Xây dựng Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự: Bảo đảm việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác

Tòa án - Ngày đăng : 22:29, 01/04/2014

Triển khai thực hiện Nghị quyết của QH về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa XIII, trong đó có Dự án Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự, TANDTC là cơ quan được QH giao trách nhiệm chủ trì thực hiện Dự án Pháp lệnh này.

Rút ngắn về thời gian, tạo thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng

Triển khai thực hiện Dự án Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự ( Dự án), TANDTC đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập do Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình làm Trưởng Ban soạn thảo, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào làm Phó trưởng Ban soạn thảo; đồng thời xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch thực hiện Dự án. TANDTC đang tiến hành nghiên cứu lý luận, trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự (TTDS) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất một số nội dung mang tính chất quan điểm chỉ đạo và định hướng xây dựng Dự án.

Dự án được xây dựng trên cơ sở có nghiên cứu tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài về thủ tục rút gọn trong TTDS, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế; bảo đảm cụ thể hóa và không có sự xung đột giữa các quy định của Pháp lệnh với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Dự án bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất với hệ thống pháp luật tố tụng, rút ngắn về thời gian, thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật; bản án quyết định của Tòa án theo thủ tục rút gọn bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Xây dựng Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự: Bảo đảm việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác

Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào, Phó trưởng Ban soạn thảo - chủ trì phiên họp thứ nhất để định hướng xây dựng Dự án Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong TTDS 

Những định hướng cơ bản xây dựng Dự án Pháp lệnh

Vấn đề áp dụng nguyên tắc xét xử một cấp, có 2 phương án thiết kế gồm: Phương án 1: Áp dụng nguyên tắc xét xử một cấp, bản án, quyết định của Tòa án xét xử theo thủ tục rút gọn có hiệu lực thi hành và không bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Đồng thời, xây dựng cơ chế để kiểm tra, giám sát theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án xét xử theo thủ tục rút gọn.. Phương án 2: Không áp dụng nguyên tắc xét xử một cấp, bản án, quyết định của Tòa án xét xử theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc áp dụng nguyên tắc hòa giải trong suốt quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, Tòa án tôn trọng sự tự thỏa thuận của các đương sự. Nếu các đương sự hòa giải được thì Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, phương án 1: Nghiên cứu xác định cụ thể thẩm quyền của Tòa án xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn thông qua việc quy định cụ thể các loại tranh chấp đáp ứng những điều kiện nhất định như về điều kiện khởi kiện, tính chất tranh chấp, giá trị tranh chấp sao cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Cụ thể là xây dựng thủ tục rút gọn đối với những tranh chấp có giá trị tranh chấp nhỏ như khoản vay nợ có giá trị dưới 100 triệu đồng; chia tài sản chung vợ chồng có giá trị dưới 100 triệu đồng; đối với những tranh chấp đã có chứng cứ rõ ràng như hợp đồng vay nợ mà có giấy tờ vay nợ, có xác nhận, có chốt tổng số nợ; những tranh chấp về cấp dưỡng, nuôi con; xây dựng cơ chế hối thúc trả nợ như đối với tranh chấp về séc, hối phiếu… Phương án 2: Pháp lệnh chỉ quy định những vấn đề nguyên tắc, giao cho TANDTC có thẩm quyền hướng dẫn những vấn đề cụ thể về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong TTDS (thế nào là vụ việc đơn giản).

Về điều kiện xét xử theo thủ tục rút gọn đảm bảo rõ ràng, nhanh chóng cả về thời gian và trình tự, thủ tục (như ngay khi nhận được đơn khởi kiện/ đơn yêu cầu của đương sự, Tòa án phân công ngay Thẩm phán giải quyết vụ việc để rút ngắn thời gian chuẩn bị xét xử. Bên cạnh đó, cũng quy định nguyên tắc các đương sự có quyền tự định đoạt trong việc lựa chọn thủ tục xét xử rút gọn để giải quyết tranh chấp của mình, ngay cả đối với những trường hợp những vụ việc không thuộc phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn những người khởi kiện có nguyện vọng và người bị khởi kiện không phản đối việc áp dụng thủ tục rút gọn thì có thể được Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn. Khi giải quyết theo thủ tục rút gọn, đề cao trách nhiệm cung cấp chứng cứ của đương sự và quy định rõ khi nộp đơn yêu cầu/đơn khởi kiện thì đương sự phải gửi kèm theo đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ hợp pháp. Tòa án không có trách nhiệm phải thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục rút gọn.

Về thành phần giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, có ba phương án thiết kế, gồm: Phương án 1: Thành phần giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn chỉ có 1 Thẩm phán. Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên không tham gia giải quyết, xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn. Phương án 2: Thành phần giải quyết bao gồm cả Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên không tham gia giải quyết, xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn. Phương án 3: Thành phần giải quyết bao gồm cả Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên tham gia giải quyết, xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn.

Theo kế hoạch, quý II năm 2015, Ban soạn thảo và Tổ Biên tập sẽ trình Dự án đến Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để thẩm tra. Sau khi báo cáo, giải trình và tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ban soạn thảo, Tổ Biên tập sẽ nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý Dự án và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Trần Minh Giang