Ý kiến đóng góp về Luật Tổ chức TAND sửa đổi (Bài 2)
Pháp đình - Ngày đăng : 14:56, 19/02/2014
Ở bài viết này, chúng tôi tiếp tục đề cập đến một số nội dung về cơ cấu tổ chức của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chế định về Thẩm phán, Hội thẩm…
Bài 2: Những vấn đề cần hoàn thiện trong Luật Tổ chức TAND sửa đổi đối với hoạt động của các Tòa án địa phương
Dự thảo Luật TCTA (sửa đổi) được xây dựng theo tinh thần nhất thể hóa Luật TCTA năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 và Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002; trong đó có các nội dung cơ bản đáng chú ý như: Cơ cấu tổ chức TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về các chức danh tư pháp trong hệ thống TAND…
Có thể thấy rằng, một trong các nguyên tắc quan trọng nhất về tổ chức và hoạt động của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền XHCN đó chính là “độc lập tư pháp”, đây cũng là nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp mới “Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp”. Luật TCTA năm 2002 quy định về các nội dung này còn nhiều bất cập. Theo đó, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của TAND quy định tại Điều 1, Điều 2 Luật TCTA mới chỉ được ghi nhận là cơ quan xét xử; chưa được quy định là cơ quan thực hiện quyền tư pháp với chức năng đầy đủ bao gồm xét xử và giải thích pháp luật; do đó, chưa bảo đảm được vị trí, vai trò của Tòa án trong bối cảnh cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Bên cạnh đó, do chưa được nhìn nhận một cách chính xác về chức năng, nhiệm vụ cũng như các nguyên tắc về tổ chức hoạt động tư pháp nên các Tòa án đang được tổ chức như các cơ quan hành chính Nhà nước. Do vậy, để bảo đảm Tòa án có vị trí trung tâm trong bối cảnh cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, Tòa án cần được ghi nhận là cơ quan thực hiện quyền tư pháp với chức năng đầy đủ bao gồm xét xử và giải thích pháp luật. Bảo đảm nguyên tắc độc lập của Tòa án, khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm chỉ tuân theo pháp luật: Đây là nguyên tắc nền tảng cho hoạt động tư pháp nói chung và của TAND nói riêng.
Tương tự, việc phân định thẩm quyền và nhiệm vụ của Tòa án các cấp cũng chưa phù hợp với thực tiễn mà nhiệm vụ đặt ra. Theo quy định hiện hành thì thẩm quyền xét xử của mỗi cấp Tòa án hiện đang được xác định vừa theo lãnh thổ, vừa theo tính chất các vụ việc và thủ tục giải quyết xét xử các vụ án. Theo quy định của pháp luật tố tụng thì TAND cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Các Tòa án cấp trên đều có thẩm quyền xét xử hỗn hợp hoặc vừa phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm như của TANDTC, hoặc có đầy đủ cả 3 thẩm quyền xét xử theo trình tự giải quyết một vụ án, đó là vừa xét xử sơ thẩm, vừa phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm, tái thẩm như ở Tòa án cấp tỉnh. Điều này là không thể hiện đúng, chính xác tính chất hoạt động, vai trò, vị trí của Tòa án mỗi cấp quy định trong hệ thống Tòa án.
Bên cạnh đó, việc có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm (gồm 63 Tòa án cấp tỉnh, 5 Tòa chuyên trách của TANDTC và Hội đồng Thẩm phán TANDTC) khiến cho mục tiêu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và xác định đường lối xét xử chung của chế định giám đốc thẩm, tái thẩm bị ảnh hưởng.
Theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, hệ thống Tòa án của nước ta gồm TANDTC; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các TAND sơ thẩm khu vực và các Tòa án quân sự.
Khi hệ thống Tòa án được tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp thì TANDTC sẽ không còn thẩm quyền xét xử phúc thẩm; vì vậy sẽ không còn các Tòa phúc thẩm trong cơ cấu tổ chức của TANDTC. Khi đó, TANDTC sẽ tập trung nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, giải thích pháp luật và phát triển án lệ; giám đốc việc xét xử của Tòa án các cấp, Tòa án đặc biệt và các Tòa án khác; trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật. TAND cấp cao có nhiệm vụ giám đốc việc xét xử của TAND cấp dưới theo quy định của pháp luật tố tụng; phúc thẩm các bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị kháng cáo, kháng nghị. TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND sơ thẩm khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; xét xử sơ thẩm một số loại vụ án không thuộc thẩm quyền của TAND sơ thẩm khu vực. TAND sơ thẩm khu vực thành lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh, có thẩm quyền xem xét sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng và giải quyết những việc khác theo luật định.
Về chế định Thẩm phán, hiện có sự bất cập ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xét xử của Thẩm phán, đó là quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán là 5 năm là chưa phù hợp, tạo tâm lý không yên tâm làm việc của Thẩm phán, nhiều trường hợp còn có tâm lý e ngại trước những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm; nhất là khi đến gần thời điểm tiến hành bổ nhiệm lại. Đây là một trong những nguyên nhân làm nguyên tắc “độc lập” của Thẩm phán khi xét xử bị ảnh hưởng. Hơn nữa, Thẩm phán là một chức danh chuyên môn, đòi hỏi cần phải có thời gian để tích lũy kinh nghiệm. Hay quy định Chánh án TAND địa phương, khi đã hết nhiệm kỳ Thẩm phán (có thể đang được xem xét bổ nhiệm lại hoặc phải tạm dừng một thời gian) mà vẫn còn nhiệm kỳ Chánh án thì cách giải quyết đối với trường hợp này như thế nào? Liệu có được tiếp tục điều hành Tòa án, có được tiếp tục xét xử, có được ký những văn bản về tố tụng hoặc chỉ được ký những giấy tờ hành chính? Do chưa có quy định cụ thể và còn có các vướng mắc, chồng chéo trong các quy định của pháp luật nên việc xử lý các tình huống này vẫn là những vấn đề khó khăn trong công tác tổ chức cán bộ.
Đặc biệt về việc bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp đối với TAND cấp huyện tại địa phương vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng tình. Theo các văn bản hướng dẫn hiện nay quy định, chỉ bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp đối với những trường hợp là Chánh án và Phó Chánh án đã có 10 năm giữ chức vụ này và chưa có quy định đối với các trường hợp Thẩm phán sơ cấp không giữ chức vụ quản lý nhưng đã có thời gian làm Thẩm phán hơn 10 năm (các trường hợp này hầu hết đang hưởng bậc lương cuối cùng của ngạch Thẩm phán sơ cấp và đã hưởng chế độ vượt khung nhiều lần). Thực tế, quy định này còn nhiều bất cập, chưa động viên và bảo đảm quyền lợi cho các Thẩm phán đã có nhiều cống hiến trong công tác của ngành Tòa án và quy định này đã hạn chế việc bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp so với quy định về tiêu chuẩn để bổ nhiệm Thẩm phán của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND.
Do vậy, Luật TCTA sửa đổi cần quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán một cách cụ thể, rõ ràng. Tiêu chuẩn chung là sự chính trực, có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác. Đồng thời mở rộng các quy định về bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp đối với TAND địa phương, không hạn chế về số lượng, để vừa bảo đảm quyền và lợi ích của những Thẩm phán sơ cấp có năng lực, có nhiều cống hiến cho hệ thống Tòa án và cũng thuận tiện cho việc điều động, biệt phái Thẩm phán phục vụ cho công tác xét xử của Tòa án địa phương.
Tiếp đó là việc tăng nhiệm kỳ của Thẩm phán lên 10 năm và chỉ nên có một chế độ kỷ luật, bao gồm các hình thức kỷ luật nghề nghiệp đối với Thẩm phán. Nghiên cứu loại bỏ cơ chế coi việc hủy, sửa bản án là một trong những tiêu chí để xem xét kỷ luật hoặc bổ nhiệm lại đối với Thẩm phán. Cần phải có một bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán, trong đó, quy định cụ thể các trường hợp nào sẽ bị kỷ luật với hình thức nào. Việc kỷ luật phải được thực hiện bởi một cơ quan độc lập, bao gồm có cả các đại diện của giới Thẩm phán. Chỉ quy định một Hội đồng xem xét kỷ luật Thẩm phán ở cấp Trung ương có thẩm quyền xem xét, kỷ luật Thẩm phán tất cả các cấp. Phải có quy trình và thủ tục khiếu nại công khai, minh bạch dành cho Thẩm phán đối với các quyết định kỷ luật. Thẩm phán phải có cơ hội giải trình trước cơ quan xem xét kỷ luật mình và được quyền khiếu kiện lên Tòa án cấp trên hoặc TANDTC.
Nguyễn Thành Bộ (Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa)