PGS. TS Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương: “Các quy định của Hiến pháp 2013 là cơ sở hiến định quan trọng đối với việc sửa đổi BLHS”
Pháp đình - Ngày đăng : 21:51, 27/03/2014
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Trần Văn Độ
PV: Hiến pháp 2013 là cơ sở hiến định cho việc sửa đổi Bộ luật Hình sự như thế nào, thưa ông?
PGS. TS Trần Văn Độ: Hiến pháp năm 2013 vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực ngày 1/1/2014. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ sở hiến định cho việc ban hành các đạo luật khác, trong đó có Bộ luật Hình sự.
Hiến pháp năm 2013 thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa các quy định hợp lý của Hiến pháp năm 1992, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước về mọi mặt. Để phù hợp với Hiến pháp mới, thể hiện tinh thần cũng như đòi hỏi của Hiến pháp, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự là cần thiết, tất yếu.
Từ góc độ của Luật Hình sự, tôi cho rằng, cần quán triệt các tinh thần sau đây của Hiến pháp năm 2013:
Tiếp tục khẳng định nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới dự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước đều phải được xử lý nghiêm minh.
Quyền con người (trong đó có các quyền quan trọng như quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được bảo vệ sức khỏe, nhân phẩm và quyền riêng tư, quyền sở hữu tài sản hợp pháp…), quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận và bảo vệ. Nhà nước chăm lo phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Mọi hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân phải được phát hiện, xử lý nghiêm minh.
Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật; tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo hộ.
Phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ đất đai, tài nguyên, môi trường là các lĩnh vực quan trọng được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận; tổ chức, cá nhân tham nhũng, lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên… phải bị xử lý và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại…
Những tư tưởng quan trọng nêu trên phải là những tư tưởng chủ đạo, cơ sở hiến định cho việc sửa đổi Bộ luật Hình sự: Kế thừa những quy định phù hợp; loại bỏ những quy định đã lạc hậu, trái với Hiến pháp; sửa đổi, bổ sung các quy định mới nhằm thể hiện đầy đủ tinh thần bản Hiến pháp mới năm 2013.
PV: Vậy, những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi Bộ luật Hình sự là gì, thưa ông?
PGS. TS Trần Văn Độ: Những quy định nêu trên của Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra các yêu cầu của việc sửa đổi Bộ luật Hình sự hiện hành với nhiều nội dung rất quan trọng.
Cụ thể, phải quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Xu thế quy định trách nhiệm hình sự của tổ chức, pháp nhân ngày càng phổ biến trên thế giới, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một nhu cầu cấp thiết, không thể trì hoãn trong Luật Hình sự Việt Nam, nhằm đáp ứng các mục đích của thực tiễn lập pháp cũng như áp dụng pháp luật như: Phòng ngừa có hiệu quả vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ngày càng phổ biến của pháp nhân; đảm bảo xử lý hiệu quả, công bằng, bình đẳng đối với thể nhân, pháp nhân trước pháp luật; đảm bảo tính hệ thống trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, việc quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân kéo theo việc sửa đổi một loạt các quy định ở Phần chung Bộ luật Hình sự như cơ sở trách nhiệm hình sự, hệ thống hình phạt…
Bên cạnh đó, việc mở rộng nguồn của Luật Hình sự cũng rất quan trọng. Cùng với Bộ luật Hình sự, có thể cho phép quy định tội phạm và hình phạt trong các luật chuyên ngành để bảo đảm xử lý kịp thời, có hiệu quả các vi phạm pháp luật chuyên ngành nghiêm trọng trong bối cảnh kinh tế thị trường chưa ổn định và sự phát triển năng động, phong phú trong các lĩnh vực xã hội ở nước ta.
Đồng thời, phải bảo vệ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ môi trường… Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật; tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo hộ. Tinh thần đó của Hiện pháp phải được thể hiện trong Bộ luật Hình sự: Tài sản hợp pháp được bảo vệ như nhau, không phân biệt tài sản Nhà nước hay tài sản của công dân từ góc độ quy định về tội phạm cũng như chế tài xử lý; xem xét lại chủ thể là người có chức vụ trong một số tội phạm, nhất là các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản hay vì động cơ vụ lợi khác, trong tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản…
PV: Có ý kiến cho rằng, cần phải loại bỏ một số tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự vì không phù hợp với thực tiễn, ông thấy vấn đề này như thế nào?
PGS. TS Trần Văn Độ: Tôi cho rằng đây là nội dung quan trọng, rất cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Hiện nay có một số loại tội phạm không còn phù hợp nữa, vì vậy cần nghiên cứu loại bỏ vì trái với bản chất kinh tế thị trường như tội đầu cơ, tội lừa dối khách hàng, tội làm hoặc buôn bán tem giả, vé giả…
Nghiên cứu loại bỏ một số tội phạm có khả năng cản trở sự phát triển lành mạnh, năng động và phong phú của nền kinh tế thị trường. Bởi pháp luật hình sự không chỉ xử lý tội phạm, người phạm tội, mà còn tạo ra hành lang pháp lý an toàn cho sự phát triển. Tội phạm phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể, chứ không thể là một cấu thành chung chung, mang tính khái quát để có thể áp dụng đối với bất kỳ hành vi nào trên thực tế. Đó là các tội phạm như tội cố ý làm trái, tội thiếu trách nhiệm… Thay vào đó là các tội phạm cụ thể; hoàn thiện cấu thành tội phạm của một số tội, nhất là tội phạm về môi trường để mang tính khả thi.
Đặc biệt, cần nghiên cứu, bổ sung một số tội phạm mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đất đai, trong lĩnh vực công nghệ cao và một số lĩnh vực khác…
PV: Vậy, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự có đặt ra vấn đề thực hiện chính sách hình sự nhân đạo vì con người, bảo vệ quyền con người, quyền công dân hay không, thưa ông?
PGS. TS Trần Văn Độ: Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại mục đích của việc xử lý, mục đích hình phạt trong Luật Hình sự nước ta: Nên nhấn mạnh mục đích trừng trị (như lâu nay vẫn quan niệm trong pháp luật và thực tiễn nước ta) hay nên đưa mục đích giáo dục con người lên trên hết bởi trừng trị chỉ là công cụ cần và đủ để giáo dục một con người mà thôi. Từ đó xem xét lại đường lối xử lý trong các chế định; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt… Mở rộng khả năng xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; xây dựng hệ thống hình phạt gồm nhiều mức độ khác nhau, tăng điều kiện lựa chọn các hình phạt không tước tự do; mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp trách nhiệm hình sự không tước tự do, miễn, giảm việc chấp hành hình phạt; tha trù trước thời hạn có thử thách, có điều kiện… Hoàn thiện chế định án tích phù hợp theo hướng, đảm bảo cho người chấp hành xong hình phạt nhanh chóng, thuận tiện tái hòa nhập cộng đồng.
Cùng với đó là việc xây dựng một hệ thống hình phạt phong phú, với nhiều mức độ cưỡng chế khác nhau. Trong đó, có bổ sung thêm các hình phạt không tước tự do; mở rộng điều kiện áp dụng hình phạt không phải tù và xem xét lại nội dung hình phạt, nhất là hình phạt tù từ góc độ bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp quy định.
PV: Chế tài hình sự đối với các tội phạm có cần phải quy định lại cho hợp lý hơn không, thưa ông?
PGS. TS Trần Văn Độ: Chế tài các tội phạm cụ thể cần được nghiên cứu xây dựng phù hợp với đường lối xử lý trên cơ sở yêu cầu của Hiến pháp và tinh thần cải cách tư pháp, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Cụ thể, giảm hình phạt tử hình. Hình phạt tử hình chỉ nên quy định đối với một số ít tội phạm đặc biệt nguy hiểm như giết người, tội phạm ma túy mà trên thực tế vẫn áp dụng. Còn các tội đặc biệt nguy hiểm khác, nhất là tội phạm về kinh tế, có thể chỉ quy định hình phạt tù chung thân hạn chế giảm án; hạn chế hình phạt tù, mở rộng các chế tài đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, không có hình phạt tù nhằm tăng cường áp dụng hình phạt không phải tù trong thực tế.
Đồng thời, tăng cường phân hóa trách nhiệm hình sự thông qua việc tách tội phạm với các chế tài khác nhau để bảo đảm nghiêm trị đối với người cố ý phạm tội nghiêm trọng, người tổ chức, cầm đầu, người tái phạm; khoan hồng đối với người vô ý phạm tội, người phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng, người bị rủ rê, lôi kéo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả…; quy định các hình phạt và căn cứ quyết định hình phạt; quy định chế tài riêng (hoặc cấu thành tội phạm riêng) đối với hành vi chuẩn bị phạm tội; khả năng quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định đối với người đồng phạm có vai trò hạn chế…
Hiến pháp năm 2013 là bản Hiến pháp của thời kỳ tiếp tục đổi mới, vì con người và hội nhập quốc tế; nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được khẳng định. Các quy định của Hiến pháp mới là cơ sở hiến định quan trọng nhằm nghiên cứu, sửa đổi toàn diện pháp luật hình sự để phán quyết của Tòa án về tội phạm và hình phạt áp dụng đối với người phạm tội đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ hiến định trên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!