Thành lập Tòa giản lược trong TAND: Góp phần nâng cao hiệu quả công tác của Tòa án
Pháp đình - Ngày đăng : 08:24, 26/03/2014
Việc thành lập Tòa giản lược trong TAND và áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết một số loại vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhằm nâng cao hiệu quả công tác của Tòa án là hết sức cần thiết.
Đây là vấn đề lớn đang được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ lưỡng để thống nhất trong nhận thức để từ đó cụ thể hóa trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và các luật tố tụng trong thời gian tới đây.
Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Tòa án cũng như xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tố tụng để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó yêu cầu xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp; xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định.
Ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp mới, trong đó quy định “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp…”. Theo quy định của Hiến pháp mới, nhiều nội dung quan trọng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND đã được sửa đổi, bổ sung. Trong đó nguyên tắc việc xét xử của TAND có Hội thẩm tham gia và nguyên tắc TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số đều quy định ngoại lệ đối với trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn (khoản 1 và khoản 4 Điều 103). Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND và các luật tố tụng cũng đã được đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là những điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, đề xuất thành lập Tòa giản lược trong hệ thống TAND và áp dụng thủ tục giản lược giải quyết một số loại vụ việc cụ thể theo tinh thần cải cách tư pháp.
Các vụ việc dân sự đơn giản có thể được áp dụng thủ tục rút gọn (Ảnh minh họa)
Thủ tục giản lược là thủ tục được hình thành trên cơ sở đơn giản hóa thủ tục thông thường nhằm giải quyết đối với những trường hợp vi phạm pháp luật, bao gồm các tội vi cảnh (tương tự như vi phạm hành chính), tội ít nghiêm trọng, chứng cứ đầy đủ, mức hình phạt thấp, bị cáo có căn cước, lai lịch rõ ràng; được áp dụng để giải quyết các vụ việc dân sự có giá trị tranh chấp không lớn, những vụ việc dân sự đơn giản. Việc áp dụng thủ tục giản lược góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án xử lý hoặc giải quyết nhanh chóng vi phạm hoặc tranh chấp phát sinh trong xã hội mà vẫn bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Việc áp dụng thủ tục giản lược sẽ giảm nhẹ đáng kể thời gian, vật chất cho hoạt động tố tụng của Tòa án; giảm nhẹ đáng kể chi phí tố tụng, thời gian, công sức của các đương sự cho việc tham gia tố tụng tại Tòa án. Việc quy định về thủ tục giản lược bên cạnh thủ tục tố tụng thông thường sẽ tạo cơ hội cho người dân lựa chọn phương thức khởi kiện, tham gia và tiếp cận các hoạt động của Tòa án. Việc xử lý hoặc giải quyết nhanh chóng các vi phạm hoặc các tranh chấp, bất đồng nảy sinh trong xã hội sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực của vụ việc đó trong xã hội, góp phần ổn định xã hội.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hiện nay trong hệ thống TAND chưa có Tòa chuyên trách hoặc những Thẩm phán chuyên trách được giao nhiệm vụ giải quyết các vụ việc theo thủ tục giản lược. Tuy nhiên, trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính đều có quy định về những thủ tục riêng theo hướng “giản lược” so với thủ tục tố tụng thông thường để giải quyết một số loại vụ việc cụ thể (thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự; thủ tục giải quyết các việc dân sự trong tố tụng dân sự; thủ tục khiếu kiện về danh sách cử tri trong tố tụng hành chính). Mặc dù trong hệ thống TAND chưa có Tòa chuyên trách hoặc những bộ phận chuyên trách giải quyết các vụ việc thẩm quyền của Tòa án theo hướng “giản lược”, nhưng trong pháp luật tố tụng và các văn bản pháp luật có liên quan đã quy định những thủ tục riêng, có nội dung “giản lược” để Tòa án áp dụng giải quyết một số loại vụ việc cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác Tòa án, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí trong quá trình tố tụng. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện thủ tục giản lược trong tố tụng.
Về vấn đề thành lập Tòa giản lược trong hệ thống TAND thì hiện nay, TAND các cấp đang triển khai thực hiện các văn kiện, nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, với mục tiêu là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN. Cải cách tư pháp cũng xác định hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao, trong đó đặt ra yêu cầu nghiên cứu việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực; xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định. Theo đó, TAND sơ thẩm khu vực có thể được thành lập ở một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh và có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Theo phương án này, tùy theo quy mô công việc và đội ngũ cán bộ có thể cân nhắc việc thành lập các phân Tòa giản lược trực thuộc TAND sơ thẩm khu vực ở một số đơn vị hành chính cấp huyện để xét xử các vụ án tiểu hình và các tranh chấp nhỏ, có giá ngạch thấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính. Trong trường hợp này, không cần thiết phải lập chi nhánh của TAND sơ thẩm khu vực ở những nơi có địa bàn xét xử rộng (trên cơ sở hợp nhất 2-3 Tòa án cấp huyện khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa) vì đã có phân Tòa giản lược thuộc TAND sơ thẩm khu vực trên địa bàn của mỗi huyện.
Việc thành lập và tổ chức các phân Tòa giản lược trực thuộc TAND sơ thẩm khu vực theo hướng này sẽ tạo điều kiện cho Tòa án giải quyết hiệu quả hơn các vụ việc thuộc thẩm quyền từ việc áp dụng thủ tục giản lược, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với hoạt động của Tòa án theo đúng tinh thần chỉ đạo đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.