Mua nhà ở xã hội phải gửi tiết kiệm: Băn khoăn về mức gửi
Bất động sản - Ngày đăng : 07:19, 31/08/2016
Vấn đề đặt ra ở đây là số tiền gửi tiết kiệm một tháng bao nhiêu thì phù hợp?
Quy định vay vốn mua nhà phải gửi tiết kiệm
Chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở được Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện theo Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 của Quốc hội và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Điểm 2, Điều 74 Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 quy định: “Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định”.
Sau khi có Thông tư số 20/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 30/6/2016 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành văn bản hướng dẫn số 2526/NHCS-TDSV ngày 27/7/2016 hướng dẫn cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà xã hội. Theo văn bản này, một trong những điều kiện về vay vốn là người vay vốn phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại ngân hàng này với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.
Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh kiến nghị mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng không quá 1 triệu đồng
Cũng trong điều kiện vay vốn, người vay vốn cũng phải có đủ vốn tự có tối thiểu 20% giá trị hợp đồng mua bán/hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội đối với vay vốn để mua/thuê mua nhà ở xã hội; tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
Quy định này được đưa ra khiến nhiều người lo lắng cho khả năng tài chính của mình bởi nếu vay mua nhà, hàng tháng bên cạnh việc phải trả đều đặn cho ngân hàng lại phải chi thêm cho khoản tiền gửi tiết kiệm. Hơn nữa mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức nợ là con số không hề nhỏ, nhất là đối với những người đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Và có lẽ sẽ có nhiều người khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay này.
Đề xuất mức gửi tiết kiệm không quá 1 triệu đồng/tháng
Mô hình tiết kiệm nhà không phải là xa lạ với các ngân hàng thế giới. Ví dụ tại Ngân hàng tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwabisch Hall AG, khi khách hàng có nhu cầu nhà ở trong tương lai sẽ thỏa thuận với ngân hàng về mức tiền tiết kiệm và thực hiện tiết kiệm hàng tháng với lãi suất cố định. Khi đã tiết kiệm được tối thiểu 50% giá trị nhà ở cần mua, khách hàng được vay 50% còn lại với lãi suất thấp, cố định đã thỏa thuận khi ký hợp đồng tiết kiệm.
Vậy với thị trường Việt Nam, số tiền gửi nên là bao nhiêu cho phù hợp? Số tiền tiết kiệm, tiền vay/ trả sẽ như thế nào đang là thắc mắc của nhiều người. Trả lời cho câu hỏi này, tờ Vneconomy dẫn lời một đại diện của Ngân hàng Chính sách xã hội giải thích: “Chẳng hạn, số tiền hàng tháng khách hàng phải trả là 8 triệu đồng, trong đó có 5 triệu gốc. Tuy nhiên, do được ân hạn gốc một năm đầu nên số tiền lãi mỗi tháng phải nộp chỉ khoảng 3 triệu. Như vậy, ngoài trả nợ cho ngân hàng 3 triệu, khách hàng chỉ phải gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội tối thiểu 3 triệu đồng chứ không phải gửi cả 8 triệu đồng”. Cũng theo người này, với tiền gửi tiết kiệm, lãi suất được đề nghị bằng lãi suất tiền vay được Chính phủ ban hành 4,8% một năm, như vậy, việc phải gửi tiền tiết kiệm cũng không ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng.
Xét về mặt lý thuyết, những điều kiện để vay vốn mua nhà ở xã hội đang rất tốt cho người vay. Yêu cầu gửi tiết kiệm cũng là để tạo thói quen tiết kiệm để trả nợ ngay từ năm đầu tiên cho người đi vay. Tuy nhiên, để có được sự dôi dư vài triệu gửi tiết kiệm một tháng lại không phải là đơn giản đối với nhiều người.
Xuất phát từ thực tế này, trong một đề xuất mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã đưa ra kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét nên ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng có thể ở mức 500.000 đồng hoặc không quá 1 triệu đồng thì phù hợp hơn với khả năng tài chính của người vay. Hiệp hội này cũng kiến nghị ngân hàng cho phép người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội có thể chọn thực hiện việc gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ thời điểm hiện nay, hoặc có thể chọn gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Đề nghị thời hạn gửi tiết kiệm 12 tháng là đủ điều kiện về việc phải gửi tiết kiệm nếu muốn mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Về mức lãi suất gửi tiết kiệm, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, để khuyến khích gửi tiết kiệm và người gửi tiết kiệm không bị thiệt thòi, ngân hàng nên xem xét cho người gửi tiết kiệm nhà ở xã hội được hưởng lãi ngay từ thời điểm gửi tiền. Lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm bình thường đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Điều này sẽ hợp lý hơn mức lãi suất do Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị, đó là bằng lãi suất cho vay nhà ở xã hội cho từng thời kỳ, tức là 4,8%/năm.
Ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội, có 4 ngân hàng khác cũng được chỉ định tham gia cho vay nhà ở xã hội, đó là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank. Do đó, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng); lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay; được áp dụng từ ngày 6/6/2016 đến hết ngày 31/12/2016 tại các ngân hàng này.