“Sốt đất” ảo tại TP Hồ Chí Minh: Yêu cầu xử lý “cò đất” tung thông tin thất thiệt
Bất động sản - Ngày đăng : 13:54, 22/05/2017
Thời gian qua, tại các quận, huyện vùng ven và ngoại thành TP Hồ Chí Minh như quận 9, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh…giá đất nền tăng nhanh chóng, gây xáo trộn thị trường và khiến cho người dân thấy hoang mang, lo lắng. Có những khu vực giá đất nền được đẩy từ 10 triệu lên đến hơn 20 triệu/m2.
Trước vấn đề này, tại cuộc họp đột xuất mới đây của Thành ủy TP Hồ Chí Minh với với lãnh đạo UBND TP, các sở ngành, quận huyện, ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã nêu ra 4 nguyên nhân gây nên cơn sốt đất tại TP.Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây. Nguyên nhân thứ nhất là do các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP triển khai đồng bộ, xây dựng rất tốt, làm cho đời sống người dân tốt hơn. Điều này đã tác động đến giá cả đất đai của khu vực lân cận.
Nguyên nhân thứ hai là một số thông tin về dự án cụ thể ở huyện Cần Giờ, Củ Chi vừa qua xuất hiện trên truyền thông, cũng là một yếu tố gây sốt đất. Nguyên nhân thứ ba là khu đất bị quy hoạch “treo” sau khi điều chỉnh quy hoạch thì trở về giá trị thật.
Đáng chú ý nguyên nhân thứ tư được ông Khoa chỉ rõ là việc “sốt đất” ảo là do có sự tác động của những trường hợp đầu cơ, thổi phồng nhằm trục lợi bất chính.
"Sốt đất" ảo tại TP HCM thời gian là do có sự tác động của những trường hợp đầu cơ, thổi phồng nhằm trục lợi bất chính. Ảnh minh họa
Việc “cò đất” đứng sau, tun tin đồn để thổi giá đất lên cao trục lợi bất chính vốn không phải là xa lạ trên thị trường bất động sản. Ngay tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra hôm 17/5, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HHBĐS TP Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cơn “sốt đất” không phải chỉ TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang cũng có hiện tượng này.
Theo ông Châu, cơn sốt này diễn ra đối với đất nền chứ không phải đất dự án. Cụ thể, sốt đất nền diễn ra ở Quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn và lan lên cả Củ Chi và huyện Cần Giờ.
"Đó là một điểm rất bất thường. Giới đầu nậu và cò đất chính là thủ phạm, nguyên nhân chính gây ra cơn sốt đất này và cũng chính là bên hưởng lợi lớn nhất trong quá trình này. Cho nên nó tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ rất nguy hiểm đối với tình hình kinh tế, bất động sản, nhất là tính bền vững”, ông Châu khẳng định.
Theo đó, Chủ tịch HH BĐS TP Hồ Chí Minh kiến nghị “Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Kinh doanh bất động sản. Bởi vì Luật Kinh doanh bất động sản quy định kinh doanh bất động sản phải có đăng ký kinh doanh nhưng giới đầu nậu, cò đất hiện nay đang kinh doanh với tư cách cá nhân chứ không đăng ký kinh doanh, không chịu thuế và nấp bóng người chủ đất hoặc nấp bóng doanh nghiệp để kinh doanh. Cho nên phải sửa luật về vấn đề này”.
Trước những thông tin đồn thổi về một số quy hoạch vùng ngoại thành, UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định thông tin ba huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn ngay lập tức chuyển huyện thành quận là chưa có cơ sở. Còn tại huyện Củ Chi, có doanh nghiệp có ý định đầu tư một tuyến đường ven sông mới chỉ là ý tưởng, chưa có đề xuất gì.
Lãnh đạo TP cũng đề ra biện pháp công khai kế hoạch sử dụng đất, công khai quy hoạch của tất cả các quận huyện, phường xã. Về hình thức công khai, phải vận dụng cho người dân hiểu một cách chính xác nhất. Đây cũng là quan điểm của các chuyên gia tại buổi tọa đàm “Giải mã cơn sốt đất tại TP.HCM” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức mới đây.
Các chuyên gia đề nghị chính quyền TP cần phải chủ động cung cấp thông tin cho người dân. Thông tin phải đầy đủ, công khai, minh bạch về các dự án cũng như thông tin quy hoạch để người dân và cả nhà đầu tư biết. Còn ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cho biết, trong văn bản của Thành ủy ban hành sẽ chỉ đạo Ban giám đốc Công an TPHCM chỉ đạo công an quận huyện bám sát tình hình để xử lý các trường hợp cò đất tung thông tin thất thiệt, có dấu hiệu lừa đảo, thổi giá đất để trục lợi.