Chuyện người chăn ngựa ngồi ghế Chánh án của hơn 50 năm về trước

Pháp đình - Ngày đăng : 20:49, 13/02/2014

Ông là Vù Mý Kẻ, từ thân phận một mã phìa (người chăn ngựa) cho vua Mèo cực Bắc Vương Chí Sình, bằng sự giác ngộ và phấn đấu của mình, ông đã trở thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, rồi trở thành Đại biểu Quốc hội khoá II vào năm 21 tuổi.

Ông đã có công rất lớn trong việc vận động vua Mèo Vương Chí Sình về với cách mạng. 34 tuổi, không có tý kiến thức chuyên môn ngành về Tòa án, với uy tín của mình, ông đã được chọn ngồi nghế Chánh án để xét xử gần 20 tên phỉ cộm cán, cầm đầu gieo tội ác cho dân...

Con người của huyền thoại

Ông Vù Mý Kẻ, sinh năm 1929 tại Sà Phìn (Đồng Văn – Hà Giang) trong một gia đình có ba anh em. Nhà ông ngày ấy nghèo lắm! Nước chảy chỗ trũng, chưa đầy 5 tuổi bố ông mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Mất đi trụ cột chính, nhà đã nghèo lại càng nghèo hơn. Thiếu thốn từ tấm bé, lớn lên hầu như suốt ngày ông phải đi làm thuê để kiếm cơm hay đi ăn xin trong làng bản. Năm 15 tuổi, một bận đang cuốc hố đá trồng ngô cùng mẹ ông đã gặp vua Mèo Vương Chí Sình. Lúc đó ông chẳng biết vua quan là thế nào mà chỉ biết là một người giàu, có nhiều người làm thuê và bắt người ta phải chết được. Gặp vua Mèo với đám tuỳ tùng, vua Mèo dừng ngựa nhìn ông một hồi rồi bảo: “Có về làm thuê cho ta không?” Có việc làm, có cơm ăn là điều ông mong muốn nhất lúc này. Thế là ông theo vua Mèo Vương Chí Sình về và được phân công làm người chăn ngựa. Từ chăn ngựa đàn, với sự chăm chỉ và nhanh nhẹn, ông đã được cắt cử chăn và dắt con ngựa quý cho Vương Chí Sình mỗi khi ông có việc.

Chuyện người chăn ngựa ngồi ghế Chánh án của hơn 50 năm về trước

Ông Kẻ đang kể về phiên tòa của 50 năm trước.

Hai năm ăn cơm trong dinh thự của vua Mèo, ra vào có người kiểm soát nghiêm ngặt, bước vào tuổi 17 cuộc đời ông chuyển sang một bước ngoặt dữ dội khi ông gặp một cán bộ ở dưới xuôi lên (ông không còn nhớ tên người cán bộ ấy nữa) giác ngộ cách mạng. Vẫn trong công việc của một mã phìa nhưng tư tưởng ông đã thay đổi, ông đã bắt đầu chính thức tham gia công việc cho chính quyền cách mạng. Cứ âm thầm trong vai một mã phìa, làm các công việc do chính quyền cách mạng giao. Tháng 12/1945, cùng với cả nước, Uỷ ban kháng chiến ở Hà Giang trong đó có ông đã quyết định khởi nghĩa và giải phóng Hà Giang. Tuy được giải phóng, nhưng tình hình chính trị của Hà Giang lúc bấy giờ vẫn rất phức tạp. Vương Chí Sình trở thành người trung lập, đang lựa chọn cho mình một đảng phái để đi theo. Tình hình Hà Giang lúc này lại căng thẳng hơn. Chính quyền Tưởng Giới Thạch cũng muốn kéo Vương Chí Sình về để giành Hà Giang, làm bàn đạp mở rộng địa bàn tấn công chính quyền cách mạng. Pháp lúc đó tuy bị thất thế, nhưng cũng muốn nhảy vào thu phục vua Mèo với mục đích tái chiếm cao nguyên Đồng Văn...Lúc bầy giờ, tuy có sự giảm sút về vai trò nhưng Vương Chí Sình vẫn là “linh hồn” của các dân tộc thiểu số từ Đông sang Tây Bắc, đặc biệt là với người Mèo. Chỉ cần vua Mèo nói một lời với đồng bào mình, là cả một sự đổi thay sẽ xảy ra ở miền đất này.

Xác định Vương Chí Sình là mấu chốt quan trọng cho sự ổn định ở Hà Giang cũng như toàn bộ vùng Đông và Tây Bắc, chính quyền cách mạng đã quyết định bằng mọi giá phải thu phục được Vương Chí Sình. Thế nhưng, ai sẽ làm việc này? Sau một hồi lựa chọn, Vù Mý Kẻ đã được giao trọng trách trên. Gạt bỏ tất cả những nguy hiểm cho mình, vì sự nghiệp vĩ đại của cách mạng, bằng sự thân quen vốn có và tính khôn khéo của riêng mình, ông đã tiếp cận vua Mèo, phân tích những lẽ đúng sai hơn thiệt cũng như vai trò và tính tích cực của chính quyền cách mạng. Chẳng bao lâu, bằng tài thao lược và thuyết dụ của mình, Vù Mý Kẻ đã thu phục được Vương Chí Sình. Nhiệm vụ được giao thành công vào năm 1946, khi Vương Chí Sình quyết định cùng Vù Mý Kẻ xuống Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để thương thuyết. Sau lần gặp gỡ ấy, cảm phục trước con người Hồ Chí Minh cũng như chính quyền cách mạng, toàn bộ tình hình ở Hà Giang xoay chuyển hẳn. Tuyến biên giới phía bắc đã trở thành một phên dậu vững chắc cho quốc gia. Cũng trong năm này, khi “tuần lễ vàng” được phát động, ngoài việc vận động nhân dân trong tỉnh đóng góp ngân khố cho cách mạng, với tư cách cá nhân, Vù Mý Kẻ đã tới vận động Vương Chí Sình đóng góp. Sau hơn hai giờ nói chuyện, Vương Chí Sình đã quyết định đem số tài sản khổng lồ gồm 22 triệu đồng bạc trắng hoa xoè và 9kg vàng để góp quỹ. Vàng, bạc được góp, Vương Chí Sình đã tcẩn giao cho Vù Mý Kẻ nhiệm vụ áp tải số tài sản đó về Hà Nội cho chính quyền cách mạng.

Chuyện người chăn ngựa ngồi ghế Chánh án của hơn 50 năm về trước

Phiên xét xử những tên phỉ trong vụ bạo loạn Đồng Văn từ năm 1959 đến năm 1962

Từ thân phận của một mã phìa, xác định được mục đích và lý tưởng nên sớm đến với cách mạng, uy tín của Vù Mý Kẻ được nâng dần. Từ cán bộ trong Uỷ ban Kháng chiến huyện Đồng Văn ông đã được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và được bầu làm Đại biểu Quốc Hội khoá II ở tuổi 21. Ông trở thành Đại biểu trẻ nhất lúc bấy giờ và giữ cương vị này cho tới hết khoá VII.

Chánh án… bất đắc dĩ

Ông Kẻ bảo, đời ông có nhiều kỉ niệm, nhiều như đá núi ở vùng Cao nguyên đá Đồng Văn này. Nhưng ấn tượng nhất với ông ấy là khi bước vào tuổi 34, lúc này ông đã là Phó chủ tịch thường trực của tỉnh Hà Tuyên rộng lớn (gồm 2 tỉnh là Hà Giang, Tuyên Quang) bây giờ. Bất ngờ hơn, ông được phân ngồi ghế Chánh án để xử gần 20 tên phỉ cộm cán đã từng gây ra vụ biến động Hà Giang những năm 1959. Trước kỳ bầu cử HĐND năm 1959, huyện Đồng Văn đã có hội đồng dân cử, nhưng những người nắm giữ trọng trách tại đây vẫn chủ yếu là những đối tượng xuất thân từ thành phần quý tộc quý tộc lớp trên. Từ đây, đã nảy sinh lợi ích dòng tộc và dẫn đến mâu thuẫn. Lại thêm sự hậu thuẫn của tàn quân Tưởng Giới Thạch, các thành phần này đã bị kích động, gây rối dẫn đến bạo loạn, giành dân và chia đất để cát cứ.
Ngày 30/11/1959, một toán quân phỉ gồm 40 tên do Vàng Chỉn Cáo chỉ huy đã khóa chặt cổng trời Cán Tỷ, Quản Bạ, cắt đứt giao thông và liên lạc từ Hà Giang lên Đồng Văn. Cùng với đó là các hoạt động cướp bóc, đốt phá và lùng giết cán bộ của ta ở trên đây. Từ ngày 12 đến ngày 28/12/1959, Vàng Chúng Dình lại tiếp tục dẫn 200 quân đánh tiếp huyện Đồng Văn. Chỉ trong vòng 4 năm, loạn phỉ trên đây nổ ra đã làm đồng bào nhiều nơi điêu đứng, Đồng Văn dường như nằm ngoài vùng quản lý và được mệnh danh là “vương quốc của giặc phỉ”.  Trước tình hình này, Trung ương và tỉnh Hà Giang đã phải cử và Công an vũ trang, kết hợp với dân quân tự vệ để lên phương án tiễu phỉ, nhằm “giả phóng” vùng biên giới trong tay phỉ. Sau hơn một năm chiến đấu, ngày 31/1/1960 (tức mồng 1 tết) bọn thổ phỉ bị tiêu diệt gần hết. 400 tay súng sự chỉ bảo của Vàng Chúng Dình đã xé chạy, tan tác chim muông. Đến năm 1962, giặc phỉ ở đây mới chấm dứt hoàn toàn, cùng với đó là phiên tòa xét xử những tay tướng lĩnh trùm thổ phỉ đã được mở ra vào năm 1963.

Chuyện người chăn ngựa ngồi ghế Chánh án của hơn 50 năm về trước

Cổng trời Quản Bạ, nơi đánh dấu nỗi đau về phỉ một thời trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Ông Kẻ bảo, khi được phân công ngồi ghế Chánh án, ông cũng thấy đây là công việc quá lớn đối với mình. Ông đem ý kiến này đến với thường trực Tỉnh ủy, các anh ấy động viên và bảo, trên đây giờ chỉ có mỗi anh là người trẻ và uy tín nhất. Anh nói gì dân nghe đấy, nên anh cố gắng đảm nhận trọng trách này. Thấy các anh ấy nói vậy, nghĩa là tin mình và giao trọng trách cho mình, phải cố thôi. Để có đủ “kiến thức” và “nghiệp vụ” ngồi phiên tòa có một không hai, ông đã bao đêm không ngủ để mượn các sách có liên quan đến luật về đọc. Ông bảo, ngày ấy chưa có nhiều sách như bây giờ, các luật liên quan đến hình sự chủ yếu chỉ dựa vào nghị định, sắc luật, sắc lệnh và pháp lệnh được ban hành chứ chưa có luật cụ thể với những khoản, những điều như hiện nay.

Để “liêm chính, chí công, vô tư” với phiên tòa này, ngoài nghị định, sắc luật… trên ông còn phải đọc cả Luật Dân sự (mà ngày ấy còn gọi là Dân luật). So với các luật khác thì dân luật thời kỳ này đã hoàn hảo hơn, vì ngày 22/5/1950 đã được Bác Hồ ký Sắc lệnh 97/SL để “sửa đổi một số quy lệ và chế định trong Dân luật”. “Đông tây y” về các loại “luật” đọc được, ông đã có đủ kiến thức để chấp chính ghế Chánh án của phiên tòa có một không hai trong đời.

Ông bảo, Tòa xử hồi ấy cũng lắm tình tiết mà đến nay ít Chánh án nào có thể gặp. Do bối cảnh lịch sử, công tác điều tra chưa có, chưa hoàn hảo nên tuy ngồi ghế Chánh án, ông phải kiêm cả việc… điều tra, luận và tuyên tội. Khi kết tội một cá nhân phỉ cộm cán nào đó vẫn là sự tố của nhân dân tham dự, rồi luận rồi tuyên. Đến khi tuyên, vì chưa có luật, chương, điều, khoản cụ thể nên mọi hình phạt đều hỏi nhân dân tham gia. Lấy ý kiến nhân dân bằng biểu quyết trực tiếp ngay tại phiên. Ông bảo, thiếu thốn về kiến thức, thiếu thốn về điều luật như vậy, nhưng khi được nhân dân đồng tình, tội danh và mức tuyên được đưa ra thì lạ thay chả thấy ai kháng cự cả. Nhiều tên phỉ bị tuyên tử hình, trong phiên tòa đã tự nguyện nhận án và còn “phát biểu” mình chết là phải. Chết để đền tội cho nhà nước, đền tội cho nhân dân khi nghe lời kẻ xấu và gây đổ máu cho dân tộc.

50 năm qua đi, được phân ngồi ghế Chánh án trong một tình cảnh không mấy ai gặp này, nhưng theo ông Kẻ, ông không nhận được một gét bỏ và kêu oan của bất cứ cá nhân nào. Nhiều gia đình, dòng họ có thân nhân bị ông Kẻ kết án ở mức cao nhất, nay gặp lại ông vẫn coi như ông là người trong nhà. Nếu nhắc lại chuyện cũ, nhiều người còn bảo, bác Kẻ tuyên án như vậy là có lý, có tình với đồng bào Mông mình. Bác bắt họ đền tội, chả ai gét bác cả mà trái lại càng quý bác hơn. Ông nói, làm được điều ấy khi nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Phiên Tòa ông ngồi ghế Chánh án ấy là phiên tòa của nhân dân. Nhân dân đã cùng ông cùng luận và cùng tuyên tội với kẻ đã gây ác với người khác.

Tùng Lâm