Tòa án gia đình và người chưa thành niên cần được quy định trong Luật Tổ chức TAND

Pháp đình - Ngày đăng : 10:41, 28/02/2014

Đó là nội dung mà nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo quốc tế về việc xây dựng Tòa án gia đình và người chưa thành niên và Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) do Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Quỹ Nhi đồng LHQ (Unicef) tổ chức ngày 27/2 tại TP Hải Phòng.

Hội thảo còn có sự tham gia của PGS.TS Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương; lãnh đạo Bộ Công an, các cơ quan liên quan và chuyên gia quốc tế, Thẩm phán Tòa gia đình một số nước trên thế giới. TS. Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội đã chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội (UBTP) cho biết, hội thảo diễn ra trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và nhân dân ta đang tích cực triển khai thi hành Hiến pháp 2013, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án năm 2002 cho phù hợp với Hiến pháp 2013 có nhiều quy định mới về vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Tòa án.

Từ nhiều năm nay, vấn đề thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam được quan tâm, nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau với nhiều kiến nghị, đề xuất. Đến thời điểm này, có nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam là một đòi hỏi khách quan, đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam và các cam kết quốc tế. Trong dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có nhiều nội dung về Tòa án gia đình và người chưa thành niên trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Vì vậy, việc tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, các chuyên gia pháp lý của Việt Nam để chúng ta rút ra được những kinh nghiệm hay; làm sáng tỏ được sự cần thiết thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Jesper Moller, Phó trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em. Đề án “Thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên” là một bước tiến quan trọng nhằm bảo đảm tiếp cận công lý của trẻ em ở Việt Nam. Và, đây cũng là cách tốt nhất để Việt Nam có thể đảm bảo rằng, trẻ em được bảo vệ hỗ trợ theo các quy định của Công ước về quyền trẻ em.

Ông cho rằng, tiến trình cải cách hệ thống Tòa án hiện nay và việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND là cơ hội vàng để thực hiện điều này. Do vậy, tên Tòa án gia đình và người chưa thành niên cần được nêu rõ trong Luật Tổ chức TAND. Cùng với đó là việc đưa các vấn đề về bảo vệ trẻ em, gia đình và người chưa thành niên vào phạm vi tài phán của một Tòa án chuyên trách. Một Tòa án được trao thẩm quyền xem xét tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của trẻ em sẽ là Tòa án có khả năng tốt nhất trong việc đảm bảo rằng “lợi ích tốt nhất” của trẻ em được quan tâm hàng đầu trong những quyết định có ảnh hưởng đến trẻ.

PGS.TS Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương cũng đã đề cập đến tầm quan trọng của việc cần phải thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên tại Việt Nam. Từ  nhiều năm nay, vấn đề thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam đã được quan tâm, nghiên cứu. Việc thành lập Tòa án này là thực sự cần thiết và chín muồi trong điều kiện hiện nay.

Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP đến năm 2020, trong đó có yêu cầu đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên xuất phát từ những đặc thù về tâm sinh lý trẻ em, người chưa thành niên đòi hỏi phải có những biện pháp xử lý và những thủ tục tố tụng riêng biệt. Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự có một chương riêng quy định thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người chưa thành niên phạm tội, nhưng nhìn chung thủ tục đó còn thiếu toàn diện hoặc còn mang tính hình thức, chưa mang hiệu quả như mong muốn.

Đặc biệt, việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam xuất phát từ tình hình vi phạm pháp luật nói chung, phạm tội nói riêng của người chưa thành niên, từ thực tế số các vụ việc về hôn nhân và gia đình mà Tòa án phải giải quyết ngày càng tăng và từ những đặc thù của quan hệ hôn nhân và gia đình. Thực tiễn cho thấy cần phải gắn việc giải quyết các quan hệ hôn nhân và gia đình với việc giải quyết các vụ việc người chưa thành niên vi phạm pháp luật, do yêu cầu về tăng cường tính giáo dục trong xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật gắn liền với các chủ thể tham gia vào quan hệ giáo dưỡng là chủ thể của quan hệ gia đình.

Việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam không chỉ thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền dân sự, chính trị, các quyền của trẻ em đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà còn thúc đẩy việc xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ các thông tin và số liệu về các vụ việc liên quan đến gia đình và người chưa thành niên, giúp các cơ quan đề ra những biện pháp thích hợp trong đấu tranh phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

PGS.TS Trần Văn Độ cũng cho hay, trong quá trình khảo sát, tham khảo các ý kiến chuyên gia, hội thảo khoa học thấy rằng đã có sự đồng thuận cao về việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên ở nước ta. Các ý kiến đều cho rằng, nên thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên như là một Tòa chuyên trách của Tòa án các cấp, phù hợp với cơ cấu tổ chức của các Tòa án hiện nay.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được chia sẻ kinh nghiệm về việc thành lập và hoạt động của Tòa gia đình và người chưa thành niên tại một số nước trên thế giới; thảo luận về việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên tại Việt Nam... Và, đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho chúng ta trong việc tổ chức thành lập hệ thống Tòa này trong thời gian tới.

Mai Thoa