Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi): Nên quy định về việc từ hôn, đòi lại lễ vật

Pháp đình - Ngày đăng : 04:32, 08/12/2013

Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi đang tiếp tục được hoàn thiện sau khi Quốc hội cho ý kiến, tuy nhiên một nội dung khá quan trọng là việc từ hôn, đòi lại lễ vật do từ hôn đã không được đề cập đến.

Vấn đề từ hôn, đòi lại lễ vật đã được quy định ở Điều 135 Bộ luật Hồng Đức và ở Điều 94 Bộ luật Gia Long. Theo quy định của hai bộ luật này thì nếu đã có sự đính hôn (nhà gái đã nhận sính lễ của nhà trai như: tiền, lụa, vàng bạc, lợn, rượu) mà nhà gái từ hôn thì chủ hôn nhà gái phải bị phạt trượng và phải bồi thường gấp đôi đồ sính lễ cho nhà trai; nếu nhà trai từ hôn thì chủ hôn nhà trai bị phạt trượng và không được đòi lại đồ sính lễ.

 

Dưới thời thuộc Pháp, Bộ dân luật Bắc kỳ và Bộ dân luật Trung kỳ đều quy định vấn đề từ hôn ở Điều 71. Theo đó: Nếu đã có sự đính hôn, nhà gái từ hôn mà không có lý do chính đáng thì phải hoàn trả sính lễ hoặc giá trị của sính lễ đó, và có thể còn phải bồi thường tổn hại cho nhà trai; ngược lại, nhà trai từ hôn mà không có lý do chính đáng thì không được đòi lại đồ sính lễ và có thể còn phải bồi thường tổn hại cho bên nhà gái.

 

Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi): Nên quy định về việc từ hôn, đòi lại lễ vật

Ảnh chỉ có tính chất minh họa

 

Trường hợp người con trai hoặc người con gái chết mà phải bãi hôn thì không phải hoàn trả hay bồi thường gì cả.

 

Pháp luật của chính quyền Việt Nam cộng hòa cũng đã kế thừa các quy định nêu trên về từ hôn và đòi lại sính lễ. Cụ thể: Luật gia đình năm 1959 quy định tại Điều 4; Luật về giá thú tử hệ, và tài sản cộng đồng quy định tại Điều 5 và Điều 6; Bộ dân luật 1972 quy định tại Điều 101. Theo đó: mỗi bên đều có quyền từ hôn nếu có lý do chính đáng, bên bị bãi hôn có quyền đòi lại lễ vật hoặc tiền bồi thường nếu bên kia có lỗi. Và ngay cả trường hợp bãi hôn do một bên chết thì lễ vật vẫn có thể phải trả lại, trừ vật “tiêu thụ” (quy định này đã bị ông Vũ Văn Mẫu chỉ trích là quá đáng, không phù hợp với tình cảm của người Việt Nam).

 

Pháp luật của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều không thừa nhận vấn đề từ hôn và đòi lại lễ vật.

 

Sắc lệnh số 97-SL ngày 22/5/1950 đã xóa bỏ các quy định về hôn nhân và gia đình được quy định ở các Bộ dân luật trước đó (Điều 14 Sắc lệnh).

 

Sau ngày 30/4/1975, hệ thống pháp luật của Việt Nam cộng hòa bị xóa bỏ.

 

Như vậy, sau khoảng thời gian tồn tại trên dưới 500 năm (tính từ khi Bộ luật Hồng Đức được ban hành), quy định về việc từ hôn, đòi lại lễ vật đã không còn tồn tại về mặt pháp luật. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn đời sống xã hội thì khó đánh giá về sự tồn tại của quy định này. Sau năm 1975, vẫn xảy ra những vụ kiện đòi lại lễ vật khi từ hôn, lời tổng kết Hội nghị tổng kết công tác năm 1979 của ngành TAND đã hướng dẫn giải quyết “Việc đòi lại sính lễ khi từ hôn” như sau:

 

“Trước mắt ở miền Nam vẫn còn hiện tượng nhà trai đưa lễ vật sang nhà gái khi đính hôn, trong đó thường có nữ trang bằng vàng và những thứ lễ vật để ăn uống. Nếu hôn nhân không thành do một bên từ hôn, bên nhà trai kiện đòi lễ vật đó, thì nên giải quyết như thế nào?

Trước hết, biện pháp giải quyết loại việc này là giáo dục, hòa giải, chỉ rõ việc làm không phù hợp với pháp luật của hai bên, trên cơ sở đó, để họ thương lượng tự giải quyết với nhau, giữ gìn tình đoàn kết trong nhân dân.

 

Nếu đã kiên trì giải thích, hòa giải mà vẫn không giải quyết được, thì có thể xử lý như sau:

 

Tất cả lễ vật dùng để ăn uống như nếp, rượu, thịt… đều không xét đến, nếu nguyên đơn cố tình đòi lại, thì xử bác yêu cầu của họ.

 

Các nữ trang bằng vàng, tiền mặt thì cần đi sâu, xem xét cụ thể nguyên nhân dẫn đến việc từ hôn và hoàn cảnh của đôi bên, nhất là bên nữ để giải quyết cho hợp tình, hợp lý, bác đơn đòi sính lễ hoặc xử bên nhà gái phải trả lại một phần hay toàn bộ”.

 

Sau hướng dẫn này, không có một hướng dẫn nào khác về giải quyết việc đòi sính lễ khi từ hôn, mà chỉ hướng dẫn giải quyết tranh chấp nữ trang bằng vàng khi ly hôn.

 

Hiện nay, chưa có một nghiên cứu, khảo sát nào về thực trạng từ hôn, đòi lại lễ vật. Tuy nhiên, thực tế vẫn đang xảy ra, và khi có đơn kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, Tòa án đã rất lúng túng khi giải quyết loại vụ kiện này.

 

Từ những trình bày ở trên, cho thấy, không nên để việc giải quyết tranh chấp đòi lại lễ vật khi từ hôn được giải quyết theo “tập quán về hôn nhân gia đình”.

 

Nên bổ sung một quy định: Mỗi bên đều có quyền từ hôn nếu có lý do chính đáng, bên có lỗi dẫn đến hủy bỏ hôn lễ phải bồi thường cho bên kia và phải hoàn trả lại lễ vật (nếu có). 

 

Ngô Cường