Địa ốc Alibaba bán dự án ảo: Làm ăn mập mờ, bất chấp pháp luật
Bất động sản - Ngày đăng : 17:44, 02/12/2017
Nhờ khả năng "bán hàng" siêu đẳng của mình, Công ty CP địa ốc Alibaba đã bán được hàng ngàn lô đất cho khách, thậm chí “lừa” được rất nhiều khách hàng mua các lô đất trong dự án ma của mình bằng tiền thật. Hiện, công ty này đang giao bán các lô đất dự án theo cơ chế “đặt chỗ dự kiến” với các khu đất chưa giải tỏa, chưa có chủ đầu tư.
Khách hàng "tố" địa ốc Alibaba lừa đảo
Địa ốc Alibaba đã từng bị Hiệp hội bất động sản TP. HCM (Horea) và sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM cảnh báo "lừa đảo", Sở Xây dựng tiến hành thanh tra các dự án sai phạm. Các cơ qaun công an điều tra, theo rõi sát sao, nhưng sáng 26/11, công ty vẫn ngang nhiên tổ chức lễ mở bán các như án chưa có hồ sơ pháp lý như không có chuyện gì xảy ra.
Tại buổi lễ mở bán này, đại diện địa ốc Alibaba đã thừa nhận mình không phải chủ đầu tư của dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi TP. HCM. Nhưng vẫn "tấn công" ngược lại rằng công ty đang bị Horea vu khống mình.
Trước những thông tin bị phơi bày trên, nhiều khách hàng dính bẫy lừa đảo của Alibaba rất bức xúc. Họ liên tục phản ánh những vấn đề bất cập khi mua đất dự án của địa ốc Alibaba.
Một buổi mở bán đầy "nhốn nháo" của địa ốc Alibaba
Chị Nguyễn Thị Mai Nga - khách hàng mua đất của Alibaba, bức xúc nói: "Tôi đã đặt cọc 4 lô đất tại dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi đã từng được công ty tư vấn rất hay ho về lợi nhuận, tính pháp lý chặt chẽ... Nhưng giờ công ty lại nói chưa là chủ đầu tư dự án, chưa có tính pháp lý, vậy tại sao lại thu tiền giữ chỗ của tôi?"
Phản pháo lời tố cáo trên, ông Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Địa ốc Alibaba nói: "Phiếu giữ chỗ là thỏa thuận dân sự giữa hai cá nhân, sau này chị sẽ được mua với giá ưu đãi hơn khi công ty thực hiện dự án. Nếu chị không đồng ý thì lấy lại tiền. Đồng ý thì mình chuyển sang hợp đồng góp vốn chờ cho tới khi công ty thực hiện dự án mua với giá ưu đãi. Việc chúng tôi chưa là chủ đầu tư với việc nhận tiền là hai cái khác nhau, đừng có đánh chéo hai sự việc này".
Trường hợp khác, khách hàng Kiều Thanh Thụy (ngụ TP. HCM) cũng lên tiếng tố Địa ốc Alibaba lừa đảo. Cụ thể, anh Thụy tin lời "chào hàng" ngon ngọt của công ty nên quyết định mua và đóng 95% giá trị 2 lô đất nền tại dự án Long Phước 1 (xã Long Phước, Long Thành, Đồng Nai) để nhận được những ưu đãi về sau.
Thế nhưng sau 9 tháng, Alibaba vi phạm trắng trợn khi vẫn chưa chịu bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng.
Rõ ràng trong hợp đồng giữa hai bên có ghi: Sau 3 tháng khách hàng sẽ được nhận bàn giao nền, nếu có trễ tối đa là 1 tháng (tổng cộng 4 tháng) để khách hàng có thể xây dựng nếu muốn. Sau thời gian này nếu vẫn chưa bàn giao thì công ty sẽ chịu phạt lãi suất như điều kiện trong hợp đồng đã ghi rõ; Sau 6 tháng khách hàng sẽ được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho từng nền nếu có trễ tối đa là 2 tháng (tổng cộng 8 tháng). Sau thời gian này, nếu vẫn chưa bàn giao thì công ty sẽ chịu phạt lãi suất như điều kiện trong hợp đồng đã ghi rõ.
Quá bức xức, anh Thụy yêu cầu một vị Giám đốc chi nhánh của công ty lập biên bản vụ việc. Sau 1 tuần, công ty thông báo sẽ không chịu phạt lãi suất chậm bàn giao với lý do công ty không làm sai?
Chia sẻ với báo giới, anh Thụy khẳng định: “Nếu như theo những thông tin báo chí đăng tải hiện tại về việc Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xác nhận là không có bất kỳ dự án nào do Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư thì tôi nhận định đây là hành vi lừa đảo…”
Bị điều tra vẫn cãi lý
Trước những vi phạm của mình, ông Nguyễn Thái Luyện phân trần: “Những dự án tại khu vực Long Thành (Đồng Nai) vào thời điểm này đang ngưng giao dịch và ngưng tách thửa để tập trung giải phóng mặt bằng, nên công ty chuyển hướng vào khu Tây Bắc Củ Chi TP. HCM. Tuy nhiên, khu vực này đang “bị động” nên công ty chuyển hướng về dự án Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu”.
Liên quan đến vụ việc của địa ốc Alibaba ngày 29/11, trả lời cơ quan báo chí, ông Trương Công Nam – Phó thanh tra Sở Xây dựng TP. HCM khẳng định:“Khu đất Alibaba rao bán nằm trong 1 phần Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Khu đất này mới được duyệt quy hoạch 1/200 (năm 2013). Hiện khu đất chưa có chủ đầu tư; chưa phê huyệt 1/500; chưa có hạ tầng kỹ thuật, chưa bồi thường; giải phóng mặt bằng. Hiện đang rất nhiều hộ dân sinh sống tại đây. Việc địa ốc Alibaba đứng ra phân chia quy hoạch, vẽ sơ đồ để huy động vốn, ký nhận đặt chỗ, đặt cọc là trái với quy định pháp luật”.
Thư xin lỗi khách hàng không tôn trọng khách hàng, đối tác của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện
Một diễn biến mới của vụ việc, chiều 30/11 tại cuộc họp với UBND TP. HCM, ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP đã kiến nghị UBND TP giao Sở Kế hoạch đầu tư và Cục thuế TP kiểm tra toàn diện các hoạt động của địa ốc Alibaba. Hệ thống công ty của Alibaba bị kiểm tra gồm: Công ty CP địa ốc Alibaba; Công ty Cp Alibaba Tây Bắc Tp. HCM; Công ty CP Alibaba Law Firm; Công ty TNHH đầu tư xây dựng Ali...
Hầu hết các kết luận thanh tra đều khẳng định, địa ốc Alibaba đã vi phạm Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản. Trước đó, rất nhiều lần cơ quan chức năng (Sở Xây dựng, Cục cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46 – Bộ Công an) mời đại diện công ty lên làm việc, cung cấp hồ sơ nhưng người đại diện pháp luật vẫn lặn mất tăm, mất tích.
Thêm nữa, thay vì có văn bản phúc đáp đơn thư tố cáo của khách hàng, cảnh báo của nhiều cơ quan chức năng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện gửi thư tới khách hàng xưng dan mình là "CEO cùi bắp" là có tính đùa cợt, thiếu tôn trọng khách hàng, đối tác về những ồn ào của mình.
“Kiểu kinh doanh đa cấp” của địa ốc Alibaba đã và đang khiến nhiều khách hàng lao đao vì chi ra số tiền quá lớn để mua các lô đất, nhưng không biết bao giờ mới đòi lại được.