Chuyện về chú bé giao liên của Thị ủy Châu Đốc trong kháng chiến
Pháp đình - Ngày đăng : 22:49, 31/01/2014
Với lòng yêu nước, căm thù giặc, vốn thông minh, siêng năng, chịu khó, nên mới vừa tham gia cách mạng, Hùng được Văn phòng Thị ủy Châu Đốc tin tưởng giao nhiệm vụ làm giao liên và trang bị quần áo mang phù hiệu học sinh lớp 6 trường Trung học Hòa Bình – Châu Đốc để tạo thế hợp pháp hoạt động. Suốt nhiều năm làm nhiệm vụ này, Hùng đã bao phen vượt qua gian khổ, khó khăn.
Có lần, một mình Hùng lái chiếc ghe máy về thị xã làm nhiệm vụ, khi trở về còn cách căn cứ khoảng cây số thì mày Kohler 4 bị hư, Hùng cố sửa và giựt máy, nhưng sức của Hùng không thể nào làm cho máy nổ được. Trời đã xế chiều, đường về căn cứ còn xa, không thể chằn chừ được nữa, Hùng lội xuống mé sông nắm dây lôi chiếc ghe cặp theo bờ, sóng to gió lớn, bùn sìn lầy lội, vật lộn với khó khăn ấy hơn một giờ đồng hồ, đến chạng vạng tối Hùng mới tới điểm hẹn.
Tháng 7 năm 1972, Hùng được phân công mang thư bạch của Thị ủy về nội ô và chờ vài ngày lấy thư bạch từ nội ô về căn cứ. Lãnh đạo có dặn dò kỹ lưỡng lúc này địch tăng cường kiểm tra, giám sát người qua lại các cửa khẩu thị xã về biên giới Campuchia như trạm Đồng Ky, Mương Vú… rất gắt gao, có thể gặp nhiều khó khăn hơn, vả lại trong lúc bức thư bạch có tính chất rất quan trọng, bản thân Hùng phải toan tính, mưu trí, khéo léo và dũng cảm vượt qua. Thật vậy, khi trở về căn cứ, theo các chốt chặn dọc đường bọn chiêu hồi nhìn mặt, lính áo rằn ngồi đông nghẹt có vẻ như con ruồi cũng không qua lọt. Khi chiếc tàu đò đến Long Bình không dám ghé vào Pẹc – Chậy vì ngụy quyền không cho do hai hôm trước nơi đây máy bay Mỹ bắn phá cháy rụi nhà dân một xóm khá dài. Thế là Hùng cởi áo ra, cuộn bức thư bạch được ngụy trang như gói trà trong đó, đợi lúc chiếc đò chạy chậm lại liền nhảy xuống giữa sông, một tay cầm tài liệu mật giơ lên khỏi nước, vì nếu bị ướt chữ trong thư sẽ bị mất hết, một tay bơi, chân đạp nước. Vì sông lớn, nước sâu, bao phen muốn hụt hơi tưởng chừng như chìm xuống sông Hậu, nhưng vì ý chí quyết tâm và trách nhiệm cao, nên Hùng cố gắng lội, may thay Hùng vớ được chiếc bè cá bỏ hoang ngoài sông. Hùng bình tĩnh lần bè cá và tiếp tục lội vào bờ, bảo đảm an toàn thư mật.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Học trong một buổi lễ trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán
Ngày 21/6/1973, Văn phòng Thị ủy đóng căn cứ tại phum Tê-phơ-lê, Takeo-Campuchia. Hôm ấy, Văn phòng chỉ có đồng chí Lâm Văn Đời (Tư Điền), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức thị ủy, cùng Hùng, Mạnh, Nguyễn Phương Nga, Năm Thắng ở căn cứ. Khoảng ba giờ chiều cả tiểu đoàn Khơ – me đỏ (Pôn pót) đến bao vây bắn xối xả vào địa hình thị ủy bằng các hỏa lực mạnh. Các đồng chí bám công sự, gò nổng chống trả quyết liệt. Sau một hồi thấy lực lượng giữa ta và địch chênh lệch quá lớn nên đồng chí Tư Điền ra lệnh rút lui, chẳng may, đồng chí Tư Điền trúng đạn hy sinh. Cùng lúc đó, bọn Khơ – me đỏ ngừng tấn công và rút lui, các đồng chí thoát chết trong gang tắc. Đơn vị phân công đồng chí Hùng ở lại giữ thi hài đồng chí Tư Điền để anh em đi tìm liên hệ với lực lượng võ trang thị đội ở cách đó vài cây số. Trong lúc canh giữ thi hài đồng chí Tư Điền, ban đầu Hùng cảm thấy sợ, nhưng lần hồi củng cố tinh thần vì đồng chí mình và là chú cũng như cha nên yên tâm. Đến 8 giờ tối anh em đội biệt động tới mới tiến hành chôn cất.
Ngày 8/12/1973, Hùng được chọn cùng 84 học sinh miền Nam ra Bắc để đào tạo cán bộ lâu dài. Hùng cùng đoàn vượt sông Tiền và ở lại chiến khu R (Lộc Ninh) hơn một tháng. Thời điểm này đường ra Bắc gặp khó khăn, nên đoàn được cho trở về hết, Hùng cũng về lại thị xã.
Đầu năm 1976, Hùng được chuyển về thị đội Châu Đốc theo nguyện vọng để làm y tá cho đơn vị. Năm 1977, được đơn vị cử đi học tại trường Sĩ quan lục quân 2. Tháng 9/1979, tốt nghiệp ra trường trở về đơn vị với cấp bậc thiếu úy phụ trách trợ lý chính trị thị đội kiêm phó giám đốc nông trang.
Thời điểm này, quân dân ta phối hợp với quân giải phóng Campuchia đã đánh tan quân diệt chủng Pônpôt thì riêng thị xã rất khó khăn để giải quyết về biên giới giữa hai nước nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân qua lại biên giới, tăng gia sản xuất. Thời kỳ chiến tranh biên giới Tây nam, thị xã đã có đường biên giới giáp Campuchia khoảng 14 km, được gài chông mìn dày đặc do ta và Khơ – me đỏ để lại. Vấn đề đặt ra là làm sao tháo gỡ cho hết số chông mìn cực kỳ nguy hiểm này. Hùng được phân công trực tiếp chỉ huy, là sĩ quan lục quân, nhà trường trang bị kiến thức công binh không nhiều, nhưng anh kiên quyết làm. Lúc đó, Hùng nhớ lại lời Bác dạy: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Hùng trở lại bắt tay nghiên cứu các tài liệu về kỹ thuật rà phá bom mìn, lựu đạn, chông gài và đề xuất với lãnh đạo trưng dụng số sĩ quan, binh sĩ ngụy trong lực lượng công binh đang học tập cải tạo và tập huấn cho họ, thành lập ngay một trung đội tháo gỡ. Sau ba tháng chiến đấu với tử thần, cuối cùng cũng thành công, tháo gỡ được hàng ngàn quả mìn POMZ2, K56 và hàng ngàn bàn chông sắt. Sau đợt tháo gỡ chông mìn, Hùng được cấp trên phong hàm trung úy.
Đầu năm 1982, anh Hùng được phân công Phó phòng, rồi Trưởng phòng Tư pháp thị xã. Năm 1986, anh Hùng được HĐND thị xã bầu giữ chức vụ Chánh án TAND thị xã. Trong thời gian này, Hùng rất quan tâm chọn cán bộ để đào tạo đội ngũ kế thừa. Đến nay, nhiều đồng chí đã trưởng thành như đồng chí La Hồng, Phó Chánh án TAND tỉnh An Giang, đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Chánh án TAND TP Châu Đốc, đồng chí Nguyễn Quang Chân, Chánh án TAND huyện An Phú, đồng chí Huỳnh Thanh Tâm, Chánh án huyện Tri Tôn, đồng chí Nguyễn Thuận Lợi, Phó Chánh án TAND thị xã Tân Châu…
Ngày 26/11/1999, anh Hùng được Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Thẩm phán, Phó Chánh án TAND tỉnh An Giang và tiếp tục giữ chức vụ này cho đến ngày hôm nay.
Chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm. Đối với anh Hùng, lúc đó tuổi còn nhỏ so với cuộc chiến tranh quá tàn khốc, nhưng anh đã cùng mọi người vượt qua tất cả, cho đến hôm nay, dù giữ cương vị công tác nào, anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.