Khánh Hòa: Sốt đất, giá tăng phi mã ở Bắc Vân Phong

Bất động sản - Ngày đăng : 18:47, 11/04/2018

Cùng với Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) cũng là một trong 3 khu vực đề xuất thành lập đặc khu kinh tế. Trong thời gian qua, giá đất tại Vân Phong đang tăng chóng mặt.

Sốt từ gần biển vào bờ

Dù chưa chính thức trở thành đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong nhưng giá đất bắt đầu sốt khủng khiếp ngang với các TP HCM, Hà Nội, hay Vân Đồn, Phú Quốc. Hơn nữa, Bắc Vân Phong được định hướng chủ yếu phát triển về cảng biển nước sâu, dịch vụ logistics cảng biển quốc tế theo thế mạnh của khu vực này, song song đó là phát triển dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp. Còn đất cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng không nhiều, nên càng bị đẩy giá khu Vân Phong tăng lên từng ngày.

Khánh Hòa: Sốt đất, giá tăng phi mã ở Bắc Vân Phong

Không chỉ sốt đất ven biển, đất dọc Quốc lộ 1A cách khá xa vẫn đang nóng từng ngày

Tình trạng “sốt” đất diễn ra từ hơn 2 tháng qua, tại huyện Vạn Ninh, nơi sẽ hình thành trung tâm hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (gọi tắt là Đặc khu) trong tương lai. Các loại đất từ đất rừng, đất nông nghiệp đến đất ở được nhiều người ở các địa phương khác đến thu mua với giá cao. Ban đầu, những người này chỉ quan tâm đến đất ven biển, đất trên các đảo, khi đất ở các vị trí đẹp khan hiếm thì họ lại chuyển hướng sang đất rừng, đất trồng cây lâu năm.

Đất tại trung tâm huyện Vạn Ninh mỗi ngày nhảy một giá. Biển tại Vạn Ninh không đẹp vì hiện tại không có bãi tắm mà chỉ là bãi tĩnh có tàu thuyền của ngư dân neo đậu và một vài bến ca -nô chở khách ra thăm đảo Điệp Sơn. Dù vậy, những lô mặt tiền hướng biển trên đường Trần Hưng Đạo tăng từ 30 triệu/m2 cuối năm 2017 lên 70 triệu/m2. Những lô bên trong dao động từ 30 - 43 triệu/m2 nhưng tất cả đều là chủ sở hữu của người Sài Gòn và Hà Nội.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, tại thị trấn Vạn Giã hiện các hoạt động giao dịch, môi giới bất động sản đang diễn ra sôi động, các văn phòng nhà đất mọc lên như nấm. Theo chân các “cò”, trung bình giá đất tại mặt đường Trần Hưng Đạo Vạn Giã hiện đang được chào bán với giá giao động 60-70 triệu đồng/m2, nhưng luôn trong tình trạng “sốt” và cháy hàng. So với thời điểm cuối 2017, giá đất tại Vân Phong đang tăng gấp 2, thậm chí là gấp 3 lần. Còn đất trên đường Nguyễn Huệ cũng đã sốt lên hầm hập.

Cần sớm chấn chỉnh tình trạng sốt đất

Một con đường xương sống huyết mạch chạy dọc Khu kinh tế bám dọc trục đường này là các khu làng, xã như Tân Dân, Vạn Thắng, Vạn Thọ, Tu Bông, Vạn Khánh… đang bị hét giá tăng hàng giờ. Trên con đường nhỏ dự kiến sẽ được mở rộng 19km nối Vạn Giã – Tu Bông trước đây, giá đất ở đây chỉ 1 – vài triệu đồng/m2 nhưng nay được "thổi lên" gấp nhiều lần dao động từ 6 đến 13 triệu đồng/m2. Các trục xương cá và đất trong dân có sổ đang giao dịch mức từ 6 – 8 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí.

Khánh Hòa: Sốt đất, giá tăng phi mã ở Bắc Vân Phong

Đất mặt tiền biển Đầm Môn luôn có mức giá "trên trời", nhưng đã được mua hết.

Vài tháng trước, đất biển Đầm Môn, Tuần Lễ cũng bị đẩy giá lên rất cao vì rất gần với biển. Một gia đình có miếng đất trồng câu lâu năm ở Tuần Lễ dù không biết chính thức diện tích đất là bao nhiêu, chỉ ước chừng 3.000-4.000m2, nhưng vẫn hét giá 50-70 tỷ đồng. 

Thực tế hiện nay, việc chuyển nhượng được diễn ra nhanh, sau đó, người này sang tay người khác đã đẩy giá đất lên cao. Tình trạng vi phạm pháp luật đất đai như lấn, chiếm đất, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, hành lang giao thông… cũng có xu hướng gia tăng.

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vạn Ninh. Cụ thể, yêu cầu huyện Vạn Ninh có trách nhiệm chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã áp dụng các biện pháp cần thiết để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra các vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai và trách nhiệm công vụ để xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra nhiều vi phạm trên địa bàn quản lý… Trong đó, lưu ý đến trường hợp cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, nhất là trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Mặt khác, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong có trách nhiệm tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo và thống nhất thực hiện các loại quy hoạch, kế hoạch đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận đất đai, thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn huyện và Khu kinh tế Vân Phong… Tuy nhiên, việc quản lý tình trạng mua bán, sang nhượng đất đai tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Lê Thuận - Trần Linh