Về việc xây dựng Tòa án gia đình và người chưa thành niên tại Việt Nam (kỳ 1)

Pháp đình - Ngày đăng : 11:55, 06/03/2014

Việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên (Tòa án GĐ&NCTN) thực sự cần thiết và chín muồi trong điều kiện ở nước ta hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, để Tòa án này hoạt động hiệu quả, khả thi, đáp ứng các mục tiêu đề ra thì việc xác định vị trí, mô hình của Tòa GĐ&NCTN trong hệ thống Tòa án nước ta là điều rất quan trọng.

Bài 1: Xác lập mô hình tổ chức và thẩm quyền xét xử trong hệ thống Tòa án nhân dân

Nên theo mô hình Tòa chuyên trách

Tại hội thảo về việc xây dựng Tòa án GĐ&NCTN ở Hải Phòng vừa qua, rất nhiều ý kiến đề cập đến việc tổ chức mô hình như thế nào cho phù hợp. Đa số ý kiến ủng hộ quan điểm thành lập Tòa án GĐ&NCTN như một Tòa chuyên trách của Tòa án các cấp, phù hợp với cơ cấu tổ chức của Tòa án hiện nay. Tuy nhiên, Tòa án hay Tòa chuyên trách ở đây phải được hiểu từ góc độ thực hiện chức năng xét xử. Tòa án GĐ&NCTN có thể là một HĐXX gồm các Thẩm phán và Hội thẩm chuyên trách về GĐ&NCTN mà không nhất thiết phải hình thành như một tổ chức mang tính hành chính; Tòa án GĐ&NCTN có thể là một Tòa chuyên trách gồm nhiều Thẩm phán chuyên gia về GĐ&NCTN và bộ máy giúp việc để thực hiện giám đốc xét xử.

Theo PGS.TS Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương, mô hình Tòa chuyên trách này vừa phù hợp với điều kiện kinh tế và truyền thống pháp lý của nước ta hiện nay; vừa phù hợp với hệ thống tổ chức Tòa án theo tinh thần CCTP, đồng thời kế thừa được truyền thống tổ chức cũng như hệ thống tố tụng tư pháp, nhất là tố tụng hình sự nước ta; phù hợp với trình độ đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là Thẩm phán. Để có đầy đủ đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là điều tra viên, kiểm sát viên, Thẩm phán, chúng ta cần lựa chọn trong số cán bộ hiện có để tổ chức các lớp đào tạo ngắn ngày hoặc bồi dưỡng, tập huấn mà không cần có một hệ thống tổ chức, cán bộ riêng biệt. Việc thành lập Tòa chuyên trách đảm bảo giải quyết tốt mọi mối quan hệ giữa Tòa án này với các Tòa chuyên trách khác…

Về việc xây dựng Tòa án gia đình và người chưa thành niên tại Việt Nam (kỳ 1)

Các bị cáo vị thành niên tại một phiên tòa (Ảnh: Kỳ Thư)

Phân định thẩm quyền xét xử

Với tư cách là một Tòa chuyên trách, vị trí Tòa án GĐ&NCTN trong hệ thống Tòa án sẽ là: Tại TAND sơ thẩm khu vực (ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện) thì không thành lập Tòa chuyên trách về GĐ&NCTN như một cơ cấu thành phần của Tòa án, mà cần phải có các Thẩm phán chuyên trách giải quyết các vụ việc về GĐ&NCTN. Đồng thời, các CQĐT, VKS cũng cần có các điều tra viên, kiểm sát viên chuyên trách về GĐ & NCTN tương ứng.

TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án theo quy định của luật tố tụng. Ngoài các Tòa chuyên trách như Tòa Hình sự, Dân sự, Lao động, Hành chính sẽ thành lập thêm Tòa án GĐ&NCTN xem xét, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm các vụ việc về GĐ&NCTN. Tòa này sẽ thành lập các Hội đồng chuyên trách để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án về GĐ&NCTN thuộc thẩm quyền. Tương tự, ở TANDTC nếu vẫn được tổ chức như hiện nay thì cần thành lập thêm Tòa án GĐ&NCTN để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án liên quan đến các đối tượng này…

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Độ, thẩm quyền của Tòa án GĐ&NCTN là vấn đề đang được tranh luận nhiều nhất trong việc nghiên cứu thành lập Tòa này ở nước ta. Việc xác định đúng đắn thẩm quyền của Tòa án GĐ&NCTN rất cần thiết, đảm bảo cho Tòa án hoạt động có hiệu quả theo đúng mục tiêu đề ra.

Xuất phát từ vị trí, vai trò của TAND được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND thì thẩm quyền của Tòa án GĐ&NCTN là xét xử các vụ án và giải quyết các vụ việc có liên quan đến GĐ&NCTN theo quy định của pháp luật. Để hoạt động này đảm bảo được tính chuyên môn hóa và tập trung vào đối tượng chịu tác động trực tiếp từ quyết định của Tòa án là trẻ em và người chưa thành niên; đồng thời gắn việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật với việc giải quyết các mối quan hệ gia đình; có điều kiện để xây dựng một môi trường thực sự riêng biệt như: Phòng xử án và cách bố trí phòng xử theo hướng thân thiện với trẻ em, người chưa thành niên; các quy định về nội quy phòng xử án; cách thức điều hành của Thẩm phán, Hộ thẩm… phù hợp với chuẩn mực quốc tế thì thẩm quyền của Tòa án GĐ&NCTN cần được xác định các thẩm quyền về hình sự, dân sự và hành chính.

Cụ thể, về hình sự, trên cơ sở căn cứ vào đối tượng trẻ em, người chưa thành niên trực tiếp bị xử lý hoặc chịu tác động trực tiếp từ quyết định của Tòa án, Tòa án GĐ&NCTN chỉ giải quyết các vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên. Trường hợp trong cùng một vụ án có bị cáo là người chưa thành niên, có bị cáo là người đã thành niên thì cần tách để xử lý người chưa thành niên tại Tòa án GĐ&NCTN, còn bị cáo đã thành niên xét xử ở tòa thông thường. Còn về dân sự, Tòa GĐ&NCTN sẽ được giao thẩm quyền giải quyết các vụ việc liên quan đến ly hôn, tranh chấp nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; tranh chấp về chia tài sản chung vợ chồng; tranh chấp về nuôi con, xác định cha mẹ cho con… Tương tự với thẩm quyền xử lý hành chính, Tòa án GĐ&NCTN sẽ xem xét quyết định biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…

Các chuyên gia pháp lý đến từ nhiều nước trên thế giới đều ủng hộ quan điểm xây dựng Tòa chuyên trách về GĐ&NCTN trên hệ thống Tòa án hiện tại. Như vậy sẽ tận dụng được cơ sở vật chất hiện có mà không phải tiêu tốn nguồn lực nhà nước. Việc xây dựng như vậy sẽ không phải tiêu tốn vào việc xây dựng trụ sở, bởi với những vụ án liên quan đến GĐ&NCTN quan trọng nhất vẫn là cách ứng xử của Thẩm phán. Kinh nghiệm từ bang Victoria thuộc nước Úc trong nhiều năm liền mô hình Tòa án này đã hoạt động rất hiệu quả với sự hỗ trợ của các cán bộ xã hội và Thẩm phán được đào tạo chuyên sâu về vấn đề gia đình và trẻ vị thành niên. Còn tại Mỹ, các cán bộ xã hội không phải là cán bộ Tòa án mà họ thuộc Bộ nhân sự do Tòa án thuê làm dịch vụ. Và, các chuyên gia này cũng đưa ra khuyến cáo, qua tổng kết, những trẻ vị thành niên phạm tội được xét xử theo mô hình Tòa án thân thiện này có tỷ lệ tái phạm thấp hơn nhiều so với việc xét xử như một người bình thường.

(còn nữa)

Mai Thoa