Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi: Kỳ 5: Đề cao nguyên tắc thương lượng và tiến hành thủ tục phá sản
Pháp đình - Ngày đăng : 15:20, 15/11/2013
Tuy nhiên, để bảo đảm quyền và lợi ích của các tổ chức, HTX, DN cũng như các cá nhân có liên quan, Dự thảo Luật PS sửa đổi đã quy định nhiều vấn đề cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ...
Xác định rõ quyền và nghĩa vụ
Rõ nhất là tại Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản (bao gồm người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, DN, HTX bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và chủ nợ, người mắc nợ khác). Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định quyền, nghĩa vụ đặc thù của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và quyền, nghĩa vụ của DN, HTX bị yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản cũng được quy định rất rõ. Theo quy định tại Điều 12 Luật PS 2004 thì: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản theo quy định của Luật PS 2004 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân”. Như vậy, Luật PS 2004 không quy định cụ thể trong trường hợp nào thì phải có Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia và mức độ tham gia của từng vụ việc cụ thể đó. Đồng thời, ở thời điểm đó, Bộ luật Tố tụng dân sự cũng hạn chế việc kiểm sát tuân theo pháp luật trong các vụ việc về dân sự, kinh doanh, thương mại. Về vấn đề này, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 tăng cường việc kiểm sát tuân theo pháp luật và đến nay theo chủ trương của Đảng, trước mắt giữ nguyên chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Do đó, bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án, Dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể về việc Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại Điều 18, đồng thời quy định bổ sung “Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Toà án trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu” (khoản 1 Điều 39 Dự thảo Luật), và Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản của Tòa án (khoản 1 Điều 45, Điều 109 Dự thảo Luật) và tham gia phiên họp xét đơn đề nghị, kiến nghị của Toà án cấp trên trực tiếp và kiểm sát hoạt động thi hành quyết định tuyên bố phá sản theo Luật Thi hành án dân sự.
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về việc xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Cụ thể, sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Thẩm phán được phân công tiến hành nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo thủ tục quy định; Toà án nhận hoặc thụ lý đơn phải chuyển việc giải quyết phá sản cho Toà án có thẩm quyền nếu thấy việc giải quyết phá sản không thuộc thẩm quyền của mình; hoặc trả lại đơn và yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản...
Tăng cường đối thoại, thương lượng
Trong những năm qua, thực tiễn giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án cho thấy, ngay sau khi nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán thường giải thích quyền và nghĩa vụ của các bên và để các bên tự tiến hành thương lượng. Trong nhiều trường hợp, các bên thương lượng được với nhau và người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên để có căn cứ pháp lý cho thủ tục thương lượng, TANDTC đã bổ sung quy định về phương thức thương lượng trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN, HTX trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là chủ nợ. Cơ chế thương lượng là biện pháp hữu hiệu để giúp các bên giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN, HTX và việc thương lượng thành có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, xã hội. Tại thời điểm trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, DN, HTX bị lâm vào tình trạng phá sản có quyền thương lượng với người yêu cầu mở thủ tục phá sản, không phải với tất cả các chủ nợ. Trong trường hợp các bên không thống nhất đề nghị Tòa án tạo điều kiện để các bên thương lượng về việc giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết theo quy định. Trong trường hợp thương lượng thành, bên yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trường hợp họ không thỏa thuận được thì Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Theo khoản 1 Điều 47 Luật PS 2004 thì, kể từ thời điểm Toà án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết phá sản, tất cả các bản án mà theo đó doanh nghiệp mắc nợ có nghĩa vụ thi hành đều bị tạm đình chỉ. Quy định như trên, về cơ bản là đúng nhưng còn cứng nhắc, không hợp lý trong một số trường hợp, không phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam cũng như thông lệ của pháp luật nhiều nước trên thế giới. Xuất phát từ địa vị pháp lý, khả năng kinh tế cũng như nhu cầu phải có sự ứng xử một cách đặc thù đối với một số chủ nợ nên Luật PS của nhiều nước đều có quy định, theo đó, đối với một số bản án, nhất là các bản án mà người được thi hành là các cá nhân bị doanh nghiệp mắc nợ gây thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng, danh dự hoặc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, trả công cho người lao động đều được thi hành mà không bị tạm đình chỉ. Từ những lý do nêu trên, Dự thảo Luật này đã bổ sung quy định như sau: "Kể từ ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, việc giải quyết các yêu cầu sau đây đòi DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản thực hiện nghĩa vụ về tài sản phải tạm đình chỉ thi hành án dân sự về tài sản mà DN, HTX là người phải thi hành án, trừ các bản án, quyết định buộc DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, trả công cho người lao động"...
Về xử lý các khoản nợ có bảo đảm và thứ tự phân chia tài sản: Qua thực tiễn thi hành Luật PS 2004 cho thấy, nhiều trường hợp, sau khi mở thủ tục phá sản đối với DN, HTX, một số tổ chức, cá nhân đã đầu tư (dưới dạng hợp đồng cho vay, cấp tín dụng…) vào DN, HTX nhằm phục hồi DN, HTX bị lâm vào tình trạng phá sản. Vì vậy, Dự thảo Luật bổ sung “Các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của DN, HTX” vào danh mục các khoản nợ được xử lý tại khoản 1 Điều 50 Dự thảo Luật. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến đề xuất việc bổ sung danh mục các khoản nợ và thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán, đặc biệt ưu tiên thanh toán đối với “Các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của DN, HTX” nhằm thu hút việc đầu tư, hỗ trợ cho việc phục hồi đối với DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản, Dự thảo Luật bổ sung và thay đổi về thứ tự các khoản được ưu tiên thanh toán. Trong đó, các khoản được ưu tiên thanh toán bao gồm: phí phá sản, phí, chi phí cưỡng chế thi hành quyết định tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật; các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đó ký kết...
PV