HoREA đưa ra nhiều giải pháp về phát triển nhà ở xã hội tại TP. HCM
Bất động sản - Ngày đăng : 16:26, 12/09/2018
HoREA nhận định, quy mô dân số thành phố Hồ Chí Minh đã lên đến gần 13 triệu người. Trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số. Do vậy, giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, trước hết là phải có nhiều căn hộ cho thuê giá rẻ, có đủ các tiện ích cơ bản và an toàn hơn cần phải được coi là nhiệm vụ chính trị của thành phố, có tính nhân văn và có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị.
Hiện nay, đang rất thiếu nhà ở xã hội cho thuê và loại căn hộ nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ. Hơn 70% nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người nhập cư là do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư các khu nhà trọ, phòng trọ tạm bợ, phần lớn không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn, an ninh. Dự báo trong 10 năm tới TP.HCM sẽ cần khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng đến năm 2020, thành phố phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn, trong đó có 20% dành để cho thuê, 60% căn hộ để trả ghóp dài hạn, 20% căn hộ dành cho chủ đầu tư bán thương mại để bù đắp chi phí.
Đồng thời, từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ xây dựng lại hoặc sửa chữa nâng cấp tối thiểu 50% trong tổng số 474 chung cư cũ đã được xây dựng từ trước năm 1975, với tổng số khoảng trên 35.000 căn hộ mới và triển khai thực hiện các dự án di dời, tái định cư trên 20.000 căn nhà trên và ven các kênh rạch.
Thành phố cần phát triển nhiều loại hình nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu của người dân
Với đặc thù của thành phố, HoREA đề nghị tập trung phát triển chủ yếu là loại căn hộ nhà ở xã hội 1-2 phòng ngủ, diện tích khoảng 25-77m2, có giá bán khoảng 250-700 triệu đồng/căn.
HoREA đề xuất có thể sử dụng hợp lý quỹ đất công của thành phố, bao gồm quỹ đất nông trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), nông trường Phạm Văn Cội, nông trường bò sữa (huyện Củ Chi), nông trường Láng Le (Bình Chánh) có tổng diện tích khoảng 6.000 ha để phát triển nhà ở xã hội.
Cần phải điều chỉnh, sửa đổi một số cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển của nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, căn hộ cho thuê giá rẻ. Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đề nghị bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 3.000 tỷ đồng để thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020. Cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi theo quy định được vay tại 4 ngân hàng do nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank).
Đồng thời, đơn vị này kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư dự án có quy mô từ 10ha trở lên cũng được đề xuất lựa chọn 01 trong 03 phương thức để thực hiện nghĩa vụ (xây dựng nhà ở xã hội tại dự án, hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác, thanh toán bằng tiền) tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định.
Bên cạnh đó, đối với các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, HoREA kiến nghị cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm nhà ở xã hội hàng tháng mà mọi đối tượng thụ hưởng nhà xã hội đều thực hiện như nhau, có thể ở mức 500.000 đồng hoặc không quá 1 triệu đồng/tháng thì thuận tiện và phù hợp hơn với khả năng tài chính của người mua nhà ở xã hội. Cho phép những người đã sử dụng nhà ở xã hội từ 10 năm trở lên khi bán nhà không phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất.