Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành nghị quyết về việc cho bị cáo hưởng án treo
Tòa án - Ngày đăng : 20:24, 19/11/2013
Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TANDTC xung quanh những nội dung cơ bản của Nghị quyết quan trọng này.
PV: Xin đồng chí cho biết lý do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết mới hướng áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo?
Phó Chánh án Nguyễn Sơn: Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (điều kiện về mức hình phạt; điều kiện về nhân thân của người phạm tội; điều kiện về các tình tiết giảm nhẹ; điều kiện về yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm), được quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự. Để bảo đảm việc áp dụng đúng và thống nhất quy định của Bộ luật Hình sự về án treo, ngày 2/10/2007, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt”, trong đó có hướng dẫn về các điều kiện để cho hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách, thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách, giao người bị xử phạt tù được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn trả lời phỏng vấn Báo Công lý
Có thể nói, Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP là văn bản hướng dẫn chi tiết và là căn cứ pháp lý quan trọng để các Tòa án xem xét, quyết định việc cho hưởng án treo đối với các trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn công tác xét xử thì việc cho hưởng án treo vẫn còn có những tồn tại, bất cập; tỷ lệ các bị cáo bị xử phạt tù cho hưởng án treo là khá cao, trong đó có những trường hợp cho hưởng án treo không đúng, cho hưởng án treo đối với người cần nghiêm trị như chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, tái phạm, phạm tội nhiều lần... và cả đối với những người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, các tội phạm về tham nhũng; việc ấn định thời gian thử thách, quyết định thời gian thử thách trong bản án còn chưa thống nhất và còn có những cách hiểu khác nhau. Để khắc phục những bất cập, tồn tại này, bảo đảm cho việc áp dụng đúng và thống nhất quy định của Bộ luật Hình sự về án treo nhằm nâng cao hiệu quả của việc áp dụng chế định án treo cũng như tránh việc lạm dụng, cho hưởng án treo không đúng, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, tội phạm về tham nhũng, tội phạm có tổ chức..., Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hảnh Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6/11/2013 “Hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo” để thay thế cho các hướng dẫn trước đây.
PV: Xin đồng chí cho biết những điểm mới quan trọng trong hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP so với những hướng dẫn trước đây?
Phó Chánh án Nguyễn Sơn: Nội dung quan trọng nhất được thể hiện trong Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP là hướng dẫn về những điều kiện cho hưởng án treo; những trường hợp không được cho hưởng án treo; những lưu ý khi xem xét, quyết định việc cho hưởng án treo và việc ấn định thời gian thử thách.
Về những điều kiện cho hưởng án treo, có sự kế thừa các hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP và những hướng dẫn trước đây của Tòa án nhân dân tối cao về án treo còn phù hợp, Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP đã cụ thể hóa rõ hơn những điều kiện để xem xét cho hưởng án treo; những người đã từng bị kết án, bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật thì việc xem xét cho họ được hưởng án treo phải chặt chẽ hơn đối với những trường hợp có nhân thân tốt; người được hưởng án treo phải là người có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng, chức vụ.
Về những trường hợp không được cho hưởng án treo, nội dung hướng dẫn trong Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP là sự cụ thể hóa chính sách hình sự của Nhà nước ta về nguyên tắc xử lý được quy định tại khoản 2 Điều 3 của Bộ luật Hình sự, đó là “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng”; đồng thời, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Về những lưu ý khi xem xét, quyết định việc cho hưởng án treo thể hiện trong Nghị quyết là việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xác định khung hình phạt và quyết định hình phạt phải bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Điều 3 của Bộ luật Hình sự về nguyên tắc xử lý, Điều 45 của Bộ luật Hình sự về căn cứ quyết định hình phạt và Điều 47 của Bộ luật Hình sự về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh những nội dung nêu trên, Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP đã có hướng dẫn mới về ấn định thời gian thử thách; cụ thể là: “Khi cho người bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, Toà án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 1 năm và không được quá 5 năm”. Đối với những trường hợp đã bị tạm giam, tạm giữ trước khi xét xử thì thời gian họ bị tạm giam, tạm giữ sẽ được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù (nếu trong thời gian thử thách người được hưởng án treo phạm tội mới) theo quy định tại Điều 33 của Bộ luật Hình sự. Hướng dẫn này là phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự, bởi lẽ Bộ luật Hình sự không có quy định về việc thời gian tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời gian thử thách mà Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 đã hướng dẫn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 của Bộ luật Hình sự thì: “Khi xử phạt tù không quá 3 năm... Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm”. Như vậy, về nguyên tắc thời gian thử thách phải dài hơn mức hình phạt tù (nếu mức hình phạt tù là 3 năm thì thời gian thử thách được ấn định là 5 năm).
PV: Xin đồng chí cho biết tác động của việc ban hành Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP đối với công tác xét xử của ngành Tòa án trong thời gian tới đây?
Phó Chánh án Nguyễn Sơn: Thực hiện đúng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2013. Với những nội dung được hướng dẫn trong Nghị quyết, việc xem xét cho những người bị xử phạt tù được hưởng án treo sẽ bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng và có hiệu quả hơn; những tồn tại, bất cập trong việc cho hưởng án treo không đúng, cho hưởng án treo đối với các tội phạm về tham nhũng, việc ấn định thời gian thử thách không thống nhất và những tồn tại, bất cập khác sẽ được khắc phục. Sau khi Nghị quyết được ký ban hành, đến nay chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của Thẩm phán về các điều kiện, đối tượng cho hưởng án treo trong Nghị quyết là tương đối rõ ràng, dễ vận dụng. Chúng tôi tin chắc hiệu quả của việc áp dụng thống nhất pháp luật dần dần sẽ tốt hơn, nhất là việc xét xử cho người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chánh án!
PV (thực hiện)