Về việc xây dựng Tòa án gia đình và người chưa thành niên tại Việt Nam (kỳ 2)
Pháp đình - Ngày đăng : 09:22, 15/03/2014
Tuy nhiên, để làm được điều đó, bên cạnh việc xác định vị trí, mô hình của Tòa GĐ&NCTN trong hệ thống Tòa án như thế nào cho phù hợp, thì xác định thẩm quyền điều tra, truy tố đối với vụ án này cũng hết sức quan trọng.
Bài 2: Thẩm quyền điều tra, truy tố đối với người chưa thành niên phạm tội
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2013, trên địa bàn cả nước đã phát hiện 7.208 vụ việc, 10.603 đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên, trong đó có 10.211 đối tượng nam (chiếm 96,3%), 392 đối tượng nữ (chiếm 3,7%). Tội phạm do NCTN từ đủ 16 đến 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 71,8%; từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chiếm 22,5% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 5,7% trong tổng số các vụ phạm tội do NCTN và trẻ em thực hiện.
Thống kê cũng chỉ ra, hành vi vi phạm pháp luật hình sự của NCTN tập trung nhiều nhất vào các nhóm tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm tính mạng, sức khỏe nhân phẩm và danh dự con người, một số tội phạm an toàn trật tự công cộng. Trong năm 2013, toàn quốc xử lý hình sự 3.318 vụ (chiếm 46%), bắt giữ, xử lý 4.513 người, chiếm 42,6% đối tượng vị thành niên phạm tội. Qua phân tích số liệu nhiều năm cho thấy, NCTN gây ra hầu hết các loại tội mà bọn tội phạm hình sự đã trưởng thành gây ra, trừ tội phạm an ninh quốc gia. Số người phạm tội hàng năm có xu hướng gia tăng cả về số vụ việc, số người phạm tội và tính chất mức độ nghiêm trọng, đặc biệt tội phạm công nghệ cao, ma túy tổng hợp ở lứa tuổi vị thành niên tăng nhanh.
Xuất phát từ những đặc điểm khác biệt về thể chất và tinh thần của NCTN so với người trưởng thành mà pháp luật đã có quy định chính sách hình sự đối với NCTN phạm tội, đồng thời cũng quy định thủ tục tố tụng cần thiết đối với đối tượng này.
BLTTHS cũng đã quy định: Điều tra viên, kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành tố tụng với NCTN phạm tội phải là người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm của người chưa thành niên. Đây là quy định hết sức cần thiết, bởi những người tiến hành tố tụng có am hiểu về những vấn đề, đặc điểm riêng, tính cách của NCTN thì mới có thể đánh giá, nhận xét được một cách xác đáng về tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, động cơ mục đích phạm tội cũng như nhân thân của người phạm tội và từ đó có thể áp dụng biện pháp xử lý thích hợp.
Vấn đề áp dụng biện pháp bắt, tạm giam, tạm giữ đối với NCTN phạm tội, do những đặc điểm về tâm lý, trí tuệ, hiểu biết xã hội mà việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với NCTN phạm tội, nhất là biện pháp bắt tạm giữ, tạm giam cần phải cân nhắc, thận trọng. Mặc dù theo quy định của BLTTHS, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ mà luật quy định, nhưng cũng phải lưu ý không phải bất kỳ trường hợp phạm tội nào của NCTN phạm tội ở độ tuổi này cũng đều bị bắt, tạm giữ, tạm giam, mà chỉ trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam phải thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam.
Tỷ lệ người chưa thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng
Thượng tá Nguyễn Văn Khanh, Phó trưởng phòng Phòng 8, Cục Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: Mặc dù tình hình tội phạm phức tạp như vậy, nhưng việc điều tra, truy tố NCTN phạm tội đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, một số quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục tố tụng đối với NCTN chưa đầy đủ và rõ ràng, đồng thời lại thiếu sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền nên việc nhận thức và áp dụng trong thực tế còn một số điểm không thống nhất và vướng mắc như:
Độ tuổi bị can, bị cáo là NCTN, trong một số trường hợp do chứng cứ tài liệu (giấy khai sinh, sổ đăng ký khai sinh…) chứng minh về độ tuổi (ngày, tháng, năm sinh) của bị can, bị cáo không thống nhất nên xảy ra tình trạng mỗi cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào những tài liệu khác nhau để xác định độ tuổi của bị can, bị cáo dẫn đến quan điểm xử lý khác nhau đối với NCTN phạm tội; hay về áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên phạm tội… hoặc vấn đề đảm bảo quyền bào chữa cho bị can, bị cáo. Mặc dù pháp luật quy định, khi cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành các hoạt động tố tụng đối với NCTN thì phải đảm bảo quyền bào chữa cho các bị can, bị cáo nhưng trong thực tiễn, có một số vụ việc bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp từ chối bào chữa và được các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết khác nhau nên ảnh hưởng đến quyền bào chữa của các bị can, bị cáo…
Do vậy, theo ông Khanh, để những vướng mắc trong hoạt động điều tra, truy tố xét xử các vụ án NCTN phạm tội được tháo gỡ, cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Bộ luật TTHS năm 2003. Điển hình như theo quy định tại Điều 302 Bộ luật TTHS thì những người tiến hành tố tụng đối với NCTN phạm tội phải là người có hiểu biết về tâm lý học, khoa học cũng như hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm của NCTN. Trên thực tế, điều này chưa thực hiện được. Cụ thể là, tại Cơ quan điều tra, chưa có đội điều tra hoặc tổ điều tra chuyên trách mà lúc này giao cho người này, lúc khác lại giao cho người khác tiến hành. Chính vì chưa có bộ phận chuyên trách nên trình độ các điều tra viên, kiểm sát viên, Thẩm phán tham gia giải quyết các vụ án NCTN phạm tội cũng chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 306 Bộ luật TTHS cần sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định rõ việc tham gia tố tụng của đại diện hợp pháp của đại diện người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là NCTN là bắt buộc, còn việc tham gia của đại diện nhà trường, tổ chức chỉ trong trường hợp cần thiết. Và, giải pháp trước mắt là sớm ban hành thôn tư liên tịch về xây dựng mối quan hệ tư pháp thân thiện đối với NCTN phạm tội…
(Còn nữa)