Xuân về nhớ Tòa chiến khu

Pháp đình - Ngày đăng : 20:48, 13/02/2014

Tây Ninh là căn cứ địa cách mạng của xứ ủy Nam Kỳ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, là căn cứ Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ...

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 33/SL quy định thiết lập các Tòa án quân sự trên 3 miền, đánh dấu sự ra đời của ngành TAND nước ta. Trong những ngày còn non trẻ ấy, nhiều phiên tòa được xét xử công khai trên chiến khu Tây Ninh đã góp phần giúp cho nhân dân giữ vững niềm tin cách mạng, tích cực góp sức cho kháng chiến. Trong những ngày đất nước vào xuân, chúng ta cùng nhớ về những phiên tòa ở chiến khu Tây Ninh trong giai đoạn “mưa bom bão đạn” của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại…

Xét xử nghiêm minh ngay những phiên tòa đầu tiên

Sau khi Bác Hồ ký sắc lệnh 33/SL, ở Tây Ninh, chính quyền cách mạng tuy còn non trẻ nhưng chiếu theo Điều 2 của sắc lệnh, Tòa án quân sự đã được thành lập, thể hiện tính quyền lực của nhà nước. Với khí thế của cách mạng, tích cực dựa vào quần chúng, đã có nhiều phiên tòa được xét xử công khai. Từ năm 1946 đến năm 1948, ông Trần Hữu Của giữ chức Chánh án Tòa án quân sự tỉnh Tây Ninh. Với đường lối xét xử nghiêm minh, bản án của tòa án trong gian đoạn này thường được thi hành án ngay, đảm bảo chính xác, kịp thời răn đe các đối tượng thiếu trách nhiệm và phản cách mạng.

Năm 1946, thực dân Pháp tái chiếm Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Phu (tự Ba Phu) là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh sợ hãi nên tự ý rút lui bỏ cuộc. Để giữ kỷ cương, tướng Nguyễn Bình, thời điểm này là Khu trưởng khu 7 đã ra lệnh cho ông Trịnh Khánh Vàng, chi đội trưởng chi đội 11 của tỉnh bắt Ba Phu giao cho quốc gia tự vệ cuộc tỉnh (nay là Công an tỉnh) giam giữ chờ ngày đưa ra xét xử làm gương. Lợi dụng sơ hở của các cán bộ, Ba Phu nhanh chân vượt trại giam trốn thoát. Cán bộ quốc gia tự vệ cuộc tỉnh Tây Ninh lúc bấy giờ là ông Hồ Minh Đức phải chịu trách nhiệm về sự việc để Ba Phu trốn trại. Ông Trịnh Khánh Vàng đã đưa Hồ Minh Đức ra tòa xét xử để răn đe và phiên tòa đã tuyên ông Đức 10 tháng tù. Hoạt động xét xử mặc dù còn đơn sơ nhưng qua phiên tòa cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật ngay trong những ngày đầu thành lập chính quyền cách mạng.

Trong kháng chiến chống Pháp, Tây Ninh là một trong những cái nôi của cách mạng, là chỗ dựa của phân liên khu, xứ ủy để từ đây chỉ đạo cách mạng trong toàn liên khu, toàn miền. Những ngày đầu kháng chiến, chính quyền cánh mạng đã triệt phá, bắt giữ và đưa ra xét xử công khai nhiều đối tượng làm gián điệp cho giặc. Năm 1947, lực lượng ta phục kích tại chùa ông cọp (nay là chùa “Như Lai tự, phường 1, thị xã Tây Ninh) bắt sống Chief Nhàn Phòng Nhì và vợ y là do thám. Một số đối tượng ác ôn như tên Cai Tổng Hạnh, Hương Cả Tánh cũng bị truy bắt. Tòa án đã mở phiên tòa và tuyên bản án tử hình  đối với các đối tượng trên. Năm 1950, công an tiếp tục phát hiện bắt 2 gián điệp đội lốt ni cô tại chùa ông cọp, sau đó bắt tên Thanh là nữ gián điệp của Pháp từ Sài Gòn lên Tây Ninh chống phá chính quyền. Công an còn tóm gọn nữ tu Diệu Thu là gián điệp cùng 30 đối tượng khác. Tòa án đã mở phiên tòa công khai,  tuyên phạt bị cáo Thanh mức án tử hình, nhiều bị cáo khác  nhận những hình phạt nghiêm khắc.

Bước sang năm 1951, Tòa án tiếp tục mở nhiều phiên tòa xét xử các đối tượng hoạt động gián điệp. Chủ tọa phiên tòa là ông Hoàng Lê Kha (liệt sĩ, nguyên Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Tây Ninh, người làm chủ tọa xét xử nhiều phiên tòa trong giai đoạn 1950-1954). Trong đó đáng kể là vụ án các tên Thanh, Cận, Núi, Châu, Giữ là một tổ chức do thám được Pháp tổ chức xâm nhập, phá hoại vùng giải phóng. Bọn chúng đã phải ra trước tòa xét xử công khai tại xã Băng Dung, Châu Thành.  Quần chúng nhân dân tham dự rất đông đảo, ông Hoàng Lê Kha ngồi ghế chủ tọa, công tố viên là ông Lâm Kiểm Xếp, thư ký là ông Phạm Khắc Khải. Sau khi làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo, tòa đã tuyên án tử hình đối với  các tên Thanh, Núi, Cận, Châu, riêng tên Giữ bị tù giam. Tên Châu được đưa ra thi hành án ngay, các tên Thanh, Cận, Núi tử hình treo. Phiên tòa đã được đông đảo quần chúng nhân dân trong vùng giải phóng phấn khởi, đồng tình. Với đường lối xét xử nghiêm minh, các phiên tòa trong giai đoạn 1946-1954 tại Tây Ninh đã đáp ứng được yêu cầu của chính quyền cách mạng là đấu tranh, trấn áp các tội danh phản cách mạng, các đối tượng gây rối trật tự trị an ở vùng giải phóng, thiết thực góp phần hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.

Xuân về nhớ Tòa chiến khu

Căn cứ chiến khu Tây Ninh, nơi thành lập Trung ương cục Miền Nam

Những phiên tòa thức tỉnh lòng yêu nước

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, Tây Ninh đã trở thành chiến trường nóng bỏng, luôn bị địch đánh phá dữ dội. Với vị trí quan trọng, giáp biên giới Campuchia, có nhiều rừng rậm, là cửa ngõ đi vào Sài Gòn nên Trung ương Cục miền Nam và các cơ quan trực thuộc đã chọn Tây Ninh làm căn cứ để chỉ đạo cách mạng miền Nam. Được sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân và sự lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, các hoạt động xét xử của Tòa án, trừng trị bọn tội phạm phá hoại cách mạng đã rất có kết quả.

Trong giai đoạn 1954-1959, chính quyền cách mạng Tây Ninh đã xét xử nhiều vụ án gián điệp, trong đó có vụ tên Tui là thám báo của giặc hóa trang đột nhập vào vùng giải phóng để nắm thông tin. Tui đã được xét xử tại chiến khu và bị tuyên mức án tử hình. Nhiều đối tượng ác ôn trên địa bàn huyện Châu Thành cũng bị trừng trị kịp thời, góp phần đưa phong trào cách mạng lên một bước tiến mới. Trong ngày đồng khởi 25-1-1960, chính quyền đã bắt hàng trăm tù bình, tổ chức nhiều phiên tòa xét xử với sự tham dự của đông đảo quần chúng. Các phiên tòa đã tuyên truyền giáo dục đường lối khoan hồng của Đảng với những người biết ăn năn hối cải, thức tỉnh những đối tượng lầm đường lạc lối về tình yêu quê hương đất nước. Các phiên tòa cũng đã xử lý một số đối tượng bằng cách cảnh cáo, xử tử hình treo (6 tháng, 1 năm) sau đó buộc những người lầm lỡ phải làm cam kết, không tham gia chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cảm hóa, giáo dục nhiều người và họ đều tự nguyện tham gia làm cơ sở cách mạng.

Sau phong trào Đồng khởi, cách mạng miền Nam chuyển sang thế phản công, các hoạt động xét xử, trừng trị cũng mang sắc thái mới. Tại các vùng cách mạng giành được quyền kiểm soát, đêm đêm thường tổ chức mít tinh, qua sự phát hiện của quần chúng, chính quyền đã xét xử nhiều đối tượng chỉ điểm, nằm vùng bằng hình thức cảnh cáo, cho hưởng án treo hoặc tử hình treo tùy theo tội trạng. Trong đó, có 2 tên bị tử hình như Kiều Bá Hinh, Huỳnh Công Chánh đều là những đối tượng điên cuồng đàn áp nhân dân. Trong năm 1963, các phiên tòa đã cải tạo, giáo dục tại chỗ 299 thanh niên.

Một trong những sự kiện gây sự chú ý của nhân dân là phiên tòa xét xử Nguyễn Văn Đảo. Đảo nguyên là tình báo của Mỹ, bị an ninh huyện Gò Dầu bắt vào ngày 16-12-1965 sau khi đột nhập vào vùng giải phóng để chống phá cách mạng. Trước sự tham dự của đông đảo nhân dân, Đảo đã cúi đầu nhận tội. Ngoài Đảo, các lực lượng vũ trang đã bắt sống thêm 144 tên gián điệp. Chính quyền đã mở 4 phiên tòa xét xử 16 tên, trong đó tử hình 3 tên. Phiên tòa thu hút được sự tham dự của quần chúng nhất là vụ tên Tri Ân cầm đầu làm thám báo cho biệt kích. Đã có khoảng 1600 người tham dự, chứng kiến tòa tuyên tử hình một số tên cầm đầu, phạt tù giam 2 tên và cảnh cáo nhiều đối tượng khác.

Một trong những đối tượng đã “trèo cao, chui sâu” vào chính quyền cách mạng là tên Minh, y làm nội gián cho địch trong thời gian và bị ta phát hiện vào năm 1971. Phiên tòa xét xử đã tuyên án tử hình đối với Minh nhưng qua đó, vụ án đã dược đưa ra sinh hoạt học tập trong nội bộ các cơ quan để nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng. Các phiên tòa trên chiến khu vẫn tiếp diễn sôi động sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vẫn tiếp tục cài cắm tình báo vào vùng giải phóng Tân Biên để thực hiện kế hoạch “chồm lên chiếm lĩnh”. Tỉnh ủy Tây Ninh đã tổ chức cho 15.000 lượt quần chúng hoạc tập bảo mật, phòng gian, qua đó phát hiện bắt giữ nhiều đối tượng tình báo. Chính quyền cách mạng đã tổ chức nhiều phiên tòa, xét xử 77 tên tội phạm, trong đó  cải tạo tại chỗ 30 đối tượng, làm trong sạch, củng cố vững chắc vùng giải phóng. Tháng 6-1974, Tỉnh ủy Tây Ninh phân công ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư, chủ tịch chính quyền tỉnh mở 3 phiên tòa xét xử 8 đối tượng thám báo, tình báo cài cắm vào vùng giải phóng ký hiệu R63 xảy ra tại Trại Bí; R64 xảy ra tại Thạnh Tây;

R 65 xảy ra tại Đồng Pal. Tòa đã tuyên tử hình 3 tên cầm đầu, phạt tù giam 5 tên khác. Thành công sau những phiên tòa trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đã có tác dụng to lớn, kịp thời răn đe những kẻ cơ hội lợi dụng tình hình để chống phá cách mạng. Đồng thời, tạo được niềm tin cho nhân dân quyết tâm theo cách mạng tiến hành kháng chiến cho đến ngày thống nhất tổ quốc, giang sơn quy về một mối.

An Dương