Về việc xét xử vụ án “Dùng nhục hình” ở Tuy Hòa, Phú Yên: Tòa án nhân dân tối cao đôn đốc chỉ đạo giải quyết
Tòa án - Ngày đăng : 21:41, 10/04/2014
Sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo TANDTC đã có những chỉ đạo TAND tỉnh Phú Yên giải quyết vụ việc này.
Các bị cáo đều từng là Công an
Năm bị cáo trong vụ án đều từng là những cán bộ Công an, gồm: Nguyễn Minh Quyền (Thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - PC45 Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (Thiếu tá, Đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa), Phạm Ngọc Mẫn (Thượng úy), Đỗ Như Huy (Trung úy), Nguyễn Thân Thảo Thành (Thiếu úy), đều là cán bộ điều tra, trinh sát của Công an TP Tuy Hòa. Các bị cáo này bị truy tố và xét xử về tội “Dùng nhục hình”, gây tử vong cho anh Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên) vào tháng 5/2012.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành bị bắt tạm giam và bị VKSND TP Tuy Hòa truy tố về tội “Dùng nhục hình” có mức án từ 5-12 năm tù; 4 bị cáo còn lại bị truy tố tội “Dùng nhục hình” có mức án từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Trong phần luận tội, VKSND TP Tuy Hòa chỉ đề nghị mức án 5 năm đến 5 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Thành, 4 bị cáo còn lại cho hưởng án treo.
Ngày 3/4/2014, HĐXX Tòa sơ thẩm tuyên phạt: bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành 5 năm tù giam, bị cáo Nguyễn Minh Quyền 2 năm tù giam, bị cáo Phạm Ngọc Mẫn 1 năm 6 tháng tù giam, bị cáo Nguyễn Tấn Quang bị phạt 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo, bị cáo Đỗ Như Huy bị phạt 1 năm tù cho hưởng án treo.
Bản án nhận định Ngô Thanh Kiều (nghi can trong một vụ trộm cắp) bị đưa về Công an TP Tuy Hòa từ 8 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút ngày 13/5/2012, bị những người nói trên dùng dùi cui đánh nhiều phát. Trong đó, Thành đánh vào đầu Kiều gây chấn thương sọ não, tử vong. HĐXX buộc các bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 111 triệu đồng và Công an TP Tuy Hòa phải cấp dưỡng cho hai con của nạn nhân mỗi tháng 575.000 đồng/cháu.
Người thân của anh Ngô Thanh Kiều tại phiên tòa sơ thẩm
Về đề nghị khởi tố đồng phạm tội “Dùng nhục hình” đối với ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, HĐXX cho rằng không có chứng cứ cho thấy ông Hoàn chỉ đạo việc dùng nhục hình mà là do cấp dưới tự ý thực hiện.
Ông Hoàn cùng một số cán bộ Công an có dấu hiệu của tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và là Trưởng ban chuyên án điều tra vụ trộm cắp, phân công cán bộ cấp dưới điều tra nhưng không giám sát, nhắc nhở để xảy ra hậu quả nghiêm trọng là có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và VKSND TP Tuy Hòa cũng không truy tố nên HĐXX không xem xét.
Phải đảm bảo xử đúng pháp luật
Xung quanh vụ việc này, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin trên báo chí đưa tin về việc TAND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên xét xử sơ thẩm vụ án “Dùng nhục hình” với mức án chưa phù hợp, TANDTC đã yêu cầu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên kiểm tra báo cáo việc xét xử sơ thẩm vụ án và yêu cầu theo dõi, nếu có kháng cáo cần khẩn trương phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ sớm đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Khi nghiên cứu hồ sơ xem xét kỹ đầy đủ nội dung kháng cáo, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để xem Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đúng pháp luật hay không? Thông qua việc tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX phải làm rõ nội dung kháng cáo, trên cơ sở các chứng cứ được kiểm tra tại phiên tòa, lắng nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Luật sư, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại, nhân chứng,… để đánh giá khách quan, công tâm đúng bản chất vụ án, ban hành bản án đúng pháp luật. HĐXX phúc thẩm độc lập, tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm về việc ban hành bản án, quyết định.
Trong trường hợp phát hiện có người phạm tội mới hoặc bỏ lọt tội phạm thì HĐXX phúc thẩm có thể khởi tố hoặc kiến nghị VKS xem xét. Trong trường hợp cần hủy bản án để điều tra, xét xử lại vụ án đúng pháp luật thì HĐXX phải căn cứ vào pháp luật tố tụng để xử lý và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Trường hợp vụ án không có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, bản án có hiệu lực pháp luật thì Thanh tra TANDTC, Tòa hình sự TANDTC đôn đốc TAND tỉnh Phú Yên giám đốc kiểm tra vụ án để kiểm tra tính hợp pháp của bản án sơ thẩm. “Nếu bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng thì cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để vụ án được giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật…” - Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 28/6/2013, TAND TP Tuy Hòa đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo đó, yêu cầu VKSND TP Tuy Hòa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can Quang, Quyền, Mẫn, Huy và Thành về hành vi cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, VKSND TP Tuy Hòa cho rằng các bị can này do nôn nóng với kết quả điều tra, không nhằm mục đích gây thương tích hoặc gây ra cái chết đối với Kiều. Hành vi dùng nhục hình đã thu hút các hành vi cố ý gây thương tích nên không cần thiết truy tố tội “Cố ý gây thương tích”. |