Khi đất rừng phòng hộ, ao sen sinh thái bị… phân lô bán nền
Bất động sản - Ngày đăng : 12:56, 22/10/2018
Một hình ảnh trái ngược đang làm dư luận lo ngại, là tại huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khi diện tích rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, ao sen An Hải được bảo tồn cho cộng đồng, thì nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển tại đảo Phú Quốc, cùng với ao sen sát chân núi Vô Hương, với hàng chục loài thủy sinh đặc hữu lại được Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc đề nghị giao cho doanh nghiệp tư nhân để san lấp cho mục tiêu phân lô bán nền.
Phát triển bền vững cho tương lai
Nội dung các Nghị quyết của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất các địa phương có biển đều yêu cầu phải bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm phát triển bền vững trên cơ sở cân bằng sinh thái tự nhiên. Trong quá trình phát triển, nhiều địa phương đã đề ra hàng loạt chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là rừng phòng hộ và đảm bảo đa dạng sinh học tại vùng hải đảo.
Bài học phát triển bền vững đã được huyện Côn Đảo tuân thủ rất nghiêm túc khi hệ sinh thái rừng, vùng ngập nước, khu vực bảo tồn biển được cân nhắc một cách kỹ lưỡng trước khi giao cho các dự án nghỉ dưỡng. Ngoài ra, cử tri huyện đảo cũng đã thể hiện tốt vai trò giám sát liên quan đến lĩnh vực này, khi tất cả các kiến nghị đều được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời đầy đủ với tư cách là đại biểu Quốc hội đơn vị huyện Côn Đảo.
Ngay chuyến đi mới đây đến với đất thiêng Côn Đảo, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình cũng rất tâm đắc với các giải pháp cân bằng trong phát triển kinh tế biển tại huyện Côn Đảo và đã chia sẻ với lãnh đạo UBND địa phương là, phải giữ được màu xanh của rừng, màu xanh của biển, màu hồng của hồ sen An Hải để cộng đồng có được một điểm đến đáng nhớ mỗi khi đặt chân đến mảnh đất anh hùng này. Đây là điều quan trọng vì bài học đắt giá đã có khi đảo Phú Quốc vì không có giải pháp cân bằng giữa phát triển và bảo tồn nên thiên nhiên đã bị xâm hại nghiêm trọng, khó có thể phục hồi để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Bờ biển Nam Bãi Trường đã tràn ngập các dự án với màu xám xịt của bê tông
Sự thật trong nhiều văn bản của UBND tỉnh Kiên Giang đều đã phân tích rõ về hiện trạng thiên nhiên của đảo Phú Quốc. Đó là do nằm độc lập với đất liền (không nhận nước từ thượng nguồn và các khu vực khác) nên mùa khô tại Phú Quốc tuy ngắn nhưng đã gây khô hạn và thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở một số khu vực. Mùa mưa kéo dài, lượng mưa lớn cùng với địa hình dốc thường gây ra lũ trong các tháng VII-IX, gây ra thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhà ở và sạt lở đất. Vì vậy trong xây dựng các khu dân cư đô thị cần đặc biệt chú trọng đến việc duy trì và trồng mới các mảng xanh, làm vùng đệm cho thoát nước, hạn chế ngập lũ đô thị.
Ngay trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Phú Quốc do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang thực hiện cũng xác định là: Phú Quốc thiếu nước ngọt trầm trọng trong mùa khô, ngập lũ trong mùa mưa. Mặc dù có lượng mưa hàng năm khá lớn (2.900 mm), tổng lượng mưa năm là 1,6 tỷ m3, nhưng mưa phân bố không đều các tháng trong năm, 89% lượng mưa tập trung vào mùa mưa, nên suốt mùa khô nước ngọt rất khan hiếm. Dân số tăng nhanh, gây áp lực rất lớn đến việc giải quyết nhà ở và xây dựng các công trình công cộng phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày như: trường học, y tế, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường... Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên phức tạp, cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cấp thoát nước, xử lý vệ sinh môi trường... chưa bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế.
Từ thực tế này, UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn kiên quyết giữ ổn định quy mô diện tích đất rừng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đẩy mạnh phục hồi rừng bằng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và trồng mới, nhất là rừng ven biển, gắn với các chương trình nghiên cứu bảo tồn những loại động vật, thực vật rừng quý hiếm, đặc hữu.
Thế nhưng dựa vào cơ chế đặc thù, cũng như viện dẫn văn bản không còn phù hợp với Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, đồng thời bỏ qua hầu hết các quy hoạch chung, lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc đã “tiếp tay” cho nhiều doanh nghiệp tư nhân thực hiện các dự án nhà ở trên các diện tích đất rừng phòng hộ, đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù.
Hậu quả là dọc tuyến đường Dương Đông – An Thới là hàng loạt dự án nhà ở theo tiêu chí phân lô, bán nền biệt thự, … nằm ken dày che lấp gần hết bờ biển Nam Bãi Trường. Phía đối diện cũng có hàng loạt dự án cắm bảng để gianh đất của rừng phòng hộ, giành đất khai hoang của người dân.
Đánh đổi môi trường bằng mọi giá?
Vì tốc độ phát triển quá nhanh nên nhiều khu vực bờ biển của huyện Phú Quốc đã ngập ngụa với các dự án bất động sản được ra đời từ hàng loạt tờ trình của Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc mà bất chấp sức chịu đựng của thiên nhiên. Thậm chí cả hệ sinh thái quý giá không có gì đo đếm được, cũng đang phải đối mặt với nguy cơ biến mất do tư duy … phân lô bán nền.
Ngược lại, tốc độ phát triển quá nhanh và trình độ quản lý không tương thích đã tạo ra một hiện trạng đáng lo ngại tại đảo Phú Quốc khi hầu hết bờ biển đã bị ken dày vì các dự án phân lô, một số khu vực sinh thái đặc thù có được sau hàng triệu năm kiến tạo đang đối diện với nguy cơ xóa sổ khi chủ đầu tư các dự án phân lô bán nền sắp tiến hành đổ đất, dựng cột, xây nhà, dù thực tế là nhu cầu phòng nghỉ dưỡng tại hòn đảo này đã … bão hòa.
Khu vực ao sen với nhiều loài cá đặc hữu, là sinh cảnh ngập nước nối liền núi Vô Hương cần được bảo tồn cho cộng đồng
Khu vực bãi Trường được chia làm 2 phần là điểm nóng về sự mất cân đối giữa khai thác kinh tế và bảo tồn nguồn lực thiên nhiên. Một khu vực rộng lớn tiếp giáp từ các dãy núi phía Bắc kéo dài đến bờ biển vốn là mảng xanh xen kẽ với các dòng suối nước ngọt, cũng như hàng chục hồ nước với nhiều loài cá bản địa đã bị san lấp thành các tiểu sa mạc, để rồi hàng ngàn căn biệt thự biển với màu bê tông xám xịt mọc lên trong sự ngỡ ngàng của cộng đồng.
Khu vực đối diện hàng chục dự án biệt thự biển, là nơi sinh sống của người dân với những dãy nhà nhỏ, nép dưới tán cây ăn trái nhưng từ tháng 9/2018 đã được quy hoạch thành đất cây xanh với quy mô 110ha. Khi đi tìm câu trả lời cho sự việc này thì thông tin mà các hộ dân nhận được là các dự án bất động sản phía biển đã xây dựng vượt mật độ nên phải cân đối đất dành cho cây xanh bằng cách … quy hoạch cây xanh trùm lên khu dân cư hiện hữu (?).
Một trong những điều nhức nhối nhất mà các hộ dân tại xã Dương Tơ vẫn thường xuyên yêu cầu cơ quan chức năng giải thích một cách sòng phẳng là tại sao nhu cầu biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch đã được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng công bố là đã dư thừa, là bão hòa. Nhưng ao sen rộng khoảng 20ha tại chân núi Vô Hương là niềm tự hào về cảnh quan sen hồng giữa đảo ngọc của nhân dân địa phương, cùng nhiều diện tích rừng phòng hộ vẫn được giao cho Cty Cổ phần phát triển nhà Phú Quốc thực hiện Dự án Khu dân cư Housing Phú Quốc (?).
Từ năm 2016 đến nay, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào giải thích đầy đủ cho người dân hiểu câu chuyện lấy đất ao sen, lấy đất khai hoang của dân để giao cho dự án phân lô. Mà người dân chỉ biết rằng chủ đầu tư đã cắm bảng dự án và cho dựng hàng rào thép gai để bao trọn cả khu vực mặt tiền đường Dương Đông – An Thới, còn ao sen vẫn được gia đình chị Phạm Thị Tiến tiếp tục khai thác du lịch sinh thái để phục vụ cộng đồng.
Nói về chuyện màu xanh của rừng phòng hộ, màu hồng của ao sen đang phải đối diện với nguy cơ bị xóa sổ, tương tự như khu vực Nam bãi Trường đã hoàn toàn biến thành dãy nhà cao tầng, biệt thự biển. Ông Võ Hoàng Sơn, người đã tham gia kháng chiến tại vùng đất này từ những năm 1963 chia sẻ bức xúc: Cả gia đình tôi đi theo cách mạng nên khi nghe các cơ quan chức năng huyện Phú Quốc vận động giao đất để phát triển hạ tầng thì đã rất sẵn lòng giao đất. Nhưng sau khi chứng kiến cảnh san lấp, xây dựng có quy mô khủng khiếp tại phía biển thì gia đình chúng tôi mới thấy sự bất ổn khi cây xanh bị chặt trắng, đường thoát nước bị san lấp chỉ còn cát trắng với gió biển. Ngay cả rừng phòng hộ và ao sen tại ấp Suối Lớn cũng lọt vào ranh quy hoạch nhà cho người có thu nhập cao. Đây không phải là du lịch sinh thái mà là tàn phá thiên nhiên, nên tôi mong cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra quy trình thực hiện dự án tại xã Dương Tơ để hủy bỏ các dự án sử dụng đất rừng, đất ngập nước, vì điều này đã được người dân chúng tôi chất vấn tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri.
Những ngày đầu tháng 10/2018, có mặt tại khu vực ao sen chúng tôi cùng nhiều khách du lịch đã được anh Lại Đình Hùng, cựu chiến binh quê Hải Phòng chia sẻ về màu sen hồng do đặc thù khí hậu biển và địa chất đất chua phen khu vực ấp Suối Lớn. Đó là trong kháng chống Mỹ, những người lính miền Bắc khi vào miền Nam chiến đấu đã yêu màu sen hồng với câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Hôm nay, tại đảo Phú Quốc, giữa trời biển thanh bình lại được nhìn màu sen hồng của ao sen dưới chân núi xanh biếc thì những cảm xúc ngày xưa lại tràn về. Khu vực ao sen là đặc thù sinh thái ngập nước, là vốn quý của đất trời dành cho Phú Quốc cần được phát triển thành điểm đến nghỉ dưỡng sinh thái và bảo tồn nguồn sinh vật là hàng chục loại cá bản địa, thay vì thành dự án phân lô nhà ở với màu xám của nhà ống, nhà cao tầng.