặc chưa có quy định nào về điều kiện của chủ thể đặc biệt này nên tạo ra mâu thuẫn. Ví dụ: khoản 1 Điều 115 BLHS quy định “Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị phạt tù…”. Như vậy, nếu một người 17 tuổi mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu TNHS. Điều này trái với quy định tại khoản 1 Điều 12 BLHS.
Tại khoản 2 Điều 42 BLHS có đề cập đến việc công khai xin lỗi người bị hại. Tuy nhiên, thủ tục công khai việc xin lỗi như thế nào thì hiện nay chưa được giải thích cụ thể nên khó áp dụng trong thực tiễn, đặc biệt là trong thực tiễn xét xử các vụ án về xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái.
Ngoài ra, quy định của BLHS về phần Các tội phạm cụ thể còn chưa phù hợp, dẫn đến khi các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng Điều 47 BLHS sẽ gặp nhiều vướng mắc, khó khăn nhưng vẫn chưa có hướng dẫn nào để tháo gỡ. Ví dụ: theo quy định tại Điều 112 BLHS thì khung hình phạt liền kề của khoản 4 là khoản 3, khung liền kề của khoản 3 là khoản 2, khung liền kề của khoản 2 là khoản 1. Song theo quy định tại Điều 112 thì khung hình phạt quy định tại khoản 4 của điều luật, mức hình phạt khởi điểm lại thấp hơn mức hình phạt khởi điểm quy định tại khoản 3. Vì vậy, trong trường hợp bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, xứng đáng được áp dụng các quy định của Điều 47 thì việc xác định mức án trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là rất khó khăn.
Bị cáo Đỗ Rin bị TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt 6 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em
Tại các Điều 111-115 BLHS chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác từ 30% đến dưới 31%, từ trên 60% đến dưới 61%, do vậy trong trường hợp kết luận giám định tỷ lệ thương tích hoặc tổn thất về sức khỏe của các nạn nhân trong vụ án xâm hại tình dục từ 30% đến dưới 31%, hoặc từ trên 60% đến dưới 61% thì các cơ quan tiến hành tố tụng không có cơ sở pháp lý truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, kỹ thuật lập pháp tại các Điều 111,112,113 BLHS quy định nhóm hành vi phạm tội hiếp dâm, cưỡng dâm người chưa thành niên trong tội hiếp dâm, tội cưỡng dâm là chưa hợp lý. Với quy định này, thì không thể áp dụng Điều 47 để xử phạt mức thấp nhất của khung hình phạt mà phải coi đoạn 1 khoản 4, Điều 111 và đoạn 1 khoản 4, Điều 113 là cấu thành cơ bản của tội hiếp dâm và tội cưỡng dâm người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.
Đối với các tội “Hiếp dâm”, tội “Hiếp dâm trẻ em” và tội “Giao cấu với trẻ em” (Điều 111, 112 và 115 BLHS), có ý kiến cho rằng: quy định của Điều luật cũng gây tranh cãi về chủ thể thực hiện hành vi phạm tội, có quan điểm cho rằng chủ thể có thể là nữ giới, nên cần có hướng dẫn để áp dụng thống nhất.
Tội “Giao cấu với trẻ em” và tội “Dâm ô với trẻ em” theo quy định tại Điều 115, 116 BLHS mới chỉ quy định TNHS đối với người đã thành niên phạm tội. Đối với những người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội này thì không có căn cứ xử lý. Trong giai đoạn hiện nay một bộ phận không nhỏ ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi có hành vi phạm tội này. Đây là điểm hạn chế trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm này.
Trong thực tiễn xét xử tại các Tòa án, việc xác định khung hình phạt để xử lý và quyết định hình phạt đối với người phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” theo qui định tại Điều 112 BLHS vẫn còn nhiều vướng mắc bất cập, cụ thể: Đối với trường hợp hành vi phạm tội đều có đủ dấu hiệu xác định khung hình phạt từ khoản 1 đến khoản 4 Điều 112 BLHS thì việc xác định khung hình phạt nào để xử lý hành vi tội phạm này? Áp dụng Khoản 3 Điều 112 BLHS hay áp dụng khoản 4 Điều 112 BLHS. Theo qui định tại khoản 3 Điều 112 BLHS thì có khung hình phạt nặng hơn. Nhưng xét về tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội thì hành vi giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi qui định tại khoản 4 Điều 112 BLHS là cao nhất và bị xã hội lên án gay gắt hơn. Thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng thường áp dụng khoản 4 Điều 112 BLHS để xử lý…
Kiến nghị
Theo kiến nghị của Vụ Thống kê - Tổng hợp: Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xét xử các vụ án hình sự nói chung và các vụ án về xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em nói riêng, trên cơ sở các quy định của pháp luật, Tòa án các cấp tăng cường sự phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát và các cơ quan hữu quan khác để thu thập đầy đủ chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ vụ án; thường xuyên trao đổi, thống nhất nhận thức về các quy định của pháp luật cũng như những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá các tình tiết khách quan của vụ án, nhằm đảm bảo xét xử, giải quyết các vụ án về xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em đúng pháp luật.
Tập trung làm tốt hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán; thường xuyên tổ chức việc trao đổi, rút kinh nghiệm công tác xét xử, đặc biệt là kinh nghiệm xét xử, giải quyết các vụ án về xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em trong toàn hệ thống TAND.
Bên cạnh đó, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi quy định về các tội phạm xâm hại tình dục trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng sau đây: Đề nghị bổ sung thêm “Tội quấy rối tình dục” vào Chương XII - Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người nhằm xử lý, ngăn chặn các hành vi quấy rối tình dục. Đề nghị cấu trúc lại Điều 111 BLHS theo hướng giữ nguyên các khoản 1, 2, 3, 5; thiết kế khoản 4 thành điều luật độc lập dành cho tội hiếp dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Nghiên cứu việc sửa đổi Điều 111 về tội hiếp dâm theo hướng quy định thành hai tội là tội “Hiếp dâm” và tội “Hiếp dâm người chưa thành niên”. Nghiên cứu sửa đổi Điều 112 BLHS theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể để thống nhất cách áp dụng khung hình phạt tại Điều 112 BLHS; cần bổ sung cách hành văn đối với một số trường hợp ngoại lệ, như: “Đối với người phạm tội đã có đủ căn cứ định khung hình phạt tại khoản 3 Điều 112 BLHS, nhưng người bị hại chưa đủ 13 tuổi thì cũng bị xử lý theo khoản 4 Điều 112”.
Quy định về tuổi thể hiện trong Điều 115 BLHS chưa rõ ràng. Người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi vẫn phải chịu TNHS theo quy định tại khoản 3 Điều 115 (Nếu căn cứ vào Điều 12 BLHS). Nhưng cách hành văn theo quy định tại BLHS thì chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng để xử lý người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi về tội “Giao cấu với trẻ em” theo quy định tại khoản 3 Điều 115 BLHS, nên cần phải sửa đổi cách hành văn cho phù hợp.
Khoản 1 Điều 12 BLHS cũng cần được sửa đổi vì theo quy định thì “người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi loại tội phạm”. Như vậy, người ở độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu TNHS về tội “Mua dâm người chưa thành niên”, nhưng lại không phải chịu TNHS về tội “Giao cấu với trẻ em”, trong khi đối tượng bị xâm hại của tội “Giao cấu với trẻ em” ở độ tuổi thấp hơn và cần bảo vệ ở mức độ cao hơn.
Theo quy định tại Điều 105 và Điều 164 BLTTHS thì trường hợp đình chỉ vụ án do người yêu cầu khởi tố vụ án rút đơn yêu cầu bao gồm cả một số tội trong nhóm tội xâm hại tình dục (khoản 1 Điều 111 và khoản 1 Điều 113). Tuy nhiên, nhóm tội này xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của phụ nữ, trẻ em; ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và gây tác động xấu đến trật tự trị an của địa phương.
Do đó cần xem xét lại quy định này theo hướng người bị hại rút yêu cầu khởi tố chỉ nên được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo khi quyết định hình phạt, không nên là căn cứ để đình chỉ vụ án để đảm bảo mục đích răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Cơ quan có thẩm quyền cần sớm cho phép thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên trong hệ thống TAND để việc xét xử đáp ứng yêu cầu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người chưa thành niên, đặc biệt khi người chưa thành niên là người bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục.
Trung Phương (TH)