Đoàn công tác Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 17:29, 20/08/2014
Mục đích của buổi làm việc nhằm kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Thay mặt Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đồng chí Lê Thúc Anh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương trình bày báo cáo của Liên đoàn Luật sư trong việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW trong những năm qua và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Một trong những nhiệm vụ về cải cách tư pháp trong Nghị quyết số 49-NQ/TW là: “Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời xác định rõ trách nhiệm đối với luật sư. Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư, đề cao trách nhiệm của các tổ chức luật sư đối với thành viên của mình”, và “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.
Đồng chí Lê Thúc Anh báo cáo các mặt hoạt động của Liên đoàn Luật sư trong thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị
Trên cơ sở những nội dung của Kết luận số 92 và Báo cáo tổng kết số 35-BC/CCTP ngày 12/3/2014 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã họp, phổ biến, quán triệt những nội dung nêu trên trong Đảng đoàn, đồng thời xây dựng phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 và nhiệm kỳ II (2014-2018). Sau khi có nghị quyết, Đảng đoàn và Lãnh đạo Liên đoàn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, lấy ý kiến của Ban Thường vụ, Hội đồng luật sư toàn quốc đồng thời lãnh đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện trong toàn Liên đoàn. Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, Liên đoàn Luật sư đã đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao vị trí, vai trò của luật sư, bảo đảm cơ chế để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm, kiện toàn tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động luật sư.
Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã xây dựng nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn, từng năm, đồng thời lãnh đạo việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị trong các hoạt động của Liên đoàn và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo đó, ngay sau khi được thành lập (12/5/2009), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tập trung vào công tác xây dựng tổ chức, xây dựng cơ chế tự quản của Liên đoàn và các Đoàn luật sư. Hình thành các cơ quan Lãnh đạo (Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ, Lãnh đạo Liên đoàn), các cơ quan, đơn vị giúp việc (10 đơn vị); đồng thời ban hành 19 quy chế, quy định trong các lĩnh vực tổ chức, quản lý…để xây dựng tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động của Liên đoàn. Hiện tại 63 Đoàn luật sư trong cả nước đã đi vào hoạt động theo chế độ tự quản và thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động chung của Liên đoàn, trong đó Đoàn luật sư Lai Châu, đoàn luật sư cuối cùng trong cả nước được thành lập vào tháng 7/2013.
Tại thời điểm Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập (tháng 5/2009), cả nước có hơn 5.300 luật sư; đến tháng 6/2014, số lượng luật sư là 8.675 người (tăng gần 40%). Số người tập sự hành nghề luật sư hiện nay có khoảng 4.000 người, là nguồn bổ sung đáng kể cho đội ngũ luật sư trong một vài năm tới. Để phát triển số lượng luật sư đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển luật sư đến năm 2020 theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 đã được Thủ tướng phê duyệt, Liên đoàn luật sư đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội, tổ chức các cuộc giao lưu hướng nghiệp cho sinh viên luật các trường đại học ở cả ba miền. Đảng đoàn, Lãnh đạo Liên đoàn đã trực tiếp làm việc với Thường trực tỉnh, thành ủy (đã đến làm việc trực tiếp với Thường trực tỉnh, thành ủy của 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hoạt động hành nghề tại địa phương như hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Đoàn luật sư, hỗ trợ kinh phí cho luật sư tham gia bào chữa trong các vụ án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa… nhằm động viên những người có đủ điều kiện đang sống tại địa phương tham gia Đoàn luật sư. Đoàn luật sư cũng có những biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người có đủ điều kiện và có nguyện vọng gia nhập Đoàn luật sư.
Song song với kiện toàn về mặt tổ chức, những năm qua Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư; đẩy mạnh công tác bảo vệ và hỗ trợ quyền hành nghề hợp pháp và các quyền lợi hợp pháp khác của luật sư; nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức luật sư và luật sư trong việc tham gia xây dựng pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ chung của đất nước; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế...
Phương hướng, kế hoạch tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, số lượng luật sư có khoảng 18.000 đến 20.000 luật sư, đạt tỉ lệ số luật sư trên số dân khoảng 1/4.500; như vậy từ 2015 đến 2020 (6 năm) cần đào tạo từ 9.000 đến 11.000 luật sư (đến hết năm 2014 dự tính có khoảng 9.000 luật sư), bình quân mỗi năm cần đào tạo khoảng gần 1.800 luật sư. Vì vậy cùng với việc triển khai các đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm lớn đào tạo cán bộ về pháp luật, xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tao các chức danh tư pháp, việc thành lập Trường Đào tạo luật sư trực thuộc Liên đoàn luật sư là cần thiết và cấp bách. Trong năm 2014, Liên đoàn gấp rút hoàn thành Đề án thành lập Trường đào tạo luật sư với quy mô đào tạo 1.500- 1.800 học viên mỗi năm để hoàn thành mục tiêu đề ra. Trường bắt đầu thực hiện đào tạo thí điểm một số lớp từ năm 2015, đến năm 2016 đào tạo chính thức. Bên cạnh đó, Liên đoàn luật sư thường xuyên bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, văn hóa ứng xử, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho luật sư. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao tính chuyên nghiệp của các tổ chức hành nghề luật sư; phát triển tổ chức hành nghề luật sư hoạt động chuyên sâu trong các lĩnh vực pháp luật; phát huy vai trò tự quản của các Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư; hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư...
Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn công tác Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cơ bản nhất trí với kết quả mà Liên đoàn Luật sư đã thực hiện trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để Liên đoàn Luật sư làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW. Thay mặt Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đồng chí Lê Thúc Anh tiếp thu các ý kiến, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các Đoàn luật sư trong toàn quốc thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm xây dựng vị thế của các luật sư ngày càng rõ nét hơn trong quá trình cải cách tư pháp.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá cao những thành tích của Liên đoàn Luật sư trong thực hiện Nghị quyết số 49 và nêu những mặt còn tồn tại để Liên đoàn Luật sư cần khắc phục. Về những nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần củng cố, kiện toàn tổ chức hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động quản lý, điều hành tổ chức hành nghề luật sư. Xây dựng chính sách phát triển các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động chuyên sâu theo các lĩnh vực pháp luật phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Liên đoàn Luật sư tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyển trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm nâng cao địa vị pháp lý của luật sư trong các quan hệ tố tụng, bảo đảm thực hiện vai trò và trách nhiệm của luật sư trong hoạt động tố tụng ngay từ giai đoạn tiền xét xử (giai đoạn điều tra và truy tố) cũng như trong giai đoạn xét xử tại Tòa án, đặc biệt là việc xây dựng cơ chế thực hiện có hiệu quả nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tiếp tục lãnh đạo, phát huy vai trò tự quản của Liên đoàn Luật sư, các Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, chất lượng hành nghề luật sư theo tinh thần của Chỉ thị 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư.