Vụ án N2 Đồng Nai truy tìm thỏi vàng 1 kg
Pháp đình - Ngày đăng : 09:32, 03/02/2014
Thỏi vàng 1kg đi đâu?
Vụ án Nguyễn Hữu Giộc (nguyên là Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai) là vụ án điển hình cho tội ác của những cán bộ tha hóa, biến chất trong những năm đầu sau giải phóng thống nhất đất nước. Nguyễn Hữu Giộc (tên gọi khác Mười Vân) cùng đồng bọn đã bị đưa ra trước “vành móng ngựa” và trả giá cho những hành vi phạm tội của mình. Ngày 1/11/1984, HĐXX tuyên bản án sơ thẩm đồng thời chung thẩm số 01-HS/SCT tử hình Nguyễn Hữu Giộc và Vũ Cao Thanh, còn một số bị cáo khác bị tuyên phạt tù có thời hạn.
Một thời gian sau, nhiều đơn thư gửi tới cơ quan Trung ương và địa phương tố cáo Phạm Tấn Hưng (Sáu Cương), trước đây công tác tại Phòng Bảo vệ chính trị Công an Đồng Nai đã quan hệ với các phần tử xấu tổ chức nhiều chuyến trốn đi nước ngoài để thu tiền vàng nhưng chưa bị xử lý.
Qua xác minh xác định có căn cứ nên Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam đối với Phạm Tấn Hưng. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nội bộ ngành Công an và những kiến nghị trước đây của phiên tòa xét xử Mười Vân. Vì vậy, ngày 24/9/1987, Ban chỉ đạo vụ án N2 được thành lập do ông Trần Đệ (Ba Đệ), Giám đốc công an Đồng Nai làm Trưởng ban. Sau một thời gian xác minh, Cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố và bắt tạm giam nhiều người nguyên là cán bộ thuộc Phòng Bảo vệ chính trị Công an Đồng Nai.
Trong quá trình điều tra, trong nội bộ có nhiều quan điểm khác nhau về thẩm quyền cũng như về khả năng điều tra. Thậm chí đã có hiện tượng lộ bí mật điều tra rất nghiêm trọng. Nhiều bị can trong vụ án được cán bộ điều tra gặp gỡ, mớm cung tạo điều kiện cho kẻ phạm tội đang tạm giam thông cung với nhau nhằm che giấu, giảm nhẹ trách nhiệm của mình.
Trước tình hình đó, để đảm bảo tính khách quan, trong quá trình điều tra, ngày 25/5/1989, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã quyết định thành lập Ban chuyên án N2 do ông Đỗ Quang Minh, Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai làm Trưởng ban. Ban chuyên án này đặt dưới sự chỉ đạo chung của cấp ủy Đồng Nai và sự chỉ đạo nghiệp vụ của Viện trưởng VKSNDTC Trần Quyết.
Trong quá trình điều tra vụ án N2 này, một trong những nội dung liên quan đến vụ án là việc điều tra, xác minh làm rõ số vàng của con tàu do Mười Vân chỉ đạo Công an Vũng Tàu thu và nộp cho Mười Vân, trong đó có thỏi vàng 1kg mà dư luận cho rằng Mười Vân và những người có trách nhiệm của Công an Đồng Nai chưa nộp cho ngân hàng. Đây cũng là tình tiết thú vị nhất của vụ án này, mà một trong những nhân vật liên quan là ông Bùi Đình Kiểm, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.
Khi tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ, các Điều tra viên nhận thấy: Vào khoảng tháng 3/1978, Mười Vân lúc đó là Giám đốc Công an Đồng Nai tổ chức chuyến tàu cho người đi xuất cảnh tại Bãi Dâu (Vũng Tàu). Số vàng mà Công an Vũng Tàu (trước thuộc tỉnh Đồng Nai) thu được theo kiểm kê ngày 13/3/1978 là 500 lượng, 6 chỉ, 8 phân, 6 ly, cân nặng 18,75kg, trong đó có 1 thỏi vàng ký hiệu 411109-9999 nặng 1kg.
Ngày 21/3/1978, Công an Vũng Tàu đã giao nộp số vàng của con tàu trên cho Mười Vân. Bên giao: Ông Châu Phi Cơ, bà Đỗ Thị Duy và bà Lê Thị Sáu. Bên nhận có ông Bùi Đình Kiểm và ông Phạm Hùng Sơn. Số lượng như kê biên, trong đó có thỏi vàng ký hiệu 411109-9999 nặng 1kg. Sau đó, ông Kiểm đã trực tiếp giao số vàng này cho Mười Vân. Tháng 8/1979, Mười Vân đã nộp số vàng trên cho ngân hàng có sự chứng kiến và giám sát của ông Bùi Đình Kiểm.
Trong Bản án xét xử Mười Vân trước đây khẳng định: Riêng về khoản hơn 461kg vàng trong số vàng do Mười Vân giữ tại nhà với vợ y, thời gian hơn 6 tháng mới nộp cho ngân hàng còn bị thiếu, thì cho đến nay vẫn chưa thể làm rõ. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Mười Vân không nhận mà đổ cho ông Sáu Bùi (Bùi Đình Kiểm) và Sáu Sơn (Phạm Hùng Sơn) là hai người trực tiếp giao nộp vàng cho ngân hàng tại nhà riêng của Mười Vân. Và đây chính là mấu chốt của vụ án.
Vấn đề này cũng làm cho Ban chuyên án “đau đầu” vì trong biên bản kiểm kê đều đúng, đủ trọng lượng vàng nhưng trong quá trình điều tra, xét xử vụ án Nguyễn Hữu Giộc thì thực tế thiếu thỏi vàng mang ký hiệu 411109-9999. Tại sao ông Kiểm nhận của Công an Vũng Tàu có thỏi vàng này nhưng khi Mười Vân giao nộp cho ngân hàng không thể hiện thỏi vàng 1kg trên các giấy tờ?
Từ các tài liệu này, có ý kiến phải quy trách nhiệm cho ông Kiểm trong việc giám sát việc giao nộp mà để mất tài sản là phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Có ý kiến đề nghị cần áp dụng biện pháp mạnh là bắt giam để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặt khác, mỗi lần cán bộ điều tra trong Ban chuyên án gặp ông Kiểm để lấy lời khai là mỗi lần chứng kiến sự bất lực về trí nhớ của ông. Vì tuổi cao và lại liên quan đến vụ án này nên sức khỏe ông ngày càng sa sút. Trong quá trình điều tra, ai cũng bị gây ấn tượng bởi đôi mắt hiền từ và lời nói mộc mạc của ông Phó giám đốc Công an tỉnh đã nghỉ hưu này. Thời còn đương chức, ông sống rất được lòng mọi người và ai cũng quý mến ông vì đức tính thật thà, ngay thẳng và rất liêm khiết. Khi ông bị gọi lên để làm rõ chuyện thỏi vàng 1kg, rất nhiều người quả quyết, ai chứ ông Sáu Bùi không bao giờ có chuyện đó. Ông là lãnh đạo nhưng rất quý anh em, sẵn sàng giành cho đồng nghiệp những thuận lợi còn khó khăn nhận về mình.
Ảnh minh họa
Dòng chữ nhòe trên cuốn lịch
Trong một buổi họp Ban chuyên án, vẫn có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Bên buộc tội cho rằng, khi nộp vàng không có thỏi 1kg là trách nhiệm của ông Kiểm. Phía này cho rằng, phải bắt giam ông Kiểm là ra hết. Ý kiến ngược lại cho rằng, số vàng thu và nộp của con tàu không thiếu. Nên chưa có hậu quả xảy ra, tuy nhiên cần tiếp tục điều tra mới rõ được.
Để “hạ nhiệt” không khí căng thẳng cuộc họp, ông Trần Quyết, Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, phải kiên quyết đấu tranh làm rõ người phạm tội bất kỳ là ai cũng phải xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên phải đảm bảo đầy đủ chứng cứ. Nói đến đây, nét mặt của ông Trần Quyết chùng xuống: “Còn đối với người liên quan đến thỏi vàng 1 kg thì… Theo chỗ tôi biết, anh Kiểm là người rất tốt. Đó là người chân thành. Hồi ở ngành Công an, trong quá trình theo dõi cán bộ, tôi chưa thấy anh Kiểm điều tiếng gì. Sau khi anh nghỉ hưu, tôi có ghé thăm nhà anh ở Bà Rịa. Hai vợ chồng với hai đứa con ở trong một ngôi nhà tuềnh toàng. Tôi cũng không ngờ, với cương vị là Phó giám đốc Công an tỉnh mà khi về hưu lại khó khăn như vậy. Thấy sức khỏe của anh đã yếu lại ở trong hoàn cảnh khó khăn như thế tôi rất chạnh lòng”.
Ồng Quyết dừng lại mấy giây rồi tiếp: “Đối với thỏi vàng 1kg của vụ án này tôi cũng thấy băn khoăn. Hiện nay các bị can cũng như ông Kiểm, ông Sơn không biết nó nằm ở đâu. Trong lúc đó, theo báo cáo của Ban chuyên án thì tổng trọng lượng số vàng khi nhận và khi nộp cho ngân hàng thì không thiếu. Vậy cần xem xét có sự nhầm lẫn ở khâu nào không? Các đồng chí cân nhắc thêm, phải chăng nên về xác minh tại gia đình để xem ông Kiểm còn sổ sách, tài liệu gì nữa không?”.
Giữa tháng 5/1989, hai cán bộ trong Ban chuyên án đi xe máy về nhà ông Kiểm ở số nhà 142 đường 27/4 phường Phước Hiệp, Thị xã Bà Rịa. Sau tiếng chuông là tiếng dép lê loạc xoạc chậm chạp đi ra phía cổng. Cánh cổng mở, ông Kiểm hiện ra với nét mặt khá mệt mỏi nhưng vẫn dành cho các vị khách nụ cười đôn hậu.
Thấy khách nhìn ngôi nhà như thắc mắc, ông bảo, ngôi nhà này đã lâu lắm rồi, trước đây của ông bà nội. Khi lớn lên bố mẹ, rồi ông ở đến tận bây giờ. “Mấy lần gia đình tôi định sửa lại nhưng chưa có điều kiện”, lời nói của ông khiến hai vị cán bộ trong Ban chuyên án thấy se lòng. Một vị từng Phó giám đốc Công an phụ trách hậu cần mà khi về hưu không có tiền sửa nhà thì cũng thật khó tin. Nhưng, đúng là nhà của gia đình ông cũ kỹ thật. Suốt cuộc đời đi làm cách mạng vẫn sống cuộc đời đạm bạc. Nay thì khổ về vật chất, đau đớn về tinh thần.
Khi nghe hai cán bộ đặt vấn đề về mục đích làm việc, ông không nói gì, chỉ gật gật. Đôi mắt già nua mệt mỏi nhìn xa xăm. Ông bảo vợ mang cái hòm gỗ dưới bếp lên, vì trong đó chứa tất cả những giấy tờ của ông, rồi nói: “Hôm nay các anh về tận nhà tìm kiếm tài liệu tôi thấy các anh làm như vậy thật sâu sát. Tôi đã từng thề với ông Trần Quyết là Bùi Đình Kiểm này không bao giờ hư hỏng, dù trong kháng chiến cũng như thời bình hiện nay. Trong trường hợp không có cách nào nữa thì cứ theo pháp luật mà làm. Tôi thấy quá mệt mỏi rồi”.
Ông nói xong, nhìn ra sân lộ rõ mệt mỏi. Ông bảo, mấy năm về hưu mà chẳng yên ổn chút nào. Năm 1984, vừa về hưu thì phải giải trình về vụ án Mười Vân. Bây giờ lại đụng đến việc này. “Quỹ thời gian của tôi xem ra chẳng còn là bao mà vướng nhiều chuyện phức tạp quá”, ông lại thở dài.
Sau ngày đầu tiên tìm kiếm tài liệu không có kết quả, ngày thứ hai các bộ trong Ban chuyên án tiếp tục làm việc với ông Kiểm. Trong đó, quan trọng nhất là xem lại giấy tờ mà ông còn lưu lại, xem có gì liên quan đến số vàng Mười Vân giao nộp cho ngân hàng hay không. Quá trình tìm kiếm trong đống sổ sách của ông, vị cán bộ trong Ban chuyên án thấy một cuốn lịch tại ngày 1/8/1979 có dòng chữ viết bằng mực đã nhòe: 1 kg = 1/2. Đây chính là thời gian mà ông Kiểm cùng một số người nhập số vàng do Mười Vân cất giữ vào ngân hàng.
Khi vị cán bộ này đưa cho ông Bùi Đình Kiểm thì ông không trả lời ngay mà xem rất kỹ. Ông giở từng trang một rồi lại trở về trang lúc nãy. Ông gật đầu: Đúng là chữ tôi rồi. Nhưng tôi cũng không hiểu tại sao viết thế này. Để tôi nghĩ chút đã.
Bỗng ông bật cười ha hả, một giọng cười hả hê mà ít khi xuất hiện làm cho khuôn mặt ông tự dưng rạng rỡ lên. Một tay cầm cuốn lịch, một tay ông đánh đốp vào đùi: Thôi chết rồi các chú ơi. Bây giờ tôi mới nhớ. Ôi! Sao mà lẩm cẩm, chóng quên thế… Ông vừa cười sảng khoái vừa đứng dậy vươn vai nhưng rồi lại ngồi xuống, ông đưa tay chỉ vào dòng chữ: Lúc ông Mười Vân kêu tụi tôi đến nộp vàng cho ngân hàng, họ tiến hành cân từng mã. Đến thỏi vàng 1kg thì không cân được. Vì chiếc cân của ngân hàng lúc đó chỉ cân được mỗi mã dưới 0,5kg nên thỏi vàng ấy phải cắt ra làm đôi để cân. Vì vậy tôi mới viết 1 kg = 1/2. Rồi như không kìm nén được niềm vui, ông cười ha hả. Hai cán bộ ban chuyên án lập biên bản xong, đọc cho ông nghe. Ông gật đầu và ký vào biên bản.
Tại cuộc họp ban chuyên án, sau khi nghe báo cáo của hai cán bộ xuống nhà ông Kiểm, đủ cơ sở để khẳng định: Số vàng thu được của con tàu là 500 lượng vàng đã nộp đủ cho ngân hàng. Chuyện thỏi vàng 1 kg thế là xong.
Liên quan đến vụ án này, ngày 20/12/1988, TAND tỉnh Đồng Nai đã xử phạt Nguyễn Tấn Hưng 20 năm tù về tội: Tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN, nhận hối lộ và tổ chức cho người trốn ra nước ngoài. Nguyễn Văn Hiệp 18 năm tù về tội Nhận hối lộ và che dấu tội phạm. Một số bị cáo khác cũng nhận các bản án nghiêm khắc về tôi nhận hối lộ…
Lương tâm và trách nhiệm
Vụ án N2 Đồng Nai đã trôi qua một hơn phần tư thế kỷ nhưng vẫn còn đó bài học giá trị về công tác tố tụng. Đó là xác định sự thật của vụ án để từ đó trừng trị những “con sâu bự” tham nhũng, giải oan cho người liêm khiết. Muốn làm được điều đó đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm của những người làm công tác tố tụng, đặc biệt là trong các vụ án hình sự là điều hết sức cần thiết. Nói như Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khi về làm việc với TAND tỉnh Bến Tre mới đây, Thẩm phán là người “cầm cây nảy mực” quyết định đến sinh mệnh và tài sản của người khác thì ngoài giỏi chuyên môn nghiệp vụ cũng cần lưu ý đến vấn đề lương tâm và trách nhiệm để xác định sự thật của vụ án, đưa ra phán quyết khách quan, toàn diện, đầy đủ dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa, không làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm.
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn Theo dòng công lý của TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC).